Chăm lo dinh dưỡng ở trẻ

Cập nhật, 13:45, Thứ Sáu, 29/12/2017 (GMT+7)

Nuôi dạy con với chế độ dinh dưỡng hợp lý để bé phát triển toàn diện từ thể chất đến trí tuệ luôn là mong muốn ở các phụ huynh.

Dù thực tế kiến thức của người dân về đảm bảo dinh dưỡng, phòng chống suy dinh dưỡng cho trẻ nay đã tốt hơn nhiều, nhưng hiện tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ vẫn còn cao và cần sự phối hợp của gia đình, cộng đồng để cùng cải thiện dinh dưỡng cho trẻ.

Trẻ sinh non tháng được chăm sóc sơ sinh tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long.
Trẻ sinh non tháng được chăm sóc sơ sinh tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long.

Chạy đôn đáo lo dinh dưỡng

Chị Trầm Thị Trâm Anh (xã Thanh Đức- Long Hồ) nuôi con đầu lòng với nhiều khó khăn khi bé luôn trong nhóm suy dinh dưỡng và thấp còi. Lúc mới sinh, bé đạt cân nặng tới 3,9kg nhưng như chị nói “càng nuôi, càng chăm thì bé càng nhẹ cân hơn so các bé cùng trang lứa”.

Chị Trâm Anh cho biết, hiện bé đã 34 tháng nhưng chỉ đạt 11kg và cao hơn 90cm, rất thấp so với chuẩn trung bình và đang thuộc dạng suy dinh dưỡng.

“Tuy bé rất hiếu động, hoạt bát nhưng nhìn số cân nặng và chiều cao thì gia đình rất lo lắng. Trong suốt gần 20 tháng qua, gia đình đã tìm mọi cách cả truyền thống lẫn y học hiện đại nhưng bé vẫn vậy, nhẹ cân vẫn hoàn nhẹ cân.

Có đợt, gia đình theo một bác sĩ đầu ngành về dinh dưỡng ở TP Hồ Chí Minh, cũng đạt kết quả nhưng tốn khá nhiều tiền”- chị Trâm Anh lo lắng.

Tương tự, anh Nguyễn Hoàng Nam (xã Phú Đức- Long Hồ) cũng mệt mỏi với chuyện dinh dưỡng cho đứa con trai đầu lòng.

Anh Nam cho biết, khi sinh ra bé đạt cân chuẩn 3,6kg, thể trạng bình thường như nhiều em bé khác. Tuy nhiên, hiện đã gần 1 tuổi nhưng thể trạng của bé nhỏ, thấp nhiều so với các trẻ khác.

Anh Nam nói: “Gia đình cũng theo cách truyền thống là nấu các loại cháo bổ sung dinh dưỡng, canxi cao, phơi nắng sáng sớm nhưng kết quả không khả quan. Do đó, dự định tới cũng sẽ đưa bé đi làm các xét nghiệm và tham khảo ý kiến của các chuyên gia dinh dưỡng”.

Theo báo cáo của ngành y tế tại hội nghị triển khai Tuần lễ “Dinh dưỡng và phát triển” năm 2017, đến hết năm 2016, tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ thể cân nặng/tuổi là 13,3%, thể chiều cao/tuổi là 22,4%.

Trong 6 năm qua, trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thể nhẹ cân giảm từ 18,8% ở năm 2010 xuống còn 13,6% năm 2016. Đây là một trong các chỉ số sức khỏe cơ bản của người dân tỉnh được cải thiện đáng kể.

Còn theo báo cáo Sở GD-ĐT Vĩnh Long, kết thúc năm học 2016- 2017, toàn tỉnh có 526/42.119 trẻ mầm non bị suy dinh dưỡng cân nặng, chiếm tỷ lệ 1,24%; tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thấp còi chiếm 0,99%.

Tuy con số tương đối ít nhưng cho thấy tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ vẫn còn dù hiện nay có sự kết hợp giữa gia đình và nhà trường.

Nhiều hoạt động, mục tiêu giảm suy dinh dưỡng trẻ

Đưa trẻ đi tiêm chủng cũng là cách để phụ huynh được tư vấn thêm cách nuôi dạy trẻ đảm bảo phát triển thể chất lẫn trí tuệ.
Đưa trẻ đi tiêm chủng cũng là cách để phụ huynh được tư vấn thêm cách nuôi dạy trẻ đảm bảo phát triển thể chất lẫn trí tuệ.

Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long đã phê duyệt Đề án “Sữa học đường cho trẻ mầm non công lập, tiểu học công lập giai đoạn 2018-2021” trên địa bàn tỉnh.

Mục tiêu đề án nhằm cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng về cân nặng, chiều cao và trí tuệ trẻ mầm non, tiểu học.

Đến năm 2021, tập trung giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng cân nặng và chiều cao, cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng của trẻ. Trẻ trong đề án sẽ được uống 9 tháng trong 1 năm học, mỗi trẻ uống 3 lần/tuần, mỗi lần uống 180ml/hộp.

Hàng năm, tỉnh Vĩnh Long như các địa phương trên cả nước triển khai thực hiện Tuần lễ “Dinh dưỡng và phát triển”, từ ngày 16-23/10.

Năm 2017, tuần lễ với thông điệp “Bảo đảm an ninh lương thực và phát triển nông thôn: nền tảng để giảm suy sinh dưỡng bền vững”.

Tuần lễ đặt các mục tiêu: thông tin tuyên truyền cho toàn dân về Chiến lược Quốc gia dinh dưỡng và các biện pháp thực hiện; giáo dục, phổ biến tới gia đình, cộng đồng nội dung phòng chống suy dinh dưỡng, lời khuyên ăn uống hợp lý, tăng cường sức khỏe, phòng bệnh;

lồng ghép chương trình xóa đói giảm nghèo với mục tiêu cải thiện các kiến thức dinh dưỡng; huy động sự tham gia tích cực của gia đình, xã hội vào phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em...

Kết quả triển khai Tuần lễ “Dinh dưỡng và phát triển” hàng năm cho thấy, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể chiều cao/tuổi, cân nặng/tuổi được kéo giảm.

Hoạt động trên đã vào nề nếp, phản ánh nhận thức của người dân trong cộng đồng về dinh dưỡng được nâng lên, nhất là chế độ ăn uống hợp lý, nâng cao sức khỏe, phòng bệnh.

Kèm trong tài liệu triển khai Tuần lễ “Dinh dưỡng và phát triển” năm 2017, ngành y tế nêu 10 lời khuyên dinh dưỡng hợp lý: ăn đa dạng nhiều thực phẩm và đảm bảo đủ 4 nhóm chất bột, chất đạm, chất béo, vitamin và muối khoáng; phối hợp thức ăn có đạm động- thực vật, dầu động- thực vật hợp lý.

Nên ăn tôm, cua, cá, các loại đậu và ăn rau quả hàng ngày.

Nên sử dụng muối i ốt, không ăn mặn; đảm bảo an toàn vệ sinh trong lựa chọn, chế biến và bảo quản thực phẩm; uống đủ nước sạch hàng ngày.

Cho trẻ bú mẹ ngay sau khi sinh, bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, ăn bổ sung hợp lý; trẻ sau 6 tháng và người trưởng thành nên sử dụng các sản phẩm sữa phù hợp lứa tuổi.

Bên cạnh, cần tăng cường hoạt động thể lực, duy trì cân nặng hợp lý, không hút thuốc lá, hạn chế rượu bia, nước có ga và ăn đồ ngọt.

Bài, ảnh: KHÁNH DUY- MINH THÁI