Một ngày ở... Bệnh viện Tâm thần

Cập nhật, 14:21, Thứ Sáu, 25/03/2016 (GMT+7)

Cuộc sống xã hội hiện đại được cho ít nhiều gián tiếp tạo ra chứng bệnh thuộc loại tâm thần kinh. Thân phận của những người mắc một trong các triệu chứng ở loại hình bệnh tật này, việc điều trị cho bệnh nhân đó như thế nào tại cơ sở y tế chuyên khoa tâm thần...?

Từ góc nhìn này, chúng tôi ghi nhận thực tế tại Bệnh viện Tâm thần Vĩnh Long.

Tại khu điều trị nữ thuộc Khoa Tâm thần- Bệnh viện Tâm thần Vĩnh Long.
Tại khu điều trị nữ thuộc Khoa Tâm thần- Bệnh viện Tâm thần Vĩnh Long.

Đa thân phận những người bệnh

Cuộc sống nhiều áp lực, lo âu và căng thẳng đã khiến cho sức khỏe nhiều người bị ảnh hưởng nặng nề. Đặc biệt, môi trường tâm lý xã hội không thuận lợi có thể tác động mạnh gây tổn thương về tinh thần, những biến đổi sinh học phức tạp có thể gây ra các bệnh lý về não, gọi chung là tâm thần kinh. Đó là một trong những tình trạng phổ biến hiện nay.

Chị Nguyễn Thị T. (49 tuổi, xã An Bình- Long Hồ) là một ví dụ. Chị T. đã và đang điều trị vào buổi sáng tại khu điều trị nữ, Khoa Tâm thần, Bệnh viện Tâm thần Vĩnh Long.

Chị T. trải lòng: “Vì cuộc sống mưu sinh, tôi bị tai nạn chấn thương vùng đầu trong một lần đi bắt cá cùng chồng. Nghĩ mình không sao, nên không đi điều trị sớm. Ngày qua ngày, bệnh càng trầm trọng hơn, không đêm nào tôi ngủ được. Thấy vậy, người nhà đã chuyển tôi đi rất nhiều bệnh viện từ Trung ương, về bệnh viện tỉnh và nay là vào Bệnh viện Tâm thần. Đã nằm ở đây mấy tháng qua”.

Với chị Đặng Thị H. (36 tuổi, xã Thới Hòa- Trà Ôn) bệnh lại khác. Người thân cho biết chị thường hay độc thoại mà không nói chuyện với bất cứ ai trong gia đình. Người nhà đưa chị H. vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long điều trị một thời gian dài, tuy nhiên bệnh tình không giảm. Chị H. là trường hợp được chẩn đoán trầm cảm và nay thì cũng đã vào điều trị ở Bệnh viện Tâm thần Vĩnh Long.

Cũng vậy, thường ngày Trần Thị Kim Th. (18 tuổi, xã Ngãi Tứ- Tam Bình) “không bắt chuyện với ai, cảm giác sợ sệt khi có người lạ đến gần”. Người thân Th. nói em “bị cú sốc về mặt tình cảm, nên em lúc tỉnh, lúc mê”. Người nhà rất đau xót, nhưng chẳng biết phải làm sao!

Liệu pháp điều trị

Qua tìm hiểu, ngoài tình yêu thương, điều quan trọng trong việc chăm sóc người bệnh tâm thần là nên trò chuyện cởi mở về bệnh tâm thần. Có như vậy sẽ giảm bớt mặc cảm, giúp người bệnh sớm tìm cách chữa trị.

Theo bác sĩ Đinh Thị Phương Liên- Trưởng Khoa Điều trị nữ thuộc Bệnh viện Tâm thần Vĩnh Long: “Bệnh tâm thần thường không gây chết đột ngột, nhưng gây giảm sút tinh thần cho người bệnh, làm đảo lộn sinh hoạt, gây căng thẳng những người trong gia đình, gây nguy hiểm cho những người xung quanh”.

Bác sĩ nói nếu không được chữa trị kịp thời sẽ gây tổn hại kinh tế gia đình và gánh nặng cho xã hội. Bệnh tâm thần thuộc nhóm bệnh xã hội, trước đây do Nhà nước bao cấp, còn nay nếu bệnh nhân có BHYT sẽ được thanh toán điều trị theo quy định.

Y sĩ Huỳnh Thị Thúy Hằng hướng dẫn cho bệnh nhân cách sử dụng máy hỗ trợ điều trị bệnh.
Y sĩ Huỳnh Thị Thúy Hằng hướng dẫn cho bệnh nhân cách sử dụng máy hỗ trợ điều trị bệnh.

Y sĩ Huỳnh Thị Thúy Hằng- điều dưỡng trưởng Khoa Tâm lý và hoạt động trị liệu thuộc Bệnh viện Tâm thần nói, do bệnh viện mới hoạt động nên chưa có khu vui chơi giải trí cho bệnh nhân.

Tuy nhiên, bệnh viện có Khoa Tâm lý và hoạt động trị liệu. Tâm lý trị liệu là liệu pháp vừa mang tính khoa học vừa mang tính nhân văn. Phương pháp này phối hợp với nghiệm pháp hóa dược sẽ rút ngắn thời gian điều trị cho bệnh nhân.

Tâm thần là hình thái bệnh tật gây ảnh hưởng sức khỏe con người. Do đó biện pháp hữu hiệu nhất là mỗi người cần có lối sống khỏe để phòng tránh các nguy cơ gây bệnh. Điều trị tâm thần phải mất một thời gian dài, có thể hàng tháng, hàng năm và có thể suốt đời.

Cơ sở y tế chuyên khoa vì vậy cần có trang thiết bị y tế đầy đủ hiện đại, cộng với đội ngũ y bác sĩ với tinh thần cao độ, bao dung để góp vào thêm những liệu pháp điều trị cho bệnh nhân. Từ đó làm “mềm hóa” những hình thái bệnh tật “hiện đại” do cuộc sống nhiều áp lực tạo ra...

Bài, ảnh: HỒNG NHUNG- MINH THÁI