Phòng chống vi rút corona là trách nhiệm của mỗi người

Cập nhật, 06:20, Thứ Bảy, 08/02/2020 (GMT+7)

Dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới vi rút corona (nCoV) gây ra đang khiến cộng đồng lo lắng những ngày qua. Theo các nhà chuyên môn, chúng ta không lơ là, chủ quan trong phòng chống bệnh, song không quá sợ hãi mà hãy bình tĩnh trong cuộc chiến với dịch bệnh!

Rửa tay nhiều lần trong ngày, thường xuyên lau bàn ghế, sàn nhà,… là một trong biện pháp ngừa vi rút corona hiệu quả.
Rửa tay nhiều lần trong ngày, thường xuyên lau bàn ghế, sàn nhà,… là một trong biện pháp ngừa vi rút corona hiệu quả.

Nên rửa tay nhiều lần trong ngày

Tại buổi gặp mặt báo chí để cung cấp toàn cảnh thông tin về dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút corona gây ra do Bộ Y tế tổ chức, GS.TS Nguyễn Thanh Long- Thứ trưởng Bộ Y tế, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương- cho biết, phương thức lây nhiễm của dịch bệnh là: tiếp xúc qua không khí; tiếp xúc trực tiếp với người bệnh; qua phân của người bệnh nhưng nguy cơ không rộng rãi.

Nguy hiểm nhất ở mức độ lây lan cao đó là qua bề mặt tiếp xúc, tức là khi người bệnh ho hay hắt hơi, vi rút có thể tồn tại trên nhiều bề mặt như đá, gỗ, sắt, thép... và sờ lên mắt, mũi, miệng sẽ bị lây bệnh. Đây là nguy cơ lây lan lớn nhất.

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long khuyến cáo, phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới vi rút corona gây ra tốt nhất bằng cách tránh đến nơi đông người và tiếp xúc đám đông chưa biết rõ có thực sự an toàn hay không.

Trung bình 10 phút chúng ta đưa tay lên mặt một lần. Nên quan trọng nhất là người dân phải rửa tay đúng cách và đầy đủ, cần vệ sinh các bề mặt một cách cẩn thận, thường xuyên bằng các chất tẩy rửa.

Đồng thời, “khẩu trang không phải là cứu tinh, bởi chưa chứng minh được hiệu quả phòng bệnh. Đặc biệt, sử dụng khẩu trang phải đúng cách.

Vi rút corona rất sợ không khí, sợ nắng, gió và tia cực tím, do đó ở các vùng có nắng nhiều thì không cần đeo khẩu trang y tế, nếu cơ thể khỏe mạnh thì không sợ gì corona.

Người dân tìm hiểu tờ rơi phòng chống bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới vi rút corona.
Người dân tìm hiểu tờ rơi phòng chống bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới vi rút corona.

Vệ sinh nhà cửa thông thoáng và thường xuyên lau, rửa các bề mặt vật dụng trong gia đình, tích cực tập thể dục, ăn uống đủ chất là những biện pháp được bà Bùi Thị Bạch Phượng (Phường 4- TP Vĩnh Long) thực hiện để phòng bệnh do vi rút corona mới gây ra cho gia đình.

Bên cạnh đó, bà còn trang bị thêm xà bông, khẩu trang để các thành viên trong gia đình rửa tay và mang khi đến nơi đông người.

Theo TS. bác sĩ Hồ Thị Thu Hằng- Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Vĩnh Long, dịch bệnh do vi rút corona chủng mới gây ra đang lây nhiễm rất nhanh, nghiêm trọng và đã ở mức rất cao, chưa có thuốc đặc trị, không có vắc xin phòng ngừa.

Do vậy, cách phòng chống tốt nhất là cần nâng cao sức đề kháng của cơ thể để có thể tiêu diệt vi rút lạ này ngay từ khi mới xâm nhập vào cơ thể cũng như khi đã gây bệnh. Giúp cơ thể tăng cường sức đề kháng, chủ yếu là tăng vitamin C, ăn uống khoa học, ngủ đủ giấc, tập luyện thể dục thường xuyên.

