Cao điểm bệnh thủy đậu, chớ coi thường

Cập nhật, 16:24, Thứ Bảy, 10/03/2018 (GMT+7)

Bệnh thủy đậu đang vào giai đoạn cao điểm ở cả hai miền Nam - Bắc và dễ gây biến chứng nặng nếu bệnh nhân có sẵn bệnh cảnh nền.

BS Nguyễn Văn Hạnh thăm khám cho một người mắc thủ đậu - Ảnh: THANH XUÂN
BS Nguyễn Văn Hạnh thăm khám cho một người mắc thủ đậu - Ảnh: THANH XUÂN

Bệnh này hay gặp ở trẻ em và lây qua đường hô hấp, đặc biệt người lớn chưa có miễn dịch cũng dễ mắc bệnh. Nhiều trường hợp người lớn mắc thủy đậu, biểu hiện bệnh còn nặng hơn so với trẻ em.

Dễ gây bội nhiễm, sẹo, viêm phổi…

Cách đây vài ngày, khoa bệnh nhiệt đới Bệnh viện E tiếp nhận nam bệnh nhân 23 tuổi ở phố Nguyễn Khang, quận Cầu Giấy có những biểu hiện điển hình của bệnh thủy đậu.

Theo lời kể của bệnh nhân, sau một đêm sốt cao trên da bệnh nhân xuất hiện các nốt phỏng nước. Khi vào viện, một số vết trên người bệnh đã bắt đầu có chấm mủ. 

Tại Bệnh viện E, qua thăm khám các bác sĩ xác định bệnh nhân bị viêm đường hô hấp kèm tình trạng mụn nước nổi toàn thân, kể cả trong niêm mạc miệng.

BS Nguyễn Văn Hạnh, trưởng khoa bệnh nhiệt đới, cho biết đây là 1 trong 10 bệnh nhân thủy đậu điển hình phải nhập viện trong thời gian gần đây, ngoài ra có 20 bệnh nhân khác có biểu hiện bệnh đỡ hơn nên được tư vấn điều trị tại nhà.

Bệnh nhân có bệnh nền dễ nguy hiểm

Trong khi đó tại Bệnh viện Bạch Mai, số bệnh nhân thủy đậu có biểu hiện nặng nhập viện khá đông. 

Tại đây đang điều trị cho bệnh nhân M.H. 27 tuổi, ở Sơn Dương, Tuyên Quang, có tiền sử lupus ban đỏ hệ thống 7 năm nay và đang điều trị tại Trung tâm dị ứng - miễn dịch lâm sàng của bệnh viện. 

Từ 1-3 vừa qua bệnh nhân đã được chuyển sang khoa truyền nhiễm trong tình trạng sốt ở ngày thứ 2, vùng cẳng tay và thân mình xuất hiện các vết phỏng nước, chỉ một ngày sau bệnh diễn tiến nặng: bệnh nhân khó thở, gắng sức, thể trạng suy kiệt. 

Phim chụp X-quang và các xét nghiệm cho thấy bệnh nhân bị biến chứng viêm phổi nặng.

Theo BS Đỗ Duy Cường, trưởng khoa truyền nhiễm Bệnh viện Bạch Mai, mặc dù thủy đậu là bệnh lành tính, có thể tự khỏi sau 1-2 tuần (đa phần tự chữa ở nhà), song ở những bệnh nhân có cơ địa đặc biệt hoặc có bệnh cảnh nền thì dễ xảy ra biến chứng.

Ngoài ra, do dân gian thường cho bệnh nhân thủy đậu kiêng nước, kiêng tắm hoặc nếu tắm thì cho tắm nước lá nên đã có những trường hợp bệnh nhân bị bội nhiễm do không đảm bảo vệ sinh. 

Các nốt phỏng nước không được điều trị kịp thời sẽ phồng to và để lại sẹo rất lâu lành. Người có cơ địa sẹo lồi thì vết sẹo còn có thể bị lồi, ảnh hưởng nhiều tới thẩm mỹ, đặc biệt khi sẹo xuất hiện ở các vùng da hở.

Không phải kiêng nước, kiêng gió

Các bác sĩ cho biết thủy đậu có thể xuất hiện quanh năm nhưng tập trung nhiều vào mùa đông - xuân. Phụ nữ mang thai mắc thủy đậu ở ba tháng đầu của thai kỳ có nguy cơ sẩy thai hoặc em bé có thể mắc một số dị tật bẩm sinh.

Mới đây, khoa truyền nhiễm đã điều trị cho hàng trăm ca mắc thủy đậu, trong đó có hàng chục ca có biến chứng nặng.

Các bác sĩ cho biết điều quan trọng nhất là theo dõi và phát hiện kịp thời các biến chứng, giữ gìn vệ sinh thân thể và tránh sử dụng các thuốc có nguy cơ làm bệnh nặng lên như corticoid. Không phải kiêng nước, kiêng gió.

Nếu bệnh nhân có bệnh cảnh nền hoặc có biến chứng thì sớm đưa bệnh nhân đi bệnh viện để được điều trị.

Theo TTO