Không nên tùy tiện dùng thuốc để trị ngạt mũi

Cập nhật, 17:33, Thứ Bảy, 19/09/2020 (GMT+7)

 

Không ít người khi bị ngạt mũi bèn lấy đơn thuốc của người khác từng có triệu chứng ngạt mũi để mua về dùng mà không ngờ đến hậu quả

Ngạt mũi là một biểu hiện khá thường gặp ở những bệnh nhân đến khám tai mũi họng.

Cảm giác đó vô cùng khó chịu: cảm giác bức bối, không tập trung công việc, không suy nghĩ được việc gì, bồn chồn, đứng lên ngồi xuống không yên…

Và bạn sẽ:

- Tự dùng thuốc nhỏ mũi, bạn thấy mũi thông thoáng và … cứ thế dùng tiếp cho đến khi bạn sử dụng thuốc cũng không hết ngạt… lúc này bạn mới nghĩ đến bác sĩ Tai Mũi Họng.

- Đến ngay bác sĩ Tai Mũi Họng để được khám, tư vấn và kê đơn dùng thuốc

- Lấy đơn thuốc của người khác từng có triệu chứng ngạt mũi như bạn để đi mua và về dùng… Đôi khi dùng như vậy, biểu hiện ngạt mũi không đỡ mà còn nặng lên thêm hoặc kèm theo cả chảy mũi, đau mũi do dị ứng thuốc, thuốc không phù hợp với bạn, hoặc không dùng được ở lứa tuổi…

-  Hay bạn sẽ ra hiệu thuốc và nhờ dược sĩ tư vấn…?

Tự điều trị có thể sẽ gây hậu quả khó lường

Đối với tôi, một bác sĩ trong chuyên ngành Tai Mũi Họng, đã từng khám cho nhiều bệnh nhân sử dụng các phương pháp không đúng và hậu quả là họ thường xuyên bị cảm giác ngạt mũi dày vò.

Khi khám những bệnh nhân này, hốc mũi nơi đảm nhận chức năng thông khí hẹp, cuốn mũi dưới – đảm nhiệm tầng thở của mũi, thường hẹp lại và rắn chắc như đá. Để điều trị lúc này chỉ còn biện pháp phẫu thuật.

Tuy nhiên, các kết quả của phẫu thuật đối với cuốn dưới vẫn còn là một vấn đề còn nhiều tranh luận trái chiều để giải thích cho người bệnh trước khi phẫu thuật cho họ; vì đa phần sau phẫu thuật dưới 6 tháng, người bệnh sẽ cảm giác như mình khỏi hẳn, nhưng sau đó, ngạt tắc mũi dần dần xuất hiện trở lại, một số người còn cảm giác nặng nề hơn trước khi phẫu thuật.

Nhất là với những phẫu thuật cắt bỏ hoàn toàn cuốn dưới, sẽ có “Hội chứng trống rỗng mũi” tức là mũi người bệnh hoàn toàn trống trải, thông từ trước ra sau, nhưng họ lại cảm giác ngạt mũi không thể thở được, mất ăn, mất ngủ vì ngạt.

Nguyên nhân gây ngạt mũi

Ngạt mũi có thể xuất hiện trong rất nhiều hoàn cảnh: hít phải hơi lạnh, khói, bụi, hoá chất, mùi thức ăn, đồ uống không hợp, hay khi bị các viêm nhiễm cấp tính vùng mũi họng.

Các nguyên nhân gây ngạt mũi có thể xuất phát từ tổn thương niêm mạc mũi: viêm nhiễm, khối u, chấn thương…: viêm mũi quá phát cuốn, viêm mũi xoang, viêm mũi xoang có polip, dính niêm mạc mũi vào vách ngăn, vào các khe mũi xoang… sau phẫu thuật, sau chấn thương. Nguyên nhân cũng có thể bắt nguồn từ tổn thương các cấu trúc của hốc mũi: dị hình vách ngăn, dị hình cuốn mũi…

Làm gì khi bị ngạt mũi?

Như vậy, ngạt mũi là một biểu hiện thường gặp của hầu hết mọi người, không lúc này thì lúc khác, tuy nhiên hành động của người bệnh thế nào là phù hợp nhất?.

Khi bị ngạt mũi, điều đầu tiên nên làm là làm ấm vùng mũi bằng đèn sưởi mũi hoặc bằng khăn ấm. Sau 1 ngày, nếu biểu hiện ngạt mũi vẫn còn, bạn nên đến khám bác sĩ chuyên khoa Tai Mũi Họng để có được chẩn đoán chính xác bệnh, nguyên nhân gây bệnh…; từ đó mới có hướng xử trí đúng.

Khi người bệnh đến khám bác sĩ, tùy theo nguyên nhân và tình trạng bệnh; bác sĩ có thể áp dụng các phương pháp điều trị nội khoa hay ngoại khoa. Bệnh nhân có thể được chỉ định dùng thuốc kháng sinh, kháng viêm, kháng dị ứng, giảm phù nề … nếu do viêm nhiễm; xịt thuốc co mạch (lưu ý chỉ được sử dụng dưới 07 ngày, nếu quá phải có sự theo dõi và điều chính nống độ của bác sĩ chuyên khoa), xịt thuốc chống viêm, chống dị ứng: stetoid, kháng histamine…

Các phương pháp ngoại khoa như: Phẫu thuật nội soi mũi xoang, phẫu thuật cắt cuốn, các phẫu thuật lấy bỏ khối u, các phẫu thuật tạo hình, gỡ dính… có thể được chỉ định nếu cần thiết. Bệnh nhân cũng có thể được trị liệu xung điện vùng mũi thay đổi luồng khí tạo vùng vale mũi mới hay siêu âm trị liệu ngạt mũi…/

Theo PGS.TS.BS Phạm Thị Bích Đào/ Bệnh viện ĐH Y Hà Nội/VOV