Hơn 28,5 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm khói thuốc lá tại gia đình

Cập nhật, 22:40, Thứ Năm, 14/11/2019 (GMT+7)

Cứ 2 nam giới trưởng thành ở Việt Nam thì có 1 người hút thuốc lá, tương đương 45,3%. Tỉ lệ này ở nữ giới là 1,1%.

Cứ 2 nam giới trưởng thành ở Việt Nam thì có 1 người hút thuốc lá.
Cứ 2 nam giới trưởng thành ở Việt Nam thì có 1 người hút thuốc lá.

Việt Nam là một trong 15 nước có số người hút thuốc lá cao nhất trên thế giới. Trong khu vực các nước ASEAN, Việt Nam là quốc gia đứng thứ 3 có số người hút thuốc lá cao nhất, sau Indonesia và Philippine.

Sáng 14/11, Bộ Y tế đã công bố Báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá. Trong đó, theo Điều tra toàn cầu về sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành năm 2015, tỷ lệ hút thuốc ở nam giới là 45,3%, có nghĩa là cứ 2 nam giới trưởng thành ở Việt Nam thì có 1 người hút thuốc lá. Tỉ lệ này ở nữ giới là 1,1%.

53,5% người không hút thuốc lá (tương đương 28,5 triệu người) bị phơi nhiễm với khói thuốc lá tại gia đình. 18,5% người không hút thuốc lá (tương đương 1,4 triệu người) bị phơi nhiễm với khói thuốc lá trên phương tiện giao thông công cộng… Ước tính chi phí y tế và các thiệt hại do mất năng suất lao động do ốm đau và tử vong sớm lên tới trên 23.000 tỷ đồng mỗi năm.

Những con số này đã giảm so với thống kê của năm 2010. Tỉ lệ phơi nhiễm khói thuốc thụ động giảm đáng kể tại các địa điểm từ gia đình, đến nơi làm việc, trường học và các địa điểm giao thông công cộng.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh: “Trong 5 năm thực hiện Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá, chúng ta đã đạt được nhiều thành tựu. Đó là 90% cán bộ lãnh đạo, công chức, viên chức, người lao động tại các cơ quan ban ngành và 65% người dân các tỉnh huyện xã được tiếp cận thông tin về tác hại của thuốc lá, Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá. Nhận thức và thái độ của người dân về tác hại của thuốc lá được nâng lên rõ rệt và có chuyển biến tích cực trong hành vi, thay đổi hành vi. Hầu như không còn tình trạng mời, ép buộc, tặng và biếu quà bằng thuốc lá”.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cũng nêu những khó khăn vướng mắc khi triển khai thi hành luật, liên quan đến các hoạt động kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính chưa được thực hiện nghiêm. Hay việc triển khai môi trường không thuốc lá tại những nơi cung cấp dịch vụ như nhà hàng, khách sạn chưa đạt hiệu quả tốt. Tình trạng khuyến mãi, tài trợ thông qua thuốc lá vẫn còn…

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn phát biểu tại Hội nghị Sơ kết 5 năm thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn phát biểu tại Hội nghị Sơ kết 5 năm thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá.

Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá được Quốc hội đã thông qua ngày 18/06/2012 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/05/2013. Qua tổng kết, đánh giá 5 năm thi hành, Bộ Y tế đề xuất Quốc hội xem xét đưa các loại thuốc lá điện tử vào loại hàng hóa cấm kinh doanh và tiêu dùng và quản lý chặt thuốc lá làm nóng. Đề xuất sửa đổi Luật thuế tiêu thụ đặc biệt trong đó tăng thuế đối với thuốc lá…

Theo tài liệu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trên thế giới có khoảng 1,3 tỷ người hút thuốc lá. Dự báo đến năm 2020, con số này sẽ lên tới trên 1,6 tỷ người.  Sử dụng các sản phẩm thuốc lá là yếu tố nguy cơ hàng đầu trong số 10 yếu tố nguy cơ đe dọa sức khỏe người dân ở các nước đang phát triển. Sử dụng thuốc lá gây ra 25 loại bệnh khác nhau, như ung thư phổi, ung thư thanh quản, ung thư khoang miệng, ung thư bàng quang, các bệnh tim mạch, gây bất lực ở nam giới…

Trên thế giới, có khoảng 6 triệu người chết do hút thuốc lá hằng năm và 600.000 người chết do phơi nhiễm với khói thuốc lá thụ động./.

Theo Thiên Bình/VOV