Lạc quan, giải tỏa stress

Cập nhật, 19:43, Thứ Sáu, 10/01/2020 (GMT+7)

Stress (căng thẳng) xuất hiện một cách tự nhiên trong cuộc sống và chúng ta không thể trốn tránh được. Song, nếu stress kéo dài ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe cũng như tinh thần và chất lượng cuộc sống của chúng ta. Do đó, chúng ta cần được điều trị đúng cách để tránh những tác hại nghiêm trọng đến sức khỏe.

Lối sống cân bằng sẽ giúp đẩy lùi stress.
Lối sống cân bằng sẽ giúp đẩy lùi stress.

Bệnh từ áp lực cuộc sống

Trong cuộc sống hiện nay, khi phải đối mặt với rất nhiều lo toan và áp lực, con người rơi vào trạng thái mỏi mệt về tinh thần, lo lắng, căng thẳng, thậm chí là trầm cảm.

Mỗi người đều có nỗi bận tâm cần phải lo nghĩ về công việc, gia đình, sức khỏe, tài chính… Điều này sẽ tác động và tạo nên những căng thẳng, mệt mỏi, ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống, sức khỏe tâm thần của con người.

Tình trạng stress rất dễ gặp phải khi không vững về tâm lý, gặp phải những điều không như ý trong cuộc sống.

Thời gian gần đây, Bệnh viện Tâm thần tỉnh Vĩnh Long luôn trong tình trạng quá tải do số bệnh nhân đến điều trị ngoại trú rất đông. 36 tuổi, là mẹ của 2 con, nhìn bề ngoài, chị N.T.H.T. hoàn toàn bình thường với trang phục thời trang, tóc đẹp, giao tiếp mạch lạc, tư duy rõ ràng. Ít ai ngờ, chị đang điều trị rối loạn dạng cơ thể tại bệnh viện.

Sau một thời gian lo lắng, căng thẳng do cuộc sống gia đình, chị có cảm giác đau đầu ở vị trí 2 bên thái dương và lan tỏa ra khắp đầu. Cơn đau đầu kèm theo triệu chứng khó ngủ, ngủ không sâu giấc khiến chị thường bị rơi vào trạng thái hồi hộp, vã mồ hôi, tức ngực và mắc chứng dạ dày trào ngược…

Những triệu chứng thực thể khiến chị không còn hứng thú trong công việc, giảm sự quan tâm đến con cái và không thiết vận động, giảm hứng thú với việc ăn uống và trí nhớ suy giảm rõ rệt. Qua khám tại bệnh việc, bác sĩ nhận định chị do áp lực cuộc sống dẫn đến cơ thể mất cân bằng và mắc chứng rối loạn dạng cơ thể.

Theo bác sĩ chuyên khoa II Phạm Văn Diên- Giám đốc Bệnh viện Tâm thần tỉnh, phần lớn người đến đây khám điều trị đều có tiền sử bệnh tâm thần tái phát. Nhiều người có triệu chứng đau đầu, mất ngủ, mệt mỏi do stress, rối loạn cảm xúc, trầm cảm.

Các bệnh thường gặp nhất là: tâm thần phân liệt, rối loạn lo âu, trầm cảm, động kinh, sang chấn do stress, đau đầu, mất ngủ...

Và các vấn đề về thần kinh ngoại biên, dây thần kinh số 5, số 7, di chứng tai biến... tất cả các mặt bệnh trên đều gặp trong cuộc sống hiện nay. Nếu bị stress kéo dài, người mắc phải có thể gặp những vấn đề nghiêm trọng hơn về sức khỏe, tác động xấu đến hệ tuần hoàn, hô hấp, miễn dịch, thần kinh…

Giải tỏa stress

Theo các chuyên gia tâm lý, rất nhiều người có năng lực đặc biệt, họ có thể giải quyết nhiều việc cùng một lúc, nhưng đa phần chúng ta chỉ có khả năng tập trung giải quyết một việc trong một thời điểm.

Bởi vậy, sắp xếp công việc khoa học, hợp lý để đạt năng suất cao nhất là điều rất quan trọng để vừa tránh được áp lực công việc vừa đạt được ý nghĩa cuộc sống. Đó cũng chính là biện pháp quan trọng để vượt qua những áp lực mà chúng ta đang đối mặt.

“Khi stress, tôi tạm quên công việc, rời văn phòng, rủ rê bạn chí cốt tìm đến quán ăn ngon, tự thưởng một chuyến đi biển 2 ngày... để quên đi căng thẳng”- Nguyễn Thanh Ngọc (Phường 4- TP Vĩnh Long) chia sẻ.

“Chúng tôi ngồi giữa những tảng đá, dưới bóng mát của cây, phóng mắt nhìn ra biển cả mênh mông. Những câu chuyện hài hước, tiếng cười giòn tan đã giúp chúng tôi nhanh chóng tìm lại niềm vui, thấy lòng nhẹ tênh, bao nhiêu buồn, căng thẳng gởi sóng biển trôi đi mất. Về với biển để tranh thủ xả stress cuối tuần trước khi vào một tuần mới làm việc đầy sáng tạo”.

Theo bác sĩ chuyên khoa II Phạm Văn Diên, để chống lại những stress do những áp lực trong cuộc sống hiện đại mỗi người nên tìm cho mình một môn thể thao, một cách vận động phù hợp với cơ thể và rèn luyện đều đặn.

Bên cạnh đó, cần có một lối sống, cách tư duy tích cực, khi tiếp nhận một thông tin nên nhìn ở hướng mở, hướng vươn lên chứ không nên nhìn theo khía cạnh tiêu cực. Với những gia đình có người thân có nhân cách yếu, có tính cầu toàn và hay lo âu thì cũng cần có sự tương trợ từ gia đình để họ có môi trường sống thuận tiện và thân thiện.

Trong trường hợp nếu cơ thể đột nhiên xuất hiện triệu chứng mệt mỏi âu lo kéo dài, mất ngủ, khó thở, đau đầu hay các hiện tượng về tim mạch như hồi hộp mà không tìm thấy căn nguyên và triệu chứng, nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa sức khỏe tâm thần để được khám, tư vấn.

Theo thống kê mới đây của Bộ Y tế có khoảng 15% dân số mắc các rối loạn tâm thần, phổ biến là lo âu, stress, trầm cảm... trong đó có khoảng 3 triệu người bị rối loạn tâm thần nặng. Trong 10 bệnh tâm thần thường gặp như trầm cảm, động kinh, rối loạn lo âu, stress, tâm thần phân liệt..., bệnh nhân dưới 30 tuổi chiếm tới 40%.

Đáng chú ý, rối loạn liên quan tới stress khó phát hiện vì có triệu chứng trùng lặp với bệnh khác, nên có 30% - 50% số bệnh nhân không được phát hiện đúng bệnh khi đi khám ở y tế cơ sở, hoặc bệnh viện đa khoa. Đa số bệnh nhân thường đi khám tại các chuyên khoa tim mạch, thần kinh trước khi được tư vấn về bệnh tâm lý. Nhiều người trong số này được chẩn đoán nhầm là rối loạn tiền đình, suy nhược thần kinh, thiếu máu não nên việc điều trị không hiệu quả, càng khiến người bệnh thêm căng thẳng.

Bài, ảnh: THÚY QUYÊN