Bệnh "bàn giấy" đang rình rập

Cập nhật, 13:44, Thứ Sáu, 13/07/2018 (GMT+7)

Stress, mỏi mắt, vẹo đốt sống cổ, hội chứng ống cổ tay, hội chứng tổn thương thần kinh, béo bụng, thiếu vitamin D, mờ mắt,… là những căn bệnh mà dân “bàn giấy” có thể mắc phải, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.

Nhân viên văn phòng cần ngồi đúng tư thể và thường xuyên vận động để tránh nguy cơ bệnh đau, mỏi vai gáy, xương khớp.
Nhân viên văn phòng cần ngồi đúng tư thể và thường xuyên vận động để tránh nguy cơ bệnh đau, mỏi vai gáy, xương khớp.

Ngồi mát… nhưng vẫn bệnh

Về một số mặt, “nghề văn phòng” có vẻ khá an toàn, không phải lo lắng nhiều tới khói bụi, không nghe máy móc chạy ầm ầm hoặc vật liệu độc hại. 

Tuy nhiên, “giới văn phòng” ngồi làm việc trước máy tính nhiều giờ liền trong phòng máy lạnh cũng bị ảnh hưởng rất nhiều tới sức khỏe.

Hầu như nhân viên văn phòng nào cũng bị nhức mỏi ở cổ, vai, gáy. Cảm giác đau có thể lan vùng gáy hoặc lan xuống phía sau 2 bả vai.

Nguyên nhân chủ yếu là do nhiều nhóm cơ làm việc quá sức dẫn đến co thắt cơ và gây đau. Theo bác sĩ chuyên khoa, do chúng ta thường xuyên sử dụng máy tính, tay ta luôn hoạt động dẫn đến các cơ ở tay hoạt động, cơ ở vai và cổ cũng hoạt động.

Đặc biệt, chúng ta thường xuyên nhìn vào màn hình máy tính dẫn đến căng cơ và giảm lưu thông tuần hoàn, lưu thông khí huyết ở vùng từ vai cổ đến tay.

Chính việc thường xuyên ngồi cố định một chỗ đã khiến các cơ bắp và dây chằng trở nên căng cứng dẫn đến chứng đau lưng.

Chưa kể, những tư thế ngồi “độc đáo” của nhiều người vô tình đã làm mạch máu bị tắc nghẽn cục bộ, gây tê bì tay chân và tạo điều kiện cho các cơn đau ở vùng cột sống lưng có dịp tung hoành.

Chị Nguyễn Hải Đăng (biên tập viên) than: “Ngồi làm việc lâu bên máy tính khiến tôi cảm thấy mỏi, mệt, đau nhức khắp người, mỏi mắt, da khô nữa.

Còn tay phải thì luôn bị tê, đau châm chích ở ngón tay. Khám bác sĩ nói tôi bị hội chứng ống cổ tay do rê “chuột” thường xuyên trong tư thế sai khiến sự căng giãn lặp đi lặp lại ở vùng cổ tay gây vi chấn thương”.

Ở Việt Nam, theo thống kê, 33% dân số ngoài 30 tuổi có nguy cơ thoái hóa đốt sống cổ làm bệnh nhân rất khó quay đầu và quay cổ.

Trong đó, dân văn phòng chiếm đến 55% và đa số xuất phát từ những triệu chứng đau mỏi vai gáy thông thường. Khoảng 60% nhân viên văn phòng có biểu hiện của đau mỏi vai gáy.

Phòng bệnh… văn phòng

Nguyên nhân khiến nhân viên công sở mệt mỏi khi làm việc quá lâu bên máy tính là do nhiều người ngồi sai tư thế. Không phải cứ ngồi “ôm” lấy bàn làm việc là có thể làm việc hiệu quả.

