Từ những vụ ngộ độc, nghĩ về an toàn thực phẩm trong năm mới

Cập nhật, 12:36, Thứ Sáu, 05/01/2018 (GMT+7)

Theo báo cáo Sở Y tế, năm 2017 toàn tỉnh xảy ra 8 vụ ngộ độc thực phẩm, tăng 3 vụ (60%) so cùng kỳ năm 2016. Tổng số người ngộ độc thực phẩm là 293, trong đó chuyển bệnh viện điều trị là 272 người, tuy nhiên không có trường hợp nào tử vong.

Ban Văn hóa- Xã hội HĐND tỉnh Vĩnh Long trong một đợt kiểm tra giám sát việc thực hiện pháp luật về ATTP tại một đơn vị ở khu công nghiệp.
Ban Văn hóa- Xã hội HĐND tỉnh Vĩnh Long trong một đợt kiểm tra giám sát việc thực hiện pháp luật về ATTP tại một đơn vị ở khu công nghiệp.

Tết Nguyên đán Mậu Tuất và mùa Lễ hội Xuân 2018 đang đến gần và kéo dài đến tháng 3 tới. BCĐ Liên ngành Trung ương về vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) vừa ban hành chỉ thị về việc tăng cường đảm bảo ATTP, phòng chống ngộ độc thực phẩm, bệnh lây truyền qua thực phẩm trong mùa cao điểm lễ hội trên.

Nhìn các vụ ngộ độc thực phẩm năm qua tại tỉnh, có thể đúc kết được gì để đưa công tác đảm bảo ATTP, phòng chống ngộ độc thực phẩm vào trọng tâm và đạt hiệu quả cao nhất.

Ngộ độc thực phẩm tại nhà, trường học, doanh nghiệp

Nhìn 8 vụ ngộ độc thực phẩm được báo cáo năm 2017, sẽ thấy điều này. Trong 8 vụ việc, có 5 vụ xảy ra ở bữa cơm gia đình, 1 vụ xảy ra trong tiệc cưới, 1 vụ ở trường học, 1 vụ ở bữa ăn công nhân.

Đáng chú ý là vụ ngộ độc thực phẩm trường học với số lượng tới 199 trẻ tiểu học (huyện Long Hồ, TP Vĩnh Long) mắc phải, trong đó 198 trẻ phải chuyển điều trị tại Trung tâm Y tế Long Hồ, Trung tâm Y tế TP Vĩnh Long, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long, Bệnh viện Y dược cổ truyền tỉnh Vĩnh Long.

Trong 5 vụ xảy ra tại gia đình, hầu hết là ở bữa cơm hàng ngày với: cơm trắng, mắm tép (2 vụ), canh cải thìa nấu tôm khô, canh rau ngót, cá lăng kho khóm, cá biển chiên, cá lóc kho,... và sau đó người ăn có các triệu chứng nghi ngộ độc thực phẩm phải chuyển cơ sở y tế điều trị.

Cũng tại bữa tiệc cưới, đã xảy ra vụ nghi ngộ độc thực phẩm sau khi thực khách ăn đồ nguội (bánh ướt, nem nướng, trứng cút cuộn cá, tôm chiên bột) và sau đó nhiều người cũng phải đi bệnh viện theo dõi.

Theo cơ quan chức năng, các bữa ăn gia đình, đám tiệc mang tính chất gia đình, riêng tư. Khi có dấu hiệu ngộ độc thực phẩm được báo, cơ quan chức năng đã tiến hành xác minh.

Tuy nhiên, có 5 vụ ngộ độc thực phẩm không xác định được nguyên nhân do không lấy được mẫu để kiểm nghiệm; 3 vụ ngộ độc được xác định nguyên nhân do vi sinh vật, nhiễm vi khuẩn.

Có thể thấy, từ môi trường và trường hợp ăn uống đơn giản, ít được lưu ý lại tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc thực phẩm.

Theo cơ quan chức năng, việc lưu và lấy mẫu kiểm nghiệm sau đó nếu cần thiết sẽ còn được thực hiện đối với bữa ăn công nhân khu công nghiệp, bữa ăn học sinh trường học được cơ sở cung cấp thức ăn sẵn; còn bữa ăn tại gia đình thì khi ăn uống xong rồi thường coi như... “xong xôi rồi việc”!

Cho nên, lỡ có nguy cơ gì về vệ sinh thực phẩm thì khó xác định được.

3 tháng vui xuân cần đề cao tinh thần ATTP

Theo chuyên gia y tế, một phần bởi tâm lý chủ quan, ít để ý tới thức ăn tại nhà, nên sau khi nghi ngộ độc thực phẩm, nhiều người “ngớ” ra, tự vấn sao lại... xui như vậy!

Điển hình là 2 bữa ăn trong nhà có ăn mắm tép. Theo khuyến cáo, cũng như thức ăn sẵn để tủ lạnh, đồ khô, đồ nguội, món này lễ tết thường thấy trên bàn ăn của nhiều gia đình do tiện lợi, bắt mắt, dễ dùng... và cần phải ý thức, cẩn trọng khi ăn.

Giao mùa Đông Xuân cũng là cao điểm dịp tết và mùa lễ hội hàng năm với nhiều hoạt động ăn uống, vui chơi. Chuyên gia y tế cho đây là điều kiện thuận lợi để vi sinh, vi khuẩn phát triển, phát tán và cảnh báo người dân nên cẩn trọng trong ăn uống để tránh nguy cơ ngộ độc thức ăn.

Mới đây, BCĐ Liên ngành Trung ương về vệ sinh ATTP ban hành kế hoạch triển khai công tác bảo đảm ATTP Tết Nguyên đán Mậu Tuất và mùa Lễ hội Xuân 2018 trên cả nước, kéo dài từ 1/1/2018 đến hết ngày 2/4/2018.

Kế hoạch nhằm kiểm soát đảm bảo ATTP trong sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu và sử dụng thực phẩm; tăng cường phòng chống ngộ độc thực phẩm trong hơn 90 ngày cao điểm vui tết và lễ hội xuân tới đây.

BCĐ yêu cầu ngành y tế các địa phương hạn chế tối đa các vụ ngộ độc thực phẩm dịp cao điểm lễ tết tới đây; thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành từ trung ương đến cấp xã- phường tập trung vào các nhóm sản phẩm tiêu thụ nhiều trong dịp tết và lễ hội có yếu tố nguy cơ cao, làng nghề chế biến thực phẩm…

Huy động tối đa các kênh truyền thông phổ biến các quy định pháp luật về ATTP cũng như các kiến thức lựa chọn, bảo quản, chế biến và tiêu dùng thực phẩm đến người dân nhằm đảm bảo cao nhất ATTP, hạn chế ngộ độc thực phẩm và bệnh lây truyền qua thực phẩm.

Theo các bác sĩ, những bữa ăn trong các buổi liên hoan, tiệc tùng cuối năm, đầu năm tưởng như vô hại nhưng lại có thể ngấm ngầm làm tình trạng bệnh lý của nhiều người thêm trầm trọng. Do đó trong bữa tiệc, người dân cần chú ý ăn cân bằng về dinh dưỡng giữa các món ăn, thức uống.

Bài, ảnh: TƯỜNG VÂN