Chủ động phòng chống dịch

Dù trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long chưa có trường hợp nhiễm bệnh, song tỉnh Vĩnh Long xác định công tác phòng chống dịch do vi rút corona là nhiệm vụ cấp bách và dốc toàn lực để chủ động phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn.

Tính đến 17h ngày 7/2/2020, trên thế giới có 31.482 trường hợp nhiễm bệnh do vi rút corona, trong đó có 638 ca tử vong (Trung Quốc: 636 ca, Hồng Kông: 1 ca, Philippines: 1 ca); 1.568 ca chữa khỏi. Tại Việt Nam, có 12 trường hợp nhiễm bệnh, trong đó có 9 người Việt Nam (2 người khỏi bệnh); 1 người Việt quốc tịch Mỹ; 2 người Trung Quốc (1 người khỏi bệnh).

Với tinh thần phòng, chống dịch bệnh quyết liệt, không chủ quan không lơ là, các BCĐ từ tỉnh đến cơ sở được thành lập và khẩn trương triển khai nhiều biện pháp phòng chống căn bệnh nguy hiểm này; thường xuyên tuyên truyền giúp người dân bình tĩnh chủ động phòng, chống dịch do vi rút corona gây ra.

Một trong những biện pháp đang được ngành y tế Vĩnh Long chú trọng là trang bị kiến thức về kỹ năng truyền thông, giám sát ca bệnh và chẩn đoán điều trị bệnh nhân viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút corona cho cán bộ, nhân viên y tế.

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Bích- Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Long Hồ, thông qua các lớp tập huấn, hầu hết những người làm công tác điều trị, dự phòng trong tỉnh được cập nhật các thông tin về tình hình lây truyền dịch bệnh do vi rút corona; công tác chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, dự phòng và truyền thông khi chưa ghi nhận ca bệnh, khi xuất hiện ca bệnh xâm nhập vào tỉnh và dịch lây lan trong cộng đồng; được tìm hiểu về triệu chứng, cách chẩn đoán, điều trị, phòng ngừa lây nhiễm trong bệnh viện và kỹ năng giám sát phòng chống dịch.

Tại các bệnh viện, trung tâm y tế trên địa bàn tỉnh, khu vực cách ly, cơ số thuốc, hóa chất, vật tư để thu dung, điều trị các trường hợp nghi mắc bệnh và mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp cho chủng mới của vi rút corona được chuẩn bị sẵn sàng. Các trang thiết bị như máy giúp thở, máy X-quang, siêu âm, máy đo điện giải đồ, bình oxy được trang bị đầy đủ.

Các cơ sở khám bệnh cũng tiến hành tổ chức phòng khám hô hấp riêng nhằm phân luồng cách ly các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh. Ngoài ra, ngành y tế cũng thành lập nhiều đội phản ứng nhanh trực 24/24 để sẵn sàng đối phó khi có trường hợp mắc bệnh xảy ra.

Theo bác sĩ chuyên khoa 2 Văn Công Minh-Giám đốc Sở Y tế tỉnh, ngành triển khai đối với các đơn vị phải chủ động làm thế nào có giám sát đặc biệt là giám sát người ở vùng dịch đến tỉnh Vĩnh Long, để chúng ta phát hiện sớm ca bệnh và chủ động cách ly. “Đối với các đơn vị trong ngành có chủ động trong quá trình khám và điều trị bệnh, kịp thời phát hiện người bệnh có dấu hiệu với vi rút corona để cách ly ngay”- ông cho biết.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh- Lữ Quang Ngời, UBND tỉnh chỉ đạo phải coi công tác phòng, chống dịch bệnh như “chống giặc” như kết luận của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, kiên quyết ngăn chặn dịch bệnh do vi rút corona gây ra kể cả phải chấp nhận thiệt hại về kinh tế; có phương án, kế hoạch cụ thể để kiểm soát tốt nhất dịch bệnh này theo phương châm “4 tại chỗ” (dự phòng, cách ly, điều trị tại chỗ; cơ sở vật chất, trang thiết bị, thuốc men, dụng cụ phòng hộ theo yêu cầu tại chỗ; kinh phí tại chỗ; nhân lực tại chỗ), không để lan rộng.

Bài, ảnh: THÚY QUYÊN