Chị Nguyễn Thị Thanh Phương (34 tuổi, nhân viên ngân hàng) cho biết: “Công việc thường xuyên giao dịch với khách hàng, tiếp xúc với máy tính nên ít vận động, ngồi lâu tôi cảm thấy mỏi lưng, mỏi các khớp tay, buồn hơn nữa là vòng 2 của tôi ngày càng dầy lên, trông rất xấu”.

Do vậy, sau giờ làm, chị Phương tranh thủ đi bộ 45 phút mỗi ngày ở gần nhà. Chị Nguyễn Thị Thật (Trưởng Phòng Công chứng số 1, Phường 2- TP Vĩnh Long) cho biết: “Công việc của chị hầu như ngồi suốt hơn 9 tiếng nên mỗi sáng chị thức tập thể dục, vận động tay chân.

Tập xong tắm mát rồi đi làm thấy cơ thể khỏe khoắn lắm. Khi bận không tập 1- 2 ngày là thấy uể oải ngay”.

Rồi chị chia sẻ thêm: “Do tay thường xuyên rê chuột, gõ máy tính nên thỉnh thoảng cũng mỏi, nên chị thường xuyên mát xa tay, co duỗi cánh tay sau khi rảnh rỗi, cũng phải đi lên xuống lầu vận động và không tập trung vào màn hình máy tính quá lâu, phải nghỉ cho mắt khỏe bằng cách nhìn chỗ khác”.

Hầu hết các bàn phím và điện thoại di động đều chứa rất nhiều loại vi khuẩn và các vi sinh vật khác. Ngoài việc lây lan những căn bệnh như cảm lạnh và cúm, thiết bị công nghệ bẩn có thể dẫn đến việc nhiễm tụ cầu khuẩn và những bệnh truyền nhiễm nghiêm trọng khác.

Hiểu được vấn đề này, anh Huỳnh Ngọc Hải (nhân viên công nghệ thông tin) không chỉ ngồi duy trì tư thế thẳng đứng của lưng và cổ, vai thả lỏng mà còn thường xuyên vệ sinh máy tính để bàn, laptop, “chuột” bằng các dung dịch kháng khuẩn để ngăn ngừa nhiễm khuẩn.

Anh cũng hay rửa tay sạch sẽ trước và sau ăn uống khi làm việc tại văn phòng để đảm bảo vệ sinh.

Một lời khuyên được các bác sĩ đưa ra, một chút vận động nhẹ nhàng khi làm việc sẽ giúp chúng ta vừa tỉnh táo lại khỏe khoắn và tập trung tốt hơn vào công việc.

Để phòng tránh đau, mỏi vai gáy, nên lưu ý:

- Máy tính đặt vừa tầm mắt, khoảng cách từ mắt đến máy tính khoảng 60- 80cm. Ngồi làm việc đúng tư thế; cần giữ cổ luôn thẳng, tránh sai tư thế khi làm việc, không cúi gập cổ quá lâu.

- Để văn bản giấy ngang tầm mắt, tránh cúi nhiều.

- Nghỉ ngơi tại chỗ khoảng 30 giây sau mỗi 30 phút làm việc, tranh thủ làm một vài động tác thư giãn như vươn vai, xoay tay, xoay cổ… để giúp mạch máu lưu thông tốt hơn, giãn cơ.

- Điều chỉnh thói quen sử dụng các thiết bị điện tử cá nhân quá lâu sau giờ làm việc.

- Không bẻ, lắc cổ kêu rắc rắc, vì nếu đĩa đệm đã bị thoái hóa, gây mỏi cổ, khi bẻ hay vặn cổ sẽ tạo đà cho đĩa đệm thoát vị ra ngoài và làm bệnh thêm trầm trọng.

- Khi bị đau vai gáy nên hạn chế vận động, bổ sung một số khoáng chất cho cơ thể như Calci, Kali, vitamin C, B, E, thường xuyên xoa bóp thuốc giãn cơ chỗ đau, tăng cường máu đến cơ bắp.

Bài, ảnh: THÚY QUYÊN