Đừng chủ quan với COVID-19!

Cập nhật, 10:44, Thứ Ba, 01/12/2020 (GMT+7)

Gần 90 ngày cả nước không ghi nhận ca mắc COVID-19 ngoài cộng đồng cho thấy nhiều nỗ lực trong công tác phòng chống dịch cũng như ý thức phòng bệnh của người dân. Song, hiện nay, tâm lý chủ quan, lơ là, chưa thực hiện nghiêm các biện pháp phòng bệnh vẫn còn xảy ra và theo ngành chuyên môn thì nguy cơ xảy ra trường hợp mắc bệnh trong cộng đồng vẫn còn cao khi chưa có vắc xin phòng căn bệnh này.

Người dân hãy luôn đề cao cảnh giác, thực hiện đầy đủ các yêu cầu phòng dịch như đeo khẩu trang khi đến nơi công cộng.
Người dân hãy luôn đề cao cảnh giác, thực hiện đầy đủ các yêu cầu phòng dịch như đeo khẩu trang khi đến nơi công cộng.

Có biểu hiện chủ quan với dịch COVID-19

Với 2 ca mắc mới được ghi nhận tối 29/11 đều là người nhập cảnh được cách ly ngay tại TP Hồ Chí Minh và Thanh Hóa, Việt Nam có 1.343 ca mắc COVID-19 từ đầu vụ dịch, trong đó 1.179 người khỏi bệnh và được ra viện.

Chính vì thế, một bộ phận người dân nảy sinh tâm lý chủ quan, không thực hiện các biện pháp phòng dịch nơi công cộng như đeo khẩu trang, đảm bảo giãn cách…

Đáng lo ngại, hiện nay việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch ở những nơi tụ tập đông người vẫn chưa hoàn toàn đầy đủ. Ngay cả ở các thành phố lớn vốn tập trung mật độ dân cư cao, ý thức phòng chống dịch cũng đã xao nhãng.

Chị Phạm Mai Anh (TP Vĩnh Long) cho biết: “Tôi vừa có chuyến công tác ở Thủ đô Hà Nội về, thấy vẫn còn khá nhiều không đeo khẩu trang dù có quy định xử phạt người không đeo khẩu trang ở nơi cộng cộng. Đi dạo hồ Gươm, thậm chí sân bay, công viên, đường phố…. vẫn tình trạng người “lơ là” việc đeo khẩu trang”.

Nguy cơ xuất hiện ca mắc COVID-19 tại cộng đồng luôn thường trực vì vậy người dân và cơ sở y tế cần luôn nâng cao cảnh giác và tuân thủ công tác phòng ngừa dịch bệnh.

Hiện nay, các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long vẫn thực hiện quy định bắt buộc vào bệnh viện (BV) phải đeo khẩu trang và tổ chức kiểm soát thân nhiệt người ra vào BV cũng như phân luồng, có khu khám riêng đối với bệnh nhân mắc các bệnh về đường hô hấp.

Người dân đo thân nhiệt, sát khuẩn tay, khai báo y tế tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh Vĩnh Long.
Người dân đo thân nhiệt, sát khuẩn tay, khai báo y tế tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh Vĩnh Long.

Song, bên cạnh những người chấp hành tốt thì vẫn còn số người không đeo khẩu trang khi vào khám điều trị bệnh. Anh N.V.T. (xã Thanh Đức- Long Hồ) cho biết: “Vô cổng là bảo vệ nhắc đeo khẩu trang liền hà, nhưng do gấp tui quên, tui mới đi qua nhà thuốc bên đường mua khẩu trang đeo liền. Cứ tưởng hết dịch rồi, khỏi đeo cũng được”.

Theo bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Thị Thu Hà- Phó Giám đốc BV Đa khoa tỉnh Vĩnh Long, người dân đến khám bệnh tại BV phải đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn và được đo thân nhiệt trước khi vào khuôn viên bệnh viện.

