Bệnh do... con muỗi- chuyện chưa bao giờ cũ

Cập nhật, 13:16, Thứ Sáu, 01/07/2016 (GMT+7)

Sốt xuất huyết (SXH) là bệnh truyền nhiễm rất quen, nhưng chưa bao giờ cũ! Bởi số ca bệnh lưu hành tại cộng đồng, chủ yếu ở khu vực phía Nam đang ngày một gia tăng. Mùa mưa, mùa “chính vụ” của ca mắc, nguy cơ tử vong của bệnh này ngày càng phức tạp.

Lật úp vỏ dừa, chai lọ; không để nước mưa ứ đọng quanh nhà là cách diệt muỗi sinh sôi, phòng tránh SXH.
Lật úp vỏ dừa, chai lọ; không để nước mưa ứ đọng quanh nhà là cách diệt muỗi sinh sôi, phòng tránh SXH.

SXH đang ngày trở nên nguy hiểm

Theo lãnh đạo Sở Y tế Vĩnh Long: Bệnh SXH đã và đang là gánh nặng của cộng đồng, là thách thức của y tế công cộng, hiện nay SXH vẫn đang diễn biến rất phức tạp, khó lường.

Trẻ em (phần lớn trẻ dưới 15 tuổi) là đối tượng nguy cơ mắc và tử vong cao vì các biến chứng nguy hiểm và do điều trị muộn.

Theo bác sĩ Võ Thị Thu Hương- Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long, thống kê sơ bộ số ca bệnh SXH vào khoa điều trị năm nay không tăng cao, nhưng số ca bệnh nặng lại nhiều, tăng khá cao so mọi năm.

Bác sĩ Phan Văn Năm- Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long- cũng nhìn nhận đến nay ca bệnh vẫn tương đương như mọi năm điều trị nội trú tại bệnh viện. Tuy nhiên, có thời điểm ca bệnh nặng tăng cao, mà nguyên nhân là do lưu hành của một số túyp vi rút mới.

Theo bác sĩ chuyên khoa, bệnh SXH mà phát hiện trễ, bệnh nhân thường có thể chuyển mức độ nặng, vào sốc, tái sốc rất nhanh.

Do đó bệnh nếu có ở đối tượng: phụ nữ có thai, trẻ sơ sinh, những người béo phì, cao tuổi, người có kèm các bệnh lý đái tháo đường, viêm phổi, tim,... thì nguy cơ tử vong rất cao.

Trong lễ mít tinh vận động người dân tự diệt muỗi, diệt lăng quăng phòng chống SXH và bệnh do vi rút Zika tại TP Hồ Chí Minh, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã khẳng định SXH nguy hiểm hơn rất nhiều so với Zika. Dù 2 bệnh đều bắt nguồn bởi vi rút mang bệnh từ muỗi Aedes (dân gian còn gọi là muỗi vằn).

Ở nước ta, năm 2015 ghi nhận 82.000 ca bệnh SXH, trong đó 52 ca đã tử vong. Bệnh truyền nhiễm này tập trung chủ yếu ở các tỉnh phía Nam.

Tỉnh Vĩnh Long nửa đầu năm nay đã ghi nhận xấp xỉ 500 ca bệnh, tăng mạnh so tổng số khoảng 600 ca SXH cả năm 2015.

15 phút/ngày diệt lăng quăng, phòng được SXH

Tại TP Hồ Chí Minh, bác sĩ Nguyễn Bá Đăng- Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đã chia sẻ với báo chí hàng loạt giải pháp “phổ thông” để thông tin tuyên truyền, vận động người dân hàng ngày, hàng tuần bằng các việc đơn giản phòng SXH.

Đó là việc đậy kín tất cả dụng cụ chứa nước lớn, lật úp các dụng cụ không chứa nước, đổ bỏ dụng cụ chứa nước nhỏ (chai lọ, vật liệu phế thải, mảnh lu vỡ, vỏ dừa, lốp xe cũ,...), để muỗi không vào đẻ trứng, thay nước bình bông, bỏ muối dầu, hóa chất diệt lăng quăng và bọ gậy vào bát kê nước chân tủ đựng thức ăn và các ổ nước đọng.

Hàng tuần, diệt lăng quăng bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn, thay rửa dụng cụ chứa nước nhỏ.

Người dân nên ngủ mùng và mặc quần áo dài phòng muỗi chích ngay cả ban ngày, phối hợp tích cực với ngành y tế trong các đợt phun xịt hóa chất diệt muỗi và một khi bị sốt nên đến ngay cơ sở y tế để khám, điều trị, không tự ý điều trị tại nhà.

Đây được coi là cách thường xuyên, chủ động để phòng tránh SXH ngay từ hộ gia đình đơn giản, dễ làm, nhưng rất hiệu quả. Chỉ 10- 15 phút trong ngày hoặc trong tuần, là có thể hoàn tất việc hạn chế môi trường sinh sôi của lăng quăng, bọ gậy, muỗi.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long Trần Hoàng Tựu mới đây chỉ đạo Sở Y tế: Ngành làm chủ đạo, phối hợp các cơ quan đơn vị liên quan và chính quyền các địa phương “tăng cường truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng về những nguy hiểm do SXH, cách phòng chống SXH hiệu quả; đồng thời triển khai diệt lăng quăng, diệt muỗi, khống chế không để dịch lớn xảy ra, giảm tỷ lệ mắc và không để tử vong”.

Đêm canh đập muỗi, ngày lật úp trái dừa không

Chị Nguyễn Hoàng Thanh Thảo (31 tuổi, Phường 2- TP Vĩnh Long) cho biết: Bữa nào đưa con (gần 2 tuổi) vào ngủ chị cũng coi kỹ trong mùng có con muỗi nào không, có thì đập rồi mới yên giấc. Có 2 con, đứa lớp 8, đứa hơn 4 tuổi, chị Nguyễn Thị Mỹ Phượng (33 tuổi, ấp Mỹ Hưng, xã Thiện Mỹ- Trà Ôn) hiện bán quán cà phê ngoài huyện nói ngày nào chị cũng lật úp nhiều vỏ trái dừa sau khi khách đã uống cạn, không để muỗi sinh sản.

 

Bài, ảnh: MINH THÁI