Trẻ vui khỏe mùa tựu trường

Cập nhật, 09:37, Thứ Sáu, 06/09/2019 (GMT+7)

 

Trẻ em mầm non vui khỏe đến trường.
Trẻ em mầm non vui khỏe đến trường.

Năm học mới đã đến, đây cũng là thời điểm chuyển mùa, thời tiết nóng lạnh thất thường khiến trẻ nhỏ dễ mắc một số bệnh như cảm sốt, nhiễm siêu vi, tay chân miệng, đau mắt đỏ,... Để trẻ có thể khỏe mạnh hơn, phụ huynh cần phòng bệnh cho con bằng cách nào?

“Con mới đi học vài bữa là bệnh rồi!”

Đi học được 3 ngày thì bé Nguyễn Phúc An (25 tháng) bị cảm, ho, sổ mũi. Mẹ bé- chị Trần Thanh Vân (xã Long Phước- Long Hồ) cho con nghỉ học vài ngày cho khỏe rồi đưa đi học tiếp.

“Học được 2 ngày, con bé lại sụt sịt, ho khan nhiều, mệt nên tôi cho con ở nhà cho thiệt khỏe. Dù lo lắng, xót con nhưng vợ chồng tôi cũng phải tập cho con đi nhà trẻ tiếp, chứ bà ngoại về quê rồi, không ai chăm bé”- chị Vân thở dài.

Đón con trai học lớp Chồi Trường Mầm non Thực hành Măng non (Phường 9- TP Vĩnh Long), anh Phan Minh Tân cho biết: “Đứa lớn vô học lớp 1 vài bữa là bị sốt siêu vi về lây cho thằng em. 2 chị em bệnh cùng 1 lượt, chăm đuối luôn. Hôm nay bé bớt bớt rồi tôi cho con đi học luôn”.

Theo BS Trương Hữu Khanh- Trưởng Khoa Nhiễm thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP Hồ Chí Minh): “Trẻ mới đi học chắc chắn sẽ nhiễm bệnh, phụ huynh đừng mong bé của mình không mắc bất kỳ bệnh gì bởi điều đó là không thể. Tuy nhiên, cần chủ động giải quyết các bệnh vặt và hạn chế nguy cơ mắc bệnh nặng cho trẻ”.

Trẻ nhiễm bệnh khi đến trường thì hầu hết các phụ huynh đều lo lắng. Chuẩn bị tâm lý, cho con đi học là phải chấp nhận con bệnh, chị Nguyễn Kim Thoa (Phường 4- TP Vĩnh Long) cho biết: “Bé Xoài 22 tháng đi nhà trẻ rồi, em đã chích ngừa đầy đủ theo lịch tiêm chủng quốc gia và dịch vụ cho con. Ngoài ra, khi bé về em tập cho con rửa tay, chân bằng xà bông diệt khuẩn. Trời không lạnh thì em tắm luôn, còn trời mưa, em lau mình bằng nước ấm và thay đồ cho con”.

Chị Thoa chia sẻ: “Sau khi đánh răng, em tập cho con súc miệng bằng nước muối sinh lý. Bé có sổ mũi, em cũng rửa mũi bằng muối sinh lý và luôn cho con uống đủ nước. Bé Xoài ngoan, hợp tác tốt lắm, nhờ vậy bé cũng hạn chế bệnh lặt vặt hơn. Nhưng khi con bệnh, em đều cho con đi khám bác sĩ liền, không tự ý mua thuốc”.

Theo các bác sĩ chuyên khoa nhi, các bé còn nhỏ nên sức đề kháng yếu hơn so với người lớn. Điều này khiến các bé dễ bị mầm bệnh xâm nhập hơn. Do đó, để phòng bệnh cho trẻ, đầu tiên cha mẹ cần làm sao cho bé ít tiếp xúc với mầm bệnh nhất. Việc tiêm chủng đầy đủ cho trẻ là một trong những giải pháp tăng cường miễn dịch cho trẻ.

