Giờ vàng trong cấp cứu đột quỵ

Cập nhật, 13:59, Thứ Sáu, 22/03/2019 (GMT+7)

Đột quỵ hay còn gọi là tai biến mạch máu não là tình trạng đột ngột vì một lý do nào đó mà não ngừng hoặc bị ngưng trệ hoạt động. Và hệ quả dẫn theo là người bệnh đột ngột yếu liệt nửa người, miệng méo, nói ngọng hoặc ngã quỵ, hôn mê.

Đột quỵ là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 3 sau bệnh tim mạch, ung thư và gây tàn phế nhiều nhất. Nếu tầm soát sớm, người bệnh đã có thể “khước từ” tử thần.

Theo TS.BS Trần Chí Cường, điều trị đột quỵ quan trọng nhất là tìm nguyên nhân và phòng ngừa tái phát.
Theo TS.BS Trần Chí Cường, điều trị đột quỵ quan trọng nhất là tìm nguyên nhân và phòng ngừa tái phát.

Đột quỵ ở người trẻ

Nhiều người từng chứng kiến bệnh nhân rơi vào hoàn cảnh này nhưng đa số còn quan niệm đây là bệnh lý “trời kêu ai nấy dạ”, rất khó cứu sống.

Không ít trường hợp người đang bình thường bỗng qua đời vì đột quỵ não. Phải chăng dấu hiệu nhận biết bệnh không rõ ràng hay người bệnh chủ quan?

Cấp cứu đột quỵ theo quy trình riêng, đặc biệt và thời gian cấp cứu được tính bằng giây. Các bác sĩ ví thời gian cấp cứu đột quỵ như vàng.

Theo đó, quy trình này đòi hỏi thời gian phải nhanh, kịp lúc đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế có đủ trang thiết bị và nhân lực có chuyên môn đào tạo về cấp cứu và xử trí đột quỵ.

Thực tế hiện nay, gần như các bệnh nhân đột quỵ thường được người nhà đưa đến từng cơ sở một để được hưởng BHYT, gần nhất là trạm y tế, tuyến huyện, tuyến tỉnh rồi mới chuyển đi.

TS.BS Trần Chí Cường (Giám đốc Y khoa BVĐK Quốc tế S.I.S TP Cần Thơ, Chủ tịch Hội Thần kinh và Can thiệp mạch máu não TP Hồ Chí Minh) cho biết, có 2 dạng đột quỵ não, đó là nhóm xuất huyết não (vỡ dị dạng hay vỡ phình mạch máu não) chiếm 20% và nhóm nghẽn mạch máu não, chiếm khoảng 80%. Với những bệnh nhân trẻ tuổi đột quỵ thường là nhóm xuất huyết não.

Yếu tố thúc đẩy là tăng huyết áp. Có tới 80% bệnh nhân bị đột quỵ xuất huyết não không có triệu chứng báo trước. Số ít có dấu hiệu đau đầu kéo dài, động kinh hoặc sụp mi mắt.

Nhóm thứ hai là nghẽn mạch máu não, thường có triệu chứng báo trước là những cơn thiếu máu não thoáng qua gây chóng mặt, tê yếu nửa bên người, nói khó, miệng méo, có trường hợp mất ý thức tạm thời, té xỉu sau đó tự hồi phục.

Song, cũng chính vì nhiều người chỉ có biểu hiện thoáng qua nên chủ quan bị 2- 3 lần, cho tới khi đột quỵ mới đến bệnh viện.

“Giờ vàng” trong cấp cứu đột quỵ

Theo TS.BS Trần Chí Cường, Bộ Y tế quy định trong trường hợp cấp cứu thì bệnh nhân có quyền đi đến bất kỳ bệnh viện nào cũng đều được hưởng BHYT theo mức hưởng của người đó.

Người nhà cần đưa bệnh nhân đến bệnh viện có cấp cứu đột quỵ, có chuyên môn để tránh mất thời gian chuyển viện lòng vòng để làm cho việc điều trị bệnh bị chậm trễ.

Gần đây, thế giới đã công nhận phác đồ điều trị bệnh đột quỵ rất hiệu quả. Đối với bệnh nhân đột quỵ cấp thì nên điều trị sớm nhất trong khoảng thời gian 6 giờ, tức càng xa mốc 6 giờ thì não của bệnh nhân càng bị tổn thương.

Song, chúng ta cũng đừng chủ quan mà nghĩ rằng bệnh nhân mới đột quỵ giờ thứ nhất thôi thì còn lơ là chậm một chút cũng không sao thì quan niệm đó cũng hết sức sai lầm.

Chúng ta phải nhớ điều trị đột quỵ càng sớm càng tốt. Bệnh nhân đột quỵ nếu đến trễ sau 6 giờ, ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả điều trị.

