Đừng chủ quan trước bệnh sởi!

Cập nhật, 05:37, Thứ Sáu, 21/06/2019 (GMT+7)

Sởi là một bệnh truyền nhiễm cấp tính, do vi rút sởi gây ra. Biện pháp duy nhất để bảo vệ trẻ chính là tiêm ngừa sởi. Song, trên thực tế vẫn còn nhiều phụ huynh xem nhẹ vấn đề này, khiến cho bệnh sởi lây lan nhanh. Do đó, cả nước hiện đang tăng cường công tác phòng chống sởi trong cộng đồng, tránh để dịch sởi bùng phát trở lại trong thời gian tới.

Ngành Y tế Vĩnh Long nỗ lực tuyên truyền, chủ động rà soát nắm danh sách những trẻ trong độ tuổi, để phụ huynh đưa trẻ đến các trạm y tế tiêm ngừa.
Ngành Y tế Vĩnh Long nỗ lực tuyên truyền, chủ động rà soát nắm danh sách những trẻ trong độ tuổi, để phụ huynh đưa trẻ đến các trạm y tế tiêm ngừa.

Cả nước đều có ca mắc sốt phát ban nghi sởi

Theo Bộ Y tế, bệnh sởi bắt đầu tăng từ tháng 10/2018. Tính đến 11/6/2019, cả nước ghi nhận trên 27.000 trường hợp sốt phát ban nghi sởi, trong đó 4.864 người mắc sởi dương tính và 1 người chết.

Các địa phương có số người sốt phát ban và sởi dương tính cao là TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đồng Nai, Bình Dương, Kiên Giang, Cà Mau,…

Theo thống kê tại các bệnh viện, 90% trẻ nhập viện vì bệnh sởi chưa được tiêm phòng vắc xin sởi hoặc tiêm không đủ liều. Và những bệnh nhi bị sởi mà chưa tiêm vắc xin chủng ngừa sởi đều dễ diễn tiến bệnh nặng hơn.

Sởi là một trong những căn bệnh nguy hiểm nhất trong tất cả các loại bệnh gây phát ban hoặc sốt ở trẻ em. Bệnh sởi là phải sốt và thường sốt rất cao, kèm theo ho, chảy mũi. Ban sởi mọc theo thứ tự từ đầu đến chân và bay đi cũng thứ tự như thế.

Dù bệnh sởi đã có vắc xin phòng ngừa nhưng không phải trẻ nào cũng được tiêm phòng. Đây là căn bệnh có tính lây lan nhanh, vi rút sởi có thể lây lan qua dịch nước khi trẻ hắt hơi và ho.

Tại Khoa Nhiễm- Thần kinh (Bệnh viện Nhi đồng 1 TP Hồ Chí Minh), nhiều bệnh nhi mắc bệnh sởi đang được điều trị. Bé trai mới 9,5 tháng tuổi nằm thở oxy, bé rướn người trở mình, nhăn mặt khó chịu, mẹ bé giở áo con lên thì chúng tôi không khỏi xót xa, cả mặt và người bé đầy chi chít nốt sởi đỏ, còn sốt cao, thở khò khè nên phải thở oxy.

Bệnh sởi thường xuất hiện vào mùa Đông Xuân, nhưng giờ đây thì căn bệnh này xuất hiện gần như quanh năm.

Thời gian gần đây, Bộ Y tế rất lo sợ bệnh sởi sẽ bùng phát mạnh hơn, nếu người dân vẫn còn quá chủ quan và nhiều phụ huynh vì những lý do khách quan khác nhau mà ngần ngại không đưa con em mình đi tiêm chủng một số loại vắc xin, trong đó có cả vắc xin phòng ngừa sởi.

Bác sĩ chuyên khoa I Dư Tuấn Quy- Khoa Nhiễm- Thần kinh (Bệnh viện Nhi đồng 1 TP Hồ Chí Minh) cho biết: Các ca nhập viện thì bác sĩ luôn hỏi bệnh sử về chích ngừa của trẻ và hướng dẫn ba mẹ chăm sóc trẻ thì thấy đa số những trẻ này đều chưa chích ngừa sởi hoặc chỉ mới chích mũi đầu tiên mà chưa chích mũi nhắc lại.

Vì vậy, việc tiêm ngừa không trọn vẹn thì trẻ sẽ dễ bị mắc sởi nhiều hơn. Trẻ chưa tiêm ngừa bị mắc sởi sẽ có nguy cơ bị biến chứng nặng hơn, dễ biến chứng viêm phổi hoặc có khả năng viêm não.