“Dù vậy, khi người dân vô khám bệnh vẫn có một số người không đeo khẩu trang buộc chúng tôi phải nhắc nhở. Đồng thời, người dân phải tuân thủ một người bệnh một người nuôi.

Chúng tôi mong người dân ý thức hơn trong vấn đề tuân thủ vì an toàn cho người bệnh, thân nhân và cho cả ngành y tế”- bác sĩ Nguyễn Thị Thu Hà trăn trở.

Tại các điểm tập trung đông người như bến phà, bến xe thì vẫn còn tình trạng hành khách không đeo khẩu trang. Trong khi đây là những nơi có nguy cơ lây bệnh cao do mật độ tiếp xúc rất gần. 

Ông Lê Hoàng Thông- Bến trưởng Bến phà Đình Khao- cho biết: “Nhân viên bến phà chấp hành đeo khẩu trang 100% và rửa tay nước sát khuẩn.

Còn đối với hành khách chúng tôi cũng khuyến cáo bà con nên đeo và giữ khoảng cách an toàn; song, người dân vẫn còn lơ là. Người dân cần tuân thủ đeo khẩu trang và giữ khoảng cách an toàn để đảm bảo sức khỏe bản thân và cộng đồng”.

Luôn ý thức tự giác phòng dịch COVID-19

Những ngày gần đây, hầu như ngày nào cũng có bệnh nhân mắc COVID-19 mới nhập cảnh, điều này tương ứng với tình hình dịch trên thế giới đang rất căng thẳng, hiện đã gần chạm mốc 63 triệu ca mắc và gần 1,5 triệu ca tử vong do COVID-19 tính từ đầu vụ dịch này.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long khẳng định: “Nguy cơ nhiễm SARS-CoV-2 từ các nước vào Việt Nam là rất lớn và hiện hữu. Nếu đặt trong bối cảnh như vậy, hệ thống y tế của chúng ta khó đáp ứng được nhu cầu điều trị COVID-19”.

Trong thời gian tới, trong nước sẽ diễn ra nhiều hoạt động, sự kiện chính trị quan trọng, công tác phòng chống dịch được yêu cầu đặt trong tình trạng nghiêm ngặt với mức độ an toàn cao nhất.

Theo khuyến cáo ngành y tế, người dân tuyệt đối không chủ quan, lơ là trong phòng dịch. Để kiểm soát dịch COVID-19, Bộ Y tế yêu cầu người dân thực hiện thông điệp “5K” của Bộ Y tế: khẩu trang, khử khuẩn, khoảng cách, không tập trung và khai báo y tế.

Đồng thời, để duy trì thành quả phòng chống dịch thì ý thức của mỗi người dân trong thực hiện các biện pháp phòng chống cần được tiếp tục phát huy.

Có thể nói, COVID-19 không loại trừ bất cứ ai, bất cứ thời điểm nào. COVID-19 vốn nguy hiểm sẽ càng trầm trọng hơn nếu chúng ta thờ ơ hoặc bỏ lỡ cơ hội ngăn chặn ngay từ ban đầu.

TS. bác sĩ Hồ Thị Thu Hằng- Phó Giám đốc Sở Y tế- cho biết: “Chúng ta cần nâng cao cảnh giác với tinh thần phòng chống dịch bệnh cố gắng duy trì và liên tục thực hiện như từ khi có dịch.

Mỗi người dân cần nêu cao ý thức, trách nhiệm của một “chiến sĩ” chống dịch; thực hiện nghiêm những khuyến cáo phòng bệnh của Bộ Y tế như đeo khẩu trang, hạn chế ra ngoài nếu không cần thiết, giữ khoảng cách khi tiếp xúc, sát khuẩn, thực hiện khai báo y tế theo hướng dẫn của ngành y tế”.

Tại hội nghị gần đây về phòng chống COVID-19, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết đây là vụ dịch nguy hiểm nhất trong vòng 100 năm qua.

Bài, ảnh: THÚY QUYÊN