Cơ hội sống còn cũng như chất lượng cuộc sống sẽ mất dần theo thời gian cho dù có đủ các trang thiết bị hiện đại vì 1 phút trôi qua trong bộ não của bệnh nhân đột quỵ sẽ có 2 triệu tế bào thần kinh mất đi.

3 dấu hiệu cơ bản để nhận biết bệnh nhân bị đột quỵ

1. Khi bị đột quỵ, khuôn mặt bệnh nhân sẽ bị méo, xệ một bên. Có thể bảo bệnh nhân cười thử để nhìn rõ hơn tình trạng này.

2. Tay chân bệnh nhân bị yếu, liệt. Khi nói bệnh nhân đưa tay hoặc chân lên thì một bên tay, chân bị rơi xuống, không thể đưa tay, chân lên được.

3. Bệnh nhân có dấu hiệu nói đớ, không thành tiếng hoặc nói các từ vô nghĩa.

Việc tiết kiệm từng phút, từng giây trong điều trị đột quỵ phải có sự phối hợp chặt chẽ mới tốt cho bệnh nhân.

Nếu người nhà thiếu kiến thức, không nhận ra bệnh nhân đột quỵ mà tiến hành cạo gió, vắt chanh, cho uống thuốc hạ huyết áp, châm cứu thì vô tình chúng ta hại cho thân nhân.

Điều trị đột quỵ quan trọng nhất là tìm nguyên nhân và phòng ngừa tái phát.

Những người có triệu chứng đột quỵ; từng đột quỵ nhẹ hoặc có những yếu tố nguy cơ cao như: trên 50 tuổi, hút thuốc lá, tăng huyết áp, uống rượu bia nhiều; những người có các triệu chứng đau đầu kinh niên, động kinh cần phải đi tầm soát đột quỵ.

Việc chẩn đoán với cả 2 nhóm nguyên nhân gây đột quỵ kể trên, lý tưởng nhất là chụp bằng máy cộng hưởng từ MRI 3 Tesla, hình ảnh rõ ràng, xâm lấn bằng 0.

Rất nhiều trường hợp được phát hiện kịp thời bằng cách này. Trong điều trị, công nghệ mấu chốt trên thế giới hiện nay là can thiệp trong lòng mạch máu sử dụng DSA (đưa ống theo mạch máu từ đùi lên tới mạch máu não để can thiệp). Sau khi can thiệp có 98% phục hồi, trở lại bình thường.

“Đột quỵ có thể xảy ra ở mọi thời điểm của cuộc đời, với bất kỳ ai. Vấn đề là phải hiểu về đột quỵ, nguy cơ, những triệu chứng sớm để tầm soát.

Để bảo vệ cơ thể không phải là chuyện tầm soát mà là phải giữ gìn sức khỏe; không hút thuốc lá, không uống quá nhiều rượu bia...

Những người khỏe mạnh bình thường, có lối sống lành mạnh thì xác suất đột quỵ rất thấp. Trong khi cũng có nhiều trường hợp chăm chăm đi tầm soát, kết quả không sao rồi về nhậu nhẹt thả ga, hút thuốc lá nhiều hơn thì vô tình việc tầm soát lại làm hại chính mình”- TS. BS Trần Chí Cường nhấn mạnh.

Khi người nhà phát hiện bệnh nhân có những biểu hiện bị đột quỵ thì cần có những bước sơ cứu sau:

- Đầu tiên là kiểm tra đường thở, xem bệnh nhân có còn thở hay không để tiến hành khai thông đường thở.

Trường hợp bệnh nhân bị tắc nghẽn đường thở do bị hít sặc thức ăn thì chúng ta phải nhanh chóng móc thức ăn ra. Đặc biệt với người lớn tuổi hay sử dụng răng giả, nếu hít phải răng giả dẫn đến tắc nghẽn cần nhanh chóng móc răng giả ra.

Khi bị tắc nghẽn đường thở trong vòng 4 phút, bệnh nhân dễ rơi vào tình trạng ngưng thở khiến não bị tổn thương hoàn toàn. Nếu như vậy, bệnh nhân có được cứu sống đi nữa thì có khả năng sẽ rơi vào trạng thái đời sống thực vật.

- Thứ hai, cần quan sát xung quanh xem bệnh nhân có bị gãy xương do té ngã hay không, nếu có chảy máu thì phải băng ép, cầm máu tạm thời.

- Thứ ba, nếu bệnh nhân đã an toàn không bị tắc nghẽn đường thở, không chảy máu thì sờ những vị trí mạch quan trọng như mạch cảnh ở cổ, mạch bẹn xem mạch có đập hay không, nếu đập bình thường tiến hành để bệnh nhân nằm tư thế thoải mái, nới lỏng quần áo cho bệnh nhân dễ thở và gọi cấp cứu hoặc đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế.

Bài, ảnh: SÔNG TRĂNG