Các điểm mới về vắc xin trước yêu cầu phòng bệnh

Cập nhật, 22:04, Thứ Sáu, 18/01/2019 (GMT+7)
 Tiếp đón, khám sàng lọc, tư vấn, tiêm chủng đúng chỉ định, theo dõi sau tiêm... là các khâu buộc phải có để đảm bảo an toàn tiêm chủng cho trẻ.
Tiếp đón, khám sàng lọc, tư vấn, tiêm chủng đúng chỉ định, theo dõi sau tiêm... là các khâu buộc phải có để đảm bảo an toàn tiêm chủng cho trẻ.

Tiếp tục đảm bảo cung ứng vắc xin, nâng tỷ lệ và chất lượng tiêm chủng mở rộng; phát triển loại hình tiêm dịch vụ để người dân tiếp cận ngày càng nhiều với các loại vắc xin; đảm bảo tiêm chủng an toàn, hiệu quả để đạt mục tiêu tiêm chủng hàng năm trên 95%...

Trong phòng chống bệnh truyền nhiễm và các bệnh không lây nhiễm, công tác phòng chống các bệnh truyền nhiễm bằng tiêm chủng được Bộ Y tế nêu trong phương hướng nhiệm vụ năm 2019 như trên.

Năm qua, cơ bản ngành y tế đã cung ứng đủ thuốc, vắc xin kịp thời, đảm bảo chất lượng, giá cả hợp lý đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân, đặc biệt là vắc xin cho Chương trình Tiêm chủng mở rộng, vắc xin dại...

Nhiều thuốc sản xuất trong nước đòi hỏi trình độ công nghệ, yêu cầu kỹ thuật cao đã được thẩm định, cấp phép. Vắc xin cúm đầu tiên- cúm mùa “3 trong 1” gồm cúm A/H1N1, cúm A/H3N2 và cúm B cũng như vắc xin cúm tiền đại dịch A/H5N1- do Việt Nam sản xuất đã được công bố thử nghiệm thành công ngày 25/9/2018.

Phát biểu trong hội nghị tổng kết công tác năm 2018, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết đến nay, Việt Nam cũng đã sản xuất thành công vắc xin sởi, vắc xin phối hợp sởi- rubella đạt tiêu chuẩn GMP của Tổ chức Y tế thế giới.

Và mới đây ngày 15/1, Viện Vắc xin và Sinh phẩm y tế (IVAC) tại Nha Trang cùng các đơn vị liên quan đã công bố đưa vắc xin cúm mùa (IVACFLU-S) vào lưu hành sau 10 năm nghiên cứu, được kỳ vọng giảm nguy cơ bùng phát dịch bệnh. Viện trưởng IVAC Dương Hữu Thái cho hay, sẽ có 5 trung tâm dược trên cả nước phân phối loại vắc xin cúm mùa này đến người sử dụng.

Dự kiến mỗi năm có khoảng 1-1,5 triệu liều vắc xin cúm mùa bào chế từ trứng gà sạch đưa ra thị trường. Giá trung bình vắc xin này 80.000-120.000 đ/liều, giảm gần một nửa so với vắc xin nhập từ nước ngoài.

Đáng chú ý, kể từ tháng 12/2018 đến nay, Việt Nam đưa vào sử dụng vắc xin ComBE Five do Ấn Độ sản xuất, thay thế cho vắc xin Quinvaxem “5 trong 1” (của Hàn Quốc trước đây) trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng để phòng các bệnh: bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B và viêm phổi viêm màng não do vi khuẩn Hib.

Thống kê đến ngày 9/1/2019, đã có 130.000 trẻ của 28 tỉnh- thành được tiêm vắc xin này. Theo Bộ Y tế, tỷ lệ phản ứng sau tiêm của trẻ ở giới hạn an toàn theo khuyến cáo.

Cùng các địa phương, trong tháng 1 năm nay, Vĩnh Long đã đưa vào tiêm ngừa vắc xin ComBE Five cho trẻ. Thống kê ban đầu đến thời điểm này có khoảng 40.000 liều đã sử dụng tại khu vực phía Nam. Tương tự, tỉnh Vĩnh Long trong báo cáo sơ bộ cho thấy, đã có trên 2.500 liều được chủng ngừa.

Sau bước thí điểm đầu tiên ở 7 tỉnh- thành, đến mở rộng ra số địa phương trên, vắc xin ComBE Five theo lộ trình sẽ đưa vào tiêm đại trà tạo miễn dịch đầy đủ cho trẻ cả nước khi trẻ đủ 2, 3 và 4 tháng tuổi.

Báo cáo công tác năm 2018, bác sĩ Nguyễn Công Tuấn- Phó Giám đốc Sở Y tế Vĩnh Long- cho biết, tỉnh tiếp tục duy trì công tác tiêm chủng mở rộng từ tỉnh đến huyện, xã; thường xuyên củng cố và nâng chất lượng hệ thống tiêm chủng; cung ứng đủ vắc xin đáp ứng nhu cầu tiêm chủng cho trẻ em, phụ nữ có thai. Năm qua, tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ cho trẻ em dưới 1 tuổi đạt trên 95%, trong đó tiêm ngừa viêm gan B trong vòng 24 giờ đầu sau sinh đạt 74,2%.

Sở Y tế địa phương cho hay việc tiếp nhận, cung ứng, bảo quản, vận chuyển và sử dụng vắc xin được thực hiện đúng quy định. Với các trẻ đến tiêm chủng, việc tiếp đón, khám sàng lọc, tư vấn, tiêm chủng an toàn, đúng chỉ định, theo dõi sau tiêm và hướng dẫn gia đình tiếp tục theo dõi trẻ sau tiêm chủng được thực hiện đúng quy định...

Trẻ sinh ra phải được tiêm chủng, không tiêm thì sẽ bị bệnh và nguy cơ tử vong rất cao. Theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: tất cả các loại vắc xin, kể cả thuốc điều trị khi tiêm vào người thì chắc chắn có tỷ lệ phản ứng từ nhẹ cho đến nặng. Nhưng vẫn phải tiêm vì xác suất để cứu sống người rất nhiều so với tỷ lệ tai biến. “Đó là nguyên tắc y học và chúng ta phải vận dụng”.

Có thể nói thông qua tiêm chủng mở rộng và cả tiêm chủng dịch vụ, các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở nước ta thời gian qua được khống chế, đẩy lùi hay hạn chế ca mắc... Đó là yêu cầu trước tiên nhất trong bảo vệ, chăm sóc sức khỏe ban đầu của người dân từ sơ sinh, đến lớn.

Bài, ảnh: TƯỜNG VÂN