Chàm không gây nguy hiểm và có thể phòng ngừa

Cập nhật, 16:39, Thứ Sáu, 27/11/2020 (GMT+7)

Tôi có con nhỏ hay bị chàm và đã điều trị nhưng cứ tái đi, tái lại. Xin hỏi, bệnh chàm có nguy hiểm không và phòng ngừa như thế nào?

Nguyễn Thị Thanh Hương

(Quới An- Vũng Liêm)

Trả lời:

Chàm là một bệnh về da, phổ biến ở trẻ em, với khoảng 18% trẻ mắc bệnh này. Trẻ bị chàm thường có làn da khô, nứt nẻ, viêm đỏ ngứa ngáy gây khó chịu và dễ mắc các bệnh về da, nhất là nhiễm trùng do da mất lớp bảo vệ bên ngoài. Chàm không nguy hiểm đến tính mạng nhưng gây phiền hà, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của bệnh nhân và cả cha mẹ. Chàm không có thuốc trị dứt điểm, hay tái đi tái lại và khó điều trị nên cần nhiều thời gian, công sức và tiền bạc. Tuy nhiên, chàm có thể phòng ngừa bằng các biện pháp sau:

Giữ ấm da sớm: Có 2 nghiên cứu đã được thực hiện, cho thấy dùng kem giữ ấm da 1-2 lần/ngày cho bé ngay sau sinh sẽ làm giảm tần suất bệnh chàm lúc 6 tháng tuổi trên những trẻ có nguy cơ mắc bệnh cao.

Tiếp xúc sớm: Nếu cha mẹ có bệnh dị ứng hoặc chàm do tiếp xúc với chó mèo trước sinh nên cho trẻ ăn yaourt sớm trong năm đầu đời để có tác dụng phòng ngừa chàm sớm và nặng. Bú sữa mẹ ít nhất 4 tháng có tác dụng phòng ngừa chàm. Ngoài ra, trẻ bú sữa mẹ lâu hơn 4 tháng còn có tác dụng ngừa bệnh hen suyễn. Kiêng cữ thức ăn không làm giảm chàm và dị ứng.

Tránh tác nhân gây kích thích: Bệnh nhân chàm luôn có nỗi sợ sai lầm là dị ứng da làm khởi phát chàm hay làm nặng hơn. Thực ra viêm da tiếp xúc do dị ứng chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ, còn lại phần lớn là viêm da do kích ứng, các tác nhân hay gặp là các chất được dùng hàng ngày trên da như nước hoa, dung dịch chứa cồn, sữa tắm, bột giặt, giấy chùi cho trẻ em, kem trị hâm tả… Các tác nhân này khi dùng trên bệnh nhân chàm có thể làm bệnh nặng hơn do gây phản ứng kích thích lên làn da vốn đã tổn thương từ trước. Do đó cần dùng sản phẩm không gây kích ứng, không chứa cồn, nước hoa, không mùi cho trẻ mắc bệnh chàm.

Tóm lại, phòng ngừa chàm bằng cách giữ ấm da từ sớm, bú sữa mẹ nếu có thể, giới thiệu thức ăn sớm và tránh tác nhân gây kích ứng da.

BS PHAN GIA HOÀNG

(Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Vĩnh Long)