Nguyên nhân chính gây ung thư phổi là do thuốc lá

Cập nhật, 11:34, Thứ Ba, 20/11/2018 (GMT+7)

Theo thống kê trên thế giới có khoảng 85% số người bị mắc ung thư phổi liên quan trực tiếp và gián tiếp đến thuốc lá. Bên cạnh đó, phổi là bệnh không lây trực tiếp từ người sang người nhưng có di truyền (chỉ chiếm 2%).

Dù cấm hút thuốc lá tại bệnh viện, song không ít bệnh nhân đang điều trị bệnh vẫn thản nhiên hút. (ảnh chụp tại Trung tâm Y tế TX Bình Minh).
Dù cấm hút thuốc lá tại bệnh viện, song không ít bệnh nhân đang điều trị bệnh vẫn thản nhiên hút. (ảnh chụp tại Trung tâm Y tế TX Bình Minh).

Ngoài ra còn có các nguyên nhân như sinh sống làm việc ở nơi có nhiễm hóa chất, hít nhiều bụi amiang, hút thuốc lá thụ động, sốt viêm nhiễm liên quan tới phổi, hen suyễn kéo dài.

Những người hút thuốc ở tuổi càng trẻ thì thời gian hút để gây ra bệnh liên quan đến đường hô hấp càng ngắn so với những người bắt đầu hút ở tuổi muộn hơn.

Tại Việt Nam, hàng năm có khoảng 22.000 ca mắc mới và 19.500 bệnh nhân tử vong nhưng số mắc mới chưa có dấu hiệu dừng lại.

Theo thống kê tại Bệnh viện K, tỷ lệ bệnh nhân bị ung thư phổi do hút thuốc là 96,8%. Theo cơ chế, khi hít khói thuốc, không khí sẽ vào đường hô hấp trên qua mũi và miệng, nơi không khí được lọc, sưởi ấm và làm ẩm rồi qua khí quản để vào phổi.

Khi khói thuốc đi vào qua miệng, người hút thuốc bỏ qua cơ chế bảo vệ thứ nhất là quá trình lọc ở mũi. Nguy cơ bị ung thư phổi của những người hút thuốc cao hơn gấp 10 lần so với những người không hút thuốc.

Mức độ tăng nguy cơ khác nhau tùy theo loại tế bào ung thư. Ngoài ra, những người hút thuốc còn bị tăng nhiễm vi rút, tăng nhiễm vi khuẩn thường, tăng lao phổi, tăng các bệnh phổi mạn tính, đặc biệt bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.

Người hút thuốc thường bài tiết nhiều đờm hơn người không hút và khả năng đưa đờm ra khỏi đường hô hấp kém hơn do hệ thống lông chuyển ở người hút thuốc bị liệt, thậm chí bị phá hủy.

Khói thuốc làm thay đổi cấu trúc các tuyến tiết nhầy và thành phần của chất nhầy. Đôi khi các tuyến tiết nhầy bị tắc làm giảm khả năng bài tiết đờm.

Hậu quả là chất nhầy bị nhiễm các chất độc hại và bị giữ lại nhiều trong tổ chức phổi, cản trở sự lưu thông trao đổi khí.

Hút thuốc gây tăng tính đáp ứng đường thở. Do ảnh hưởng của các chất độc hại trong khói thuốc, đường thở dễ bị co thắt: luồng khí hít vào và thở ra đều bị cản trở, do đó hình thành các tiếng ran rít, ran ngáy và có thể bị khó thở. Ở nữ, số người mắc bệnh ung thư phổi nhiều thứ hai chỉ sau ung thư vú.

Điều này có thể là do nữ bị hút thuốc lá thụ động. Trong gia đình có người hút thuốc lá, người nữ hít phải khói thuốc này cũng sẽ bị ảnh hưởng không kém người hút thuốc lá chủ động.

Theo các bác sĩ chuyên khoa, những người có nguy cơ cao mắc bệnh ung thư phổi và cần đi tầm soát: người thường xuyên hút thuốc lá, hút lâu năm; người gia đình có tiền sử mắc bệnh ung thư phổi; người làm việc trong môi trường nhiều hóa chất độc hại; người có độ tuổi từ 50 trở lên.

Sau khi không phát hiện có gì lạ khi kiểm tra phổi khi chụp X-quang phổi thẳng, tiêu chuẩn, nên chụp CT ngực liều thấp để nhận biết bệnh rõ hơn.

Nếu sau khi chụp CT phát hiện ra tổn thương nhỏ dù chỉ 1-2 mm cũng nên nội soi phế quản, mổ lấy tổn thương nhỏ đó ra tiếp tục xét nghiệm.

Nếu kết quả cuối cùng an toàn thì đó là việc đáng mừng. Nếu không bạn có thể phát hiện ung thư phổi sớm ở giai đoạn đầu 1a hay 1b sẽ có đến 70- 80% chữa khỏi.

Bài, ảnh: MAI ANH