Bé trai 6 tháng bị thiếu máu nặng do chỉ uống sữa đặc

Cập nhật, 17:40, Thứ Hai, 16/11/2020 (GMT+7)

Theo bác sĩ chuyên khoa 1 Nguyễn Cát Phương Vũ- khoa Hồi sức tích cực- Chống độc Bệnh viện Nhi đồng TP Hồ Chí Minh, đơn vị này đang điều trị cho bé trai 6 tháng tuổi, bị thiếu máu nặng. Bé nặng hơn 9 kg, trắng trẻo và bụ bẫm nhưng làn da xanh xao, tái nhợt do thiếu sắt.

Các bác sĩ cho biết bé bị cha mẹ bỏ rơi, phải sống với bà nội. Người bà không đủ điều kiện nuôi cháu nên chỉ cho uống sữa đặc có đường.

Bé lớn dần với cơ thể to béo nhưng thiếu toàn bộ dinh dưỡng và vi chất. Kết quả xét nghiệm cho thấy trẻ thiếu máu, thiếu sắt mức độ nặng. Thể tích khối hồng cầu trong máu chỉ còn 16% (bình thường độ tuổi này phải đạt trên 30%). Bé được chỉ định nhập khoa Ung bướu- Huyết học khẩn để truyền máu.

“Tiếp nhận ca bệnh đầy nghịch cảnh trong đêm, các bác sĩ mua ngay cho bé hộp sữa công thức phù hợp tuổi. Sau khi bồi hoàn truyền máu đúng chỉ định, các bác sĩ cẩn thận hướng dẫn người bà cách cho bé uống sữa cùng chế độ ăn dặm cân đối để bù vi chất và sắt. Ngày hẹn tái khám, bé vẫn bụ bẫm nhưng da hồng hào”, bác sĩ Phương Vũ kể.

Trẻ từ 6 tháng trở đi, lượng sắt trong sữa mẹ không còn đủ. Ngoài sữa mẹ, trẻ cần ăn dặm thêm bột ngọt, bột mặn, cháo, để bổ sung dinh dưỡng. Trong khi đó, sữa đặc nhiều đường, không có đủ giá trị dinh dưỡng với trẻ. Trong độ tuổi này, chế độ ăn dặm cho trẻ rất quan trọng. Chế độ ăn phải cân bằng đủ 4 nhóm gồm đạm, chất béo, tinh bột, vitamin và khoáng chất, đặc biệt, bổ sung nguồn đạm động vật.

Theo Ths. bác sĩ Huỳnh Công Minh- Trưởng khoa Dinh dưỡng Tiết chế Bệnh viện Nhi đồng TP Hồ Chí Minh, máu là sự kết hợp giữa protein và chất sắt. Do đó, khi trẻ không có chế độ ăn đầy đủ dinh dưỡng, không đủ chất đạm trong thời gian dài, sẽ bị thiếu máu.

Ngoài việc ăn uống kém, trẻ có thể bị thiếu máu nếu mắc các bệnh lý khiến cơ thể không thể hấp thu chất dinh dưỡng. Trẻ mắc các bệnh lý đường ruột hoặc không được tẩy giun theo thời gian đúng quy định, cũng gây tình trạng thiếu máu.

Các bác sĩ khuyến cáo mỗi trẻ đều có chế độ ăn, nhu cầu dinh dưỡng khác nhau. Nếu nghi ngờ trẻ thiếu máu hay mắc bệnh lý, phụ huynh cần theo dõi và điều chỉnh chế độ ăn khoa học cho con. Ngoài ra, phụ huynh nên tiếp cận bác sĩ chuyên khoa nhi và dinh dưỡng để đưa ra giải pháp hợp lý nhất cho trẻ.

THÚY QUYÊN