An toàn vệ sinh thực phẩm nông thôn

Vẫn còn bỏ ngỏ!

Cập nhật, 13:37, Thứ Sáu, 17/05/2019 (GMT+7)

Tiểu thương làm lơ, người sản xuất “làm đại”, người tiêu dùng “cho qua” khiến tình trạng vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) tại nông thôn xảy ra khá nhiều.

Cơ sở sản xuất vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm.
Cơ sở sản xuất vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm.

Sản xuất, mua bán kiểu “cây nhà lá vườn”

Theo chân đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành về ATVSTP do Sở Công thương tổ chức đến kiểm tra tại một số cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm ở vùng nông thôn mới thấy vấn đề này được các chủ cơ sở sản xuất thực hiện rất sơ sài, cẩu thả, thậm chí “làm đại”, có gì làm nấy.

Theo ghi nhận của phóng viên, tại một cơ sở sản xuất bún ở xã Hiếu Thành (Vũng Liêm), vào thời điểm kiểm tra, chủ cơ sở là người trực tiếp sản xuất bún- không có bất cứ trang thiết bị bảo hộ lao động nào, đáng nói là người này chỉ mặc 1 chiếc quần đùi, tay không, trực tiếp trộn bột để làm bún.

Nơi sản xuất chỉ là 1 khu nhà nhỏ được che tạm bằng mấy tấm tôn, ọp ẹp, xuống cấp, nền và vách bằng xi măng đã xỉn màu.

Thiết bị sản xuất “hiện đại” duy nhất của cơ sở là máy xay bột, lọc bột nhưng cũng đã có phần bị gỉ sét. Theo đoàn kiểm tra, cơ sở này làm nghề sản xuất bún từ nhiều năm nay, đoàn đã có lần đến kiểm tra và nhắc nhở nhưng cơ sở vẫn tái phạm.

Chủ cơ sở trình bày: “Biết nơi sản xuất như vậy là không đảm bảo vệ sinh nhưng do làm nhỏ, chỉ sản xuất 30- 40 kg/ngày, lại không có điều kiện nâng cấp nên để vậy làm luôn!”.

Qua kiểm tra một số cơ sở khác, đoàn kiểm tra đánh giá, phần lớn các cơ sở sản xuất kinh doanh chưa đảm bảo đủ điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ lao động, vệ sinh môi trường…

Ông Đỗ Văn Pha- Phó chánh Thanh tra Sở Công thương cho hay: Tại thời điểm kiểm tra, một số cơ sở sản xuất không xuất trình được giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, giấy chứng nhận sức khỏe và xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm của chủ cơ sở và người lao động trực tiếp sản xuất, kinh doanh.

Vấn đề ATVSTP không chỉ chưa đảm bảo ở các cơ sở sản xuất, mà còn bị bỏ ngỏ ở các chợ nông thôn. Bởi vẫn còn tình trạng tiểu thương ngồi bán cạnh thùng rác với nước thải, rác thải ứ đọng xung quanh. Đặc biệt là tình trạng giết mổ gia cầm trong chợ vẫn diễn ra phổ biến do không có khu giết mổ riêng, hệ thống xử lý nước thải không đạt yêu cầu.

Trong khi đó, thực phẩm tươi sống được bày bán không đúng quy định, đồ ăn đã qua chế biến không che đậy hoặc không được bày bán trong tủ kính nên để côn trùng mặc sức tấn công, hoặc người bán thản nhiên dùng tay bốc thức ăn rồi thối tiền cho khách, hoặc người bán vừa phì phèo điếu thuốc vừa bưng thức ăn, nước uống cho khách.

Chưa kể nhiều nơi còn nuôi thú cưng chó, mèo tại quán, rất mất vệ sinh, dễ dẫn đến nguy cơ nhiễm bệnh, ảnh hưởng đến sức khỏe.

Và không ít tiểu thương khi được hỏi thì hoàn toàn xa lạ với khái niệm “truy xuất nguồn gốc, xuất xứ”, bởi ở chợ chủ yếu chất lượng hàng hóa được đánh giá bằng cảm quan hoặc “niềm tin”.

Ghé một quán ăn bình dân gần Khu công nghiệp Hòa Phú (Long Hồ). Sau khi được chị chủ quán đon đả mời, chúng tôi ghé mắt nhìn các món ăn không được che đậy đàng hoàng, bị ruồi bu, thì chủ quán chỉ phẩy phẩy tay rồi trực tiếp bốc tôm, thịt bỏ vào tô hủ tiếu.

Thấy chúng tôi tỏ vẻ ái ngại, hỏi sao không đeo bao tay thì được “trấn an” là: “Yên tâm, tôi bán ở đây lâu rồi chưa có ai bị ngộ độc, mà thức ăn mình cũng nấu chín hết nên an toàn, vi khuẩn nào mà sống được!”

Cần siết chặt quản lý

Ngành chức năng cần siết chặt quản lý, tăng cường kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm.
Ngành chức năng cần siết chặt quản lý, tăng cường kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm.

Có thể thấy, tình trạng mất ATVSTP tại nông thôn đang là vấn đề đáng lo ngại. Theo ngành chức năng, nguyên nhân là do người tiêu dùng ở nông thôn ít hiểu biết về ATVSTP hoặc biết mà cho qua vì “trước giờ vẫn vậy”.

Chính người tiêu dùng ở nông thôn cũng thờ ơ với vấn đề vệ sinh thực phẩm, nên mới “có cửa” cho người sản xuất, kinh doanh thực phẩm tùy tiện, cẩu thả với chất lượng hàng hóa của mình.

Để hạn chế dần tình trạng vi phạm ATVSTP ở nông thôn, ông Đỗ Văn Pha cho biết: Thời gian tới, ngành chức năng sẽ tăng cường phối hợp kiểm tra, kiểm soát thị trường, bảo đảm nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa, đồng thời kết hợp tuyên truyền đến hộ sản xuất kinh doanh nâng cao nhận thức về sản xuất, kinh doanh đúng quy định, hàng hóa bảo đảm chất lượng, tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm và có thể truy xuất nguồn gốc.

Thiết nghĩ, bên cạnh việc kiểm tra của ngành chức năng thì quan trọng hơn hết là người dân cần nhận thức đầy đủ về mối nguy hiểm từ thực phẩm bẩn.

Cần hạn chế dần thói quen sử dụng thực phẩm theo cảm tính và niềm tin; đồng thời, cần tiêu dùng theo hướng an toàn, văn minh, để có thể bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình, góp phần đẩy lùi tình trạng mất ATVSTP.

Song song đó, ngành chức năng cần khuyến khích các hộ kinh doanh đầu tư điểm bán sản phẩm an toàn, đảm bảo nguồn gốc, được kiểm soát chất lượng. Từ đó, tạo lòng tin cho người tiêu dùng, đồng thời cũng tạo sự cạnh tranh lành mạnh giữa những hộ kinh doanh để cung cấp sản phẩm an toàn, chất lượng nhất cho người tiêu dùng.

Bài, ảnh: TRÀ MY