Phòng, chống sởi trong cộng đồng

Dù biết tiêm phòng mang lại nhiều lợi ích cho trẻ, thế nhưng nhiều phụ huynh vẫn còn lơ là, chưa quan tâm đúng mức, đến khi chứng kiến con mình phải đau đớn, vật vã vì căn bệnh này thì mới nhận ra được lợi ích của việc chủng ngừa.

Thực tế, các biến chứng nặng nề của sởi như viêm phổi, giảm thính lực, giảm sức đề kháng đều xảy ra trên cơ địa đứa trẻ chưa từng tiêm vắc xin ngừa sởi hoặc là tiêm không đủ liều.

Theo chuyên gia y tế, để phòng tránh các biến chứng của bệnh sởi, các phụ huynh ngay khi phát hiện các dấu hiệu: sốt, ho, sổ mũi, viêm họng, xuất hiện ban ở niêm mạc, mắt trẻ hơi đỏ hoặc sưng đỏ, sau đó trẻ có dấu hiệu phát ban thì nên đưa trẻ đến cơ sở y tế để khám, phân loại, cách ly và điều trị kịp thời.

Và những đứa trẻ này có bình phục sau điều trị thì thường cũng dễ bị chậm phát triển, còi xương... Chị L.H.D. (tỉnh Tây Ninh) thở dài: “Thời điểm 9 tháng, cho bé đi chích sởi thì bé bị ho, sổ mũi. Các cô khám nói đợi vài bữa bé hết bệnh ẵm ra chích sau. Về nhà, tui cũng quên luôn, ai dè con mới ăn thôi nôi vài bữa là bịnh. Điều trị bác sĩ tư cả tuần không hết, con cứ lờ đờ, nóng hoài, mất sức. Vợ chồng tui ẵm vô Bệnh viện Nhi đồng rồi nhập viện luôn. Bác sĩ nói bé bị sởi nặng”.

Bệnh sởi ban đầu biểu hiện là sốt cao, ho nhiều, chảy mũi, đỏ mắt và 3- 4 ngày sau sẽ phát ban.

Sau khi phát ban, trẻ vẫn còn sốt cao thêm 4- 5 ngày. Bệnh thường lành tính nhưng cũng có những trường hợp biến chứng: viêm phổi, viêm tai, đi tiêu đàm máu, viêm não...

Đa số điều trị tại nhà, nếu không có biến chứng và chỉ cần nhập viện khi có biến chứng. Phòng ngừa tốt nhất hiện nay là tiêm chủng.

“Hễ bệnh sởi còn tồn tại trên hành tinh mà mình không có miễn dịch thì chắc chắn mình sẽ bị, nếu không hôm nay thì mai. Ngoài ra, nếu không bị lúc nhỏ thì lớn bị và từ lớn tới nhỏ nếu mắc sởi đều có hậu quả nghiêm trọng hết. Do đó, phụ huynh phải hiểu vắc xin sởi rất lành tính, rất ít tác dụng phụ”- BS Trương Hữu Khanh- Trưởng khoa Nhiễm- Thần kinh (Bệnh viện Nhi đồng 1 TP Hồ Chí Minh) nhấn mạnh.

Để phòng bệnh sởi, BS Trương Hữu Khanh cho biết trẻ em được tiêm vắc xin sởi lúc trẻ được 9 tháng và 18 tháng tuổi. Sởi cho miễn dịch bền vững và lâu dài, tuy nhiên tùy theo độ tuổi tiêm, với 9 tháng tuổi tiêm mũi 1, hiệu quả bảo vệ đạt được 85%.

Khi tiêm mũi 2, hiệu quả bảo vệ tăng lên 95- 99%. Tiêm mũi 2 không chỉ củng cố miễn dịch của người được tiêm mà còn giúp nâng tỷ lệ miễn dịch cộng đồng.

Ngành y tế khuyến cáo người dân cần chủ động vệ sinh môi trường, khử khuẩn, nâng cao sức đề kháng của cơ thể; đồng thời, tiêm chủng phòng sởi đầy đủ theo quy định, vì biện pháp duy nhất để bảo vệ trẻ chính là tiêm ngừa sởi. Từ ngày 20- 30/6/2019, ngành y tế Vĩnh Long thực hiện Chiến dịch tiêm bổ sung vắc xin sởi- rubella cho trên 53.200 trẻ (sinh từ 1/1/2014- 31/12/2017) tại vùng nguy cơ cao. Ngay sau khi kết thúc tiêm tổ chức tiêm vét, một số trẻ hoãn tiêm đưa vào kế hoạch tiêm chủng thường xuyên tháng 7/2019.

Bài, ảnh: THÚY QUYÊN