Chấn thương mũi và cách để phòng tránh

Cập nhật, 14:41, Thứ Sáu, 11/01/2019 (GMT+7)

 

Từ các ca chấn thương mũi, bác sĩ chỉ ra đặc điểm lâm sàng và kết quả điều trị cũng như khuyến nghị phòng tránh trong cuộc sống.
Từ các ca chấn thương mũi, bác sĩ chỉ ra đặc điểm lâm sàng và kết quả điều trị cũng như khuyến nghị phòng tránh trong cuộc sống.

Chấn thương mũi có thể gặp ở mọi lứa tuổi, chiếm tỷ lệ cao ở người dân nông thôn với 82,1%. Chấn thương mũi do tai nạn giao thông chiếm đa số với 83,9%, kế đến là trong sinh hoạt, lao động... Biểu hiện lâm sàng thường gặp của chấn thương mũi là chảy máu mũi, đau chói, sưng nề, bầm tím, biến dạng,...

Mũi có vai trò hết sức quan trọng. Nó là hàng rào bảo vệ cơ thể với chức năng làm ấm, ẩm và lọc không khí. Mũi còn có khả năng ngăn cản vật lạ xâm nhập vào cơ thể qua phản xạ hắt hơi tống dị vật ra ngoài. Mũi đóng vai trò quan trọng trong quá trình hô hấp và tham gia vào chức năng phát âm, là cơ quan thẩm mỹ trên khuôn mặt.

Mũi là cơ quan nằm lồi ra phía trước của vùng mặt nên chấn thương mũi hay gặp nhất trong chấn thương vùng mặt. Chấn thương mũi gây ảnh hưởng đến sự lưu thông không khí qua mũi. Và chính điều này sẽ ảnh hưởng tới các cơ quan lân cận như họng, xoang...

Ở Việt Nam, chấn thương mũi có chiều hướng tăng cao, chiếm đa số do tai nạn giao thông. Theo nghiên cứu của bác sĩ Nguyễn Thị Quỳnh Lan- Bệnh viện Tai mũi họng TP Hồ Chí Minh, những năm gần đây chấn thương mũi đứng đầu trong các chấn thương vùng mặt.

Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long, số lượng bệnh nhân chấn thương mũi đến khám điều trị không ít, do nhiều nguyên nhân khác nhau. Các bác sĩ và điều dưỡng chuyên khoa tai mũi họng tại đây đã nghiên cứu nguyên nhân, đặc điểm lâm sàng và kết quả điều trị chấn thương mũi từ năm 2016 đến 2018 đã chỉ ra số liệu trên.

Theo bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng Lê Thị Ngọc Duy- Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long, chấn thương mũi gặp nhiều nhất ở người lao động phổ thông với 80,3% trong số 223 bệnh nhân được khảo sát. Tương tự, tỷ lệ bệnh nhân sinh sống ở nông thôn chiếm 82,1%. Đa phần chấn thương mũi là do tai nạn giao thông gây ra với 83,9%, còn lại do sinh hoạt, lao động.

Theo nghiên cứu trên, chấn thương mũi đơn thuần chiếm 70,4%, chấn thương kết hợp vẹo lệch vách ngăn chiếm 7,2%. Các hình thái chấn thương mũi gồm tổn thương phần mềm, gãy xương chính mũi, vẹo vách ngăn... Từ đó đưa đến các triệu chứng lâm sàng chảy máu mũi, biến dạng mũi, lệch mũi sang một bên, mất khứu, nghẹt mũi, sưng nề mũi...

Từ các ca chấn thương mũi vào bệnh viện, việc điều trị chủ yếu là nâng chỉnh hình xương chính mũi. Ngoài ra còn có phẫu thuật bảo tồn để duy trì chức năng sinh lý bình thường của mũi, phục hồi tối đa một trong các cơ quan quan trọng trên khuôn mặt bệnh nhân.

Theo bác sĩ, trong can thiệp chấn thương mũi, ưu tiên hàng đầu là cứu sống bệnh nhân, sau đó phục hồi chức năng và thẩm mỹ của mũi. Kết quả điều trị sẽ phụ thuộc vào mức độ chấn thương và các tổn thương, thời gian đưa đến bệnh viện, can thiệp ngoại khoa... Với can thiệp chấn thương mũi cần có liên hệ chặt chẽ giữa các chuyên khoa tai mũi họng, mắt, răng hàm mặt.

Khuyến nghị về mặt xã hội từ loại hình bệnh tật trên: cần tuyên truyền về đảm bảo an toàn giao thông cho mọi người trong cuộc sống; đội nón bảo hiểm, thắt đai an toàn khi tham gia giao thông; khuyến khích sử dụng phương tiện giao thông công cộng; tuyệt đối không sử dụng chất có cồn và chất kích thích khi điều khiển xe...

TƯỜNG VÂN