Muốn con khỏe- hạn chế cho con chơi điện thoại

Cập nhật, 05:53, Thứ Sáu, 17/05/2019 (GMT+7)

Hiện nay, nhiều bậc phụ huynh thường cho trẻ xem ti vi, máy tính bảng, điện thoại thông minh để không mất thời gian trông trẻ mà tập trung cho công việc khác. Song, việc sử dụng quá nhiều các thiết bị điện tử này ảnh hưởng rất nhiều đối với tâm lý và sức khỏe của trẻ.

Điện thoại, ti vi, máy tính bảng và máy tính thông thường không phải là các thiết bị nên dành cho trẻ nhỏ- theo khuyến cáo của WHO.
Điện thoại, ti vi, máy tính bảng và máy tính thông thường không phải là các thiết bị nên dành cho trẻ nhỏ- theo khuyến cáo của WHO.

Tác hại lớn đối với trẻ

Nhiều năm qua, hình ảnh nhiều trẻ em ngồi chăm chú bên màn hình điện thoại thông minh, iPad ở khắp mọi nơi. Và, nhiều phụ huynh sẵn sàng tìm mua điện thoại, iPad, để cho con trẻ sớm làm chủ được công nghệ, là cơ hội tốt cho trẻ học hỏi.

Chị N.T.V. (TP Vĩnh Long) cảm thấy yên tâm khi có “người giúp việc” là các thiết bị điện tử này trông chừng con em mình để mình có thể rảnh rang làm việc khác; dụ con ăn cơm; “tụi nhỏ sẽ ngồi ngoan để ba mẹ làm việc nhà mà không cần phải lo con chạy giỡn lung tung, mè nheo”- chị Vân chia sẻ.

Thực tế, đã có nhiều trẻ em từ khoảng 4- 6 tuổi bị cận thị, chậm và lệch lạc về ngôn ngữ ảnh hưởng từ việc giải trí tưởng chừng như vô hại này.

Chị P.H.T. (Kiên Giang) có con trai 4 tuổi rất hiếu động. Rồi bé bỗng bị co giật cơ mặt, nôn ói, nháy mắt, nhíu mũi liên tục. Chị cho con đi khám Bệnh viện Nhi đồng 1 TP Hồ Chí Minh, bác sĩ chẩn đoán bé bị rối loạn TIC tạm thời.

Rối loạn TIC ở trẻ em là xuất hiện các cử động thất thường của các cơ quan giao tiếp, từ vận động hoặc âm điệu. Thông thường, TIC biểu hiện phổ biến qua các triệu chứng giật cơ trên khuôn mặt, cổ như: nháy mắt, gật lắc đầu, nhếch mép, giật tay, giật cơ bụng, tiếng khịt mũi, ho gằn, lẩm nhẩm,…

Các bác sĩ cho rằng, có thể do bé chơi thiết bị điện tử quá nhiều. Theo chia sẻ của chị T., bác sĩ giải thích bé uống thuốc sẽ hết bệnh nhưng có trường hợp bệnh tái đi tái lại và có bé bị nháy mắt và nhíu mũi vĩnh viễn.

“Lúc trước, cứ mỗi lần bé phá phách, mình không giữ nổi nên thường cho con xem hoạt hình trên điện thoại và chơi game. Bé chơi từ lúc 2 tuổi đến giờ không hề hấn gì.

Nhưng mới 1 tháng nay, bé có biểu hiện giật cơ mặt, nháy mắt, nhíu mũi. Sinh con ra không có tật, tự dưng bây giờ thành như thế. Ai làm mẹ mà không lo, nên mình muốn gửi lời cảnh tỉnh với các mẹ cho con chơi điện thoại, iPad nhiều thì nên dừng lại”- chị T. chia sẻ.

Các bác sĩ khuyến cáo, trẻ bị rối loạn TIC ngày càng nhiều, chiếm 2- 3% trong tổng số những bệnh liên quan đến vấn đề tâm sinh lý trẻ. Trẻ trong giai đoạn phát triển cần được tiếp xúc nhiều với mọi người xung quanh.

Nếu cứ đưa thiết bị điện tử để các em sử dụng, sẽ không giải quyết được vấn đề mà càng khiến trẻ bị rối loạn cảm xúc, rối loạn phát triển, rối loạn ngôn ngữ, ảnh hưởng thính giác, thị giác và nhiều chức năng khác.

Giúp con bớt lệ thuộc vào thiết bị điện tử

Theo nghiên cứu của các chuyên gia y tế, nếu trẻ tiếp xúc sớm với các đồ công nghệ, một mặt sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe thể chất, các rối loạn về mắt như cận thị, ảnh hưởng về vận động như chậm đi, kém linh hoạt, béo phì…

Các ảnh hưởng về tâm lý và nhận thức như rối loạn về ngôn ngữ, chậm nói, nói lắp cũng là một trong những triệu chứng của hội chứng tự kỷ. Trẻ trở nên kém tập trung, kém chú ý, lười tư duy, dẫn tới thất bại trong học tập hay những công việc đòi hỏi sự nỗ lực trí tuệ.

Tháng 4 vừa qua, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ban hành các khuyến nghị liên quan đến hoạt động thể chất, bao gồm thời gian trước màn hình (smartphone, ti vi…) để trẻ 0-4 tuổi có thể lớn lên khỏe mạnh.

WHO công bố hướng dẫn mới về tầm quan trọng của giấc ngủ và các hoạt động thể chất lên sự phát triển khỏe mạnh của trẻ nhỏ, bao gồm những khuyến nghị về thời gian sử dụng các thiệt bị điện tử.

Những lời khuyến cáo này rất cần thiết để giải quyết tình trạng ngồi lì, ít chịu vận động của trẻ em hiện nay.

Bởi, việc không đáp ứng các khuyến nghị về các hoạt động thể chất hiện nay là nguyên nhân gây ra hơn 5 triệu ca tử vong mỗi năm trên toàn thế giới ở các nhóm tuổi. Có tới 80% số trẻ em và 23% số người lớn không hoạt động thể chất thường xuyên.

Lời khuyên mà WHO đưa ra là chuyển thời gian ngồi một chỗ (do hay dùng các thiết bị điện tử) của trẻ sang các hoạt động thể chất cải thiện sức khỏe và nâng chất giấc ngủ. Đặc biệt, các hoạt động tương tác với ba mẹ đóng vai trò rất quan trọng với sự phát triển sớm của trẻ.

Ba mẹ nên khuyến khích, cùng chơi với con với các hoạt động như đọc sách, kể chuyện, học hát, chơi với các câu đố, rất quan trọng đối với sự phát triển của bé. Chơi cùng con là cách hạn chế tốt nhất trẻ lạm dụng các thiết bị điện tử, ba mẹ nhé!

Theo các chuyên gia tâm lý, trẻ nhỏ cần được tham gia các hoạt động vui chơi ngoài trời, các chương trình ngoại khóa như tham quan, du lịch hay các hoạt động nghệ thuật như học đàn, học vẽ… Những hoạt động bổ ích này sẽ giúp trẻ hoạt động một cách toàn diện cả về thể chất lẫn tinh thần, giúp trẻ nâng cao thể lực, giải trí lành mạnh. Ngoài ra, những hoạt động tập thể còn giúp trẻ hòa đồng với bạn bè, yêu thương con người.

Bài, ảnh: SÔNG TRĂNG