Quy trình cho trẻ ăn dặm

Cập nhật, 14:04, Thứ Sáu, 08/11/2019 (GMT+7)

Thường thì các bà mẹ hay cho con ăn dặm loại bột ngọt trước, sau một thời gian mới đến bột mặn. Xin bác sĩ cho biết, tôi có thể thay đổi trình tự này được không? Có thể thêm nước mắm, bột ngọt để giúp cho quá trình ăn dặm của trẻ tốt hơn được không?

Nguyễn Thị Nga (Tân Lược- Bình Tân)

Trả lời: Theo tuần tự, phụ huynh sẽ cho bé ăn bột ngọt trước, sau đó chuyển sang ăn bột mặn, ăn cháo, ăn cơm, nhưng một số phụ huynh không muốn theo trình tự này, mà muốn chuyển đổi cho bé ăn bột mặn trước, nhưng không biết như vậy có được không.

Thật ra, quy trình này chỉ mang tính tương đối, không ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ, lý do, khi trẻ chuyển từ bú mẹ sang uống sữa công thức rồi sang ăn dặm thì vị của thức ăn phải chuyển tiếp từ ngọt, thanh rồi sau đó mới tới mặn, nhằm giúp cho trẻ dễ thích nghi hơn, cho nên cho trẻ ăn bột ngọt trước là vậy.

Tuy nhiên, tuần đầu tiên của ăn dặm, nếu trẻ từ chối kiên quyết với bột ngọt, có hiện tượng ói, không hợp tác khi ăn, thì phụ huynh có thể chuyển sang bột mặn cho trẻ, không sao cả.

Một số phụ huynh hay thêm gia vị như muối, nước mắm… nhằm kích thích vị giác của trẻ, tuy nhiên Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo, trẻ em trước 12 tháng tuổi, thận của trẻ còn yếu, chỉ tải được dưới 1g muối/ ngày.

Trong quá trình chế biến, tất cả những nguyên liệu cho bữa ăn dặm như tôm, cua, cá, thịt, rau, củ, quả… bản thân cũng đã có chứa sẵn một ít muối rồi, vì vậy gom cả ngày ăn dặm lại cũng khoảng 1g, vì vậy, trước 12 tháng tuyệt đối không nêm thêm gia vị cho trẻ.

Bắt đầu từ 12- 24 tháng, thận trẻ dần có thể thải được dưới 2g muối, tuy nhiên Tổ chức Y tế thế giới vẫn khuyên ở độ tuổi này cũng không nên nêm gia vị sớm mà vẫn tập cho trẻ thói quen ăn nhạt (không mặn, không ngọt) lâu nhất có thể.

Sau 2 tuổi, phụ huynh có thể nêm thêm gia vị, nhưng vị phải nhạt hơn người lớn rất nhiều lần. Từ 3 tuổi trở lên, phụ huynh có thể nêm gia vị cùng chung một bữa ăn gia đình.

BS Phan Gia Hoàng (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Vĩnh Long)