Phụ huynh cần tập cho trẻ đeo khẩu trang khi ra đường để tránh bệnh về hô hấp. Với nhóm bệnh về tiêu hóa, cách phòng bệnh đơn giản nhất là tập cho bé thói quen rửa tay trước và sau khi ăn. Đồng thời, phụ huynh cần cho con em mình ăn những thực phẩm lành mạnh, ăn chín, uống sôi.

Phòng bệnh tay chân miệng

Để phòng bệnh cho trẻ, khi trẻ từ trường về nhà nếu có biểu hiện nhảy mũi, chảy nước mũi cần phải rửa mũi bằng nước muối sinh lý, thay quần áo, rửa tay chân, tắm cho trẻ bằng nước ấm, giữ ấm cơ thể bằng khăn khô ngay sau khi tắm để tránh trẻ bị nhiễm lạnh, đồ chơi và khu vực vui chơi của trẻ cần được khử khuẩn thường xuyên.

Tiết giao mùa hiện nay là thời điểm bệnh tay chân miệng ở trẻ em đang gia tăng, đặc biệt khi cả nước bắt đầu khai trường.

Bệnh tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có thể gây thành dịch lớn, đặc biệt vào lúc thời tiết chuyển mùa. Vì vậy, để phòng ngừa bệnh, phụ huynh cần lưu ý phòng bệnh cho trẻ tránh lây nhiễm từ lớp học, đặc biệt là các bé mẫu giáo hay ngậm đồ chơi và đưa tay vào miệng.

Theo BS Trương Hữu Khanh, tay chân miệng là một bệnh lành tính nhưng một số trường hợp bệnh có thể diễn tiến nặng, gây ra các biến chứng nguy hiểm như viêm não, viêm màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp… dễ dẫn đến tử vong.

Nhà trẻ, trường mẫu giáo là những nơi dễ xuất hiện ổ dịch và lây lan nhanh chóng. Ngoài ra, nguy cơ lây bệnh cũng tiềm ẩn rất nhiều ở những nơi khác như các điểm vui chơi công cộng, người lớn mang vi trùng từ bên ngoài về hoặc lây nhiễm chéo tại bệnh viện.

Vì thế, BS Trương Hữu Khanh cho rằng, việc phát hiện bệnh sớm là vô cùng quan trọng. Khi thấy trẻ bỏ ăn, quấy khóc, nước miếng chảy nhiều, miệng hoặc lòng bàn tay, bàn chân, mông, đầu gối có bóng nước… thì đó là dấu hiệu của bệnh tay chân miệng, cần cách ly trẻ ngay.

Khi bệnh chuyển biến nặng hơn, trẻ sẽ sốt hơn 2 ngày (sốt hơn 39 độ C, uống thuốc hạ sốt nhưng không hết), nôn/nhợn ói. Sau đó trẻ sẽ bị giật mình chới với; đi không vững, tay chân yếu, người run.

“Phụ huynh cần phân biệt giật mình chới với biểu hiện của bệnh tay chân miệng tức là lúc thiu thiu ngủ, trẻ bị giật nảy người thì phụ huynh phải đưa trẻ đến bệnh viện ngay; còn trong trường hợp trẻ giật mình lăn qua lăn lại khi ngủ sâu là bình thường”- bác sĩ Khanh giải thích thêm.

“Để bệnh quá nặng, trẻ sẽ thở mệt, da nổi bông, mạch sờ không thấy hay quá nhanh. Lúc này bệnh sẽ diễn biến rất nhanh, nguy hiểm đến tính mạng cho trẻ”, bác sĩ Hữu Khanh cảnh báo.

Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), thời gian tới, dịch tay chân miệng có thể gia tăng mạnh và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát diện rộng, đặc biệt là trong các tháng 9, 10, 11. Lý do bởi trẻ em, học sinh tập trung vào năm học mới. Vấn đề vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường học tập, vui chơi tại cơ sở giáo dục chưa được đảm bảo. Trong khi đó, bệnh tay chân miệng là bệnh đường tiêu hóa. Vi rút gây bệnh tồn tại trong nước bọt, dịch hắt hơi, sổ mũi, phân, dịch vỡ bóng nước trên da, niêm mạc... Bệnh có thể lây lan dễ dàng qua đường hô hấp và đường tiêu hóa.

Bài, ảnh: THÚY QUYÊN