Cảnh báo: mới ngoài 30 tuổi đã đột quỵ não!

Cập nhật, 14:26, Thứ Sáu, 13/10/2017 (GMT+7)

Nếu trước đây, người dân hay nghĩ đột quỵ não (với dạng xuất huyết não, tai biến mạch máu não) thường chỉ gặp ở người từ 60 tuổi trở lên thì nay căn bệnh phức tạp này xuất hiện thường xuyên ở người 40- 60 tuổi, thậm chí có ở độ tuổi 30-40.

Bệnh nhân chưa đến 60 tuổi điều trị tại bệnh viện tỉnh liên quan đến bệnh lý hô hấp kèm đái tháo đường tuýp 2.
Bệnh nhân chưa đến 60 tuổi điều trị tại bệnh viện tỉnh liên quan đến bệnh lý hô hấp kèm đái tháo đường tuýp 2.

Đột quỵ ngày càng trẻ hóa

Tháng 9/2017, Khoa Cấp cứu hồi sức tích cực và chống độc- Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long thống kê: có 3 trường hợp độ tuổi 30- 40, 16 trường hợp độ tuổi 40- 60 và 28 trường hợp độ tuổi trên 60 vào bệnh viện do xuất huyết não và nhồi máu não.

Theo bác sĩ chuyên khoa I Đặng Huỳnh Thu, độ tuổi 40- 60 bị xuất huyết não trước đây thường chỉ thỉnh thoảng, nay thì rất nhiều, như chỉ trong vòng 1 tháng mà có đến 16 trường hợp.

Ở độ tuổi 30- 40, 3 ca vào bệnh viện như vậy cũng là rất nhiều. Bác sĩ Huỳnh Thu cho biết, mới tuần trước vào khoa ca bệnh 33 tuổi huyết áp tăng cao rồi xuất huyết não luôn.

Đầu năm đến nay, khoa thường xuyên tiếp nhận, can thiệp các trường hợp xuất huyết não và nhồi máu não như vậy. Tình trạng được cho là “rộ” trong một vài năm lại đây, đã phản ánh bệnh liên quan đến yếu tố rối loạn chuyển hóa ngày càng trẻ hóa.

Theo bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thị Bạch Yến- Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh, đối tượng 30- 40 tuổi trở đi bị đột quỵ thường đi kèm các bệnh lý chuyển hóa phổ biến: tăng huyết áp, rối loạn lipid máu (mỡ máu), đái tháo đường...

Biểu hiện ban đầu trước khi đưa bệnh viện thường là: đột ngột đau đầu, tri giác lơ mơ, yếu hoặc liệt nửa người. Vào bệnh viện các trường hợp trên, sau CT Scanner và xét nghiệm máu, thường phát hiện bệnh nhân hoặc tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu hoặc kèm các bệnh trên.

“Người trẻ đôi khi chưa nghĩ mình bị huyết áp cao hoặc có lúc hơi bị nhức đầu, chóng mặt thì mua thuốc ngoài tiệm uống hoặc... cho qua luôn”- bác sĩ Bạch Yến nói lý do khiến tỷ lệ tăng huyết áp ngày càng trẻ hóa và theo đó dẫn đến yếu tố gây đột quỵ gia tăng.

Theo bác sĩ, người dân bây giờ cả trẻ và có tuổi, đều hiểu các yếu tố nguy cơ nói trên, nhưng do đặc thù công việc, lối sống,... nên ít khi kiểm soát thường xuyên, ổn định huyết áp, lượng đường trong máu của mình.

Kiểm soát yếu tố hạn chế nguy cơ đột quỵ

Vẫn theo bác sĩ Bạch Yến, tốt nhất là nên kiểm soát 3 yếu tố trong sinh hoạt hàng ngày ở chế độ ăn uống, luyện tập và khám tầm soát định kỳ.

Người nhỏ tuổi hay lớn tuổi đều nên ăn chế độ bớt ngọt, giảm mặn, hạn chế mỡ động vật, ăn nhiều rau cải, thực phẩm thực vật và tuân thủ chế độ luyện tập thể dục thể thao thường xuyên, phù hợp. Nên đến cơ sở y tế chuyên môn khám tầm soát định kỳ 6 tháng/lần hoặc ít nhất mỗi năm một lần.

Bác sĩ Bạch Yến cho biết có khi cơn nhức đầu, chóng mặt chỉ thoáng qua, rồi “lướt” qua luôn. Huyết áp có tăng trong một thời điểm nào đó, rồi sẽ về bình thường. Tuy nhiên, tình trạng này tái đi tái lại nhiều lần, và người đó không đi tầm soát, thì đến một lúc nào đó huyết áp sẽ tăng liên tục, coi như họ bị bệnh tăng huyết áp.

“Phát hiện sớm để điều chỉnh sớm, hạn chế tăng huyết áp là rất cần thiết trong trường hợp trên”- bác sĩ khuyến cáo.

Theo bác sĩ Huỳnh Thu: Khoa Cấp cứu hồi sức tích cực và chống độc hầu hết can thiệp ban đầu với người xuất huyết não là điều trị khi ổ xuất huyết còn nhỏ và tri giác còn tốt hay với ca bệnh quá nặng (không chuyển tuyến được).

Nhưng đa số bệnh nhân vào đây là đều yêu cầu được chuyển tuyến điều trị. Thường lên tuyến trên sẽ can thiệp phẫu thuật hoặc can thiệp thần kinh cho người bệnh.

Bác sĩ dẫn tài liệu y văn cho biết, khi chưa đột quỵ mà phát hiện yếu tố nguy cơ như tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, đái tháo đường... thì điều trị và hạn chế khoảng 60% nguy cơ đột quỵ. Số còn lại là vẫn bị đột quỵ.

 

Các bác sĩ khuyên khi một người nào đó thường xuyên đau đầu, chóng mặt thì nên đi khám tầm soát chứ không nên “lờ” đi. Theo bác sĩ Bạch Yến, thực tế có bệnh nhân đột quỵ vào bệnh viện ở độ tuổi còn trẻ và có biến chứng huyết áp tăng rất cao. Hỏi tiền sử, người bệnh khai trước đó vẫn khỏe mạnh, làm việc bình thường và hầu như chưa từng đi khám tầm soát.

 

Bài, ảnh: MINH THÁI