NGÀY PHÒNG CHỐNG ĐÁI THÁO ĐƯỜNG THẾ GIỚI (14/11)

Sống lành mạnh để phòng tránh đái tháo đường

Cập nhật, 06:46, Thứ Sáu, 14/11/2014 (GMT+7)


Năng tập thể dục, chơi thể thao hay các trò chơi vận động để “né” bệnh đái tháo đường. Ảnh: VINH HIỂN

Tài liệu y khoa khẳng định, có rất nhiều nguyên nhân, yếu tố phức tạp gây ra bệnh đái tháo đường (ĐTĐ), nhưng phần lớn người mắc ĐTĐ là do thừa cân, bị béo phì và ít hoạt động thể lực.

ĐTĐ có thể do sống tĩnh tại, thừa cân, béo phì...

Tại buổi gặp mặt báo chí nhân ngày “Phòng chống ĐTĐ Thế giới (14/11) năm 2014”, Bộ Y tế cho biết, theo kết quả điều tra dịch tễ học bệnh ĐTĐ trên cả nước năm 2012 do Bệnh viện Nội tiết Trung ương tiến hành, tỷ lệ mắc ĐTĐ ở người trưởng thành là 5,42%, tỷ lệ ĐTĐ chưa được chẩn đoán trong cộng đồng là 63,6%. Chia theo nhóm tuổi, tỷ lệ mắc ĐTĐ: 1,7% (30- 39 tuổi); 3,7% (40- 49 tuổi); 7,5% (50- 59 tuổi); 9,9% (60- 69 tuổi).

Chia sẻ về việc hiện nay bệnh ĐTĐ được cho có xu hướng ngày càng trẻ hóa, bác sĩ Hồ Bích Thủy- Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu tích cực và chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long- cho hay một số người trẻ với lối sống hiện đại, tĩnh tại (ít vận động) nhiều,... khiến nguy cơ đối tượng mắc ĐTĐ ngày càng trẻ hóa.

Trẻ hóa và phần lớn đối tượng mắc ĐTĐ là còn có nguyên nhân do rối loạn chuyển hóa mỡ, tăng huyết áp, nghiện rượu,... và một phần là do di truyền.

Theo bác sĩ, trong đó đáng nói là tác động của việc nghiện rượu, bia đối với ĐTĐ. Bởi nói một cách đơn giản, một khi nghiện rượu, bia, người đó sẽ có nguy cơ dẫn đến viêm tụy; từ đó dễ dẫn đến rối loạn chuyển hóa đường trong cơ thể (tiền ĐTĐ) và nguy cơ mắc ĐTĐ.

Tài liệu y khoa khẳng định, có rất nhiều nguyên nhân, yếu tố phức tạp gây ra bệnh ĐTĐ, nhưng phần lớn người mắc ĐTĐ là do thừa cân, bị béo phì và ít hoạt động thể lực.

Có thể chia bệnh ĐTĐ thành: ĐTĐ tuýp 1 và ĐTĐ tuýp 2. ĐTĐ tuýp 1 có thể diễn biến rầm rộ hơn với biểu hiện ăn nhiều, uống nhiều, tiểu nhiều, sụt cân nhanh. ĐTĐ tuýp 2 được cho chiếm khoảng 80% trong số người bệnh ĐTĐ hiện nay, thường có biểu hiện âm thầm cho đến khi đi khám phát hiện.

Áp dụng đúng, đủ các giải pháp để phòng tránh ĐTĐ

Cần áp dụng đúng, đủ 3 giải pháp theo khuyến cáo của bác sĩ chuyên khoa để phòng tránh tốt bệnh ĐTĐ, nhất là người mắc ĐTĐ tuýp 2.

“Có chế độ ăn, uống phù hợp (ăn ít chất béo, hạn chế ăn thức ăn nhanh, hạn chế khẩu phần ăn có nhiều tinh bột, tăng ăn rau củ quả, nấu ăn bỏ ít đường, hạn chế đồ uống đóng lon, hộp có đường; thực hiện giảm cân nếu là người béo phì, hạn chế ăn các loại ngũ tạng động vật cũng như ăn mặn...); siêng tập thể dục (đi, chạy bộ vừa sức, đạp xe đạp); cuối cùng là dùng thuốc điều trị”- bác sĩ Hồ Bích Thủy chia sẻ về 3 giải pháp phòng tránh ĐTĐ nói trên.

Bác sĩ lưu ý thêm, ngoài ĐTĐ tuýp 1 hầu như bắt buộc sử dụng thuốc insulin cho người bệnh, thì ĐTĐ tuýp 2 cho đến khi điều trị bằng thuốc, người bệnh phải tuân theo hướng dẫn và giám sát của bác sĩ chuyên khoa.


Bác sĩ đang thăm khám cho bệnh nhân cao tuổi mắc bệnh ĐTĐ.
Ảnh: MINH THÁI

Bác sĩ điều trị Nguyễn Thanh Bình, thuộc Khoa Nội- Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long- cho rằng bệnh nhân khi vào điều trị nội trú ĐTĐ với biến chứng kèm theo bệnh cảnh đã có rất cần tuân thủ chế độ sinh hoạt và dùng thuốc theo phác đồ điều trị. Nếu tuân thủ tốt việc điều trị, sẽ làm chậm lại quá trình xảy ra biến chứng do bệnh ĐTĐ.

ĐTĐ và kèm theo bệnh cảnh nặng (đã sẵn có ở người bệnh) có thể gây ra các biến chứng: suy thận, tai biến mạch máu não (nhồi máu não, xuất huyết não), nhồi máu cơ tim, tăng huyết áp, loét chân,...

Bác sĩ cũng nói là việc giữ sạch bàn chân khi bị mắc ĐTĐ liên quan đến biến chứng mạch máu to/nhỏ. Thực tế đã xảy ra việc bệnh nhân phải cắt cụt chân do biến chứng loét chân từ ĐTĐ.

Bác sĩ cho rằng, hàng ngày người dân nên theo dõi các phương tiện thông tin để nâng cao nhận thức về bảo vệ sức khỏe, phòng ngừa tốt bệnh tật nói chung, trong đó có ĐTĐ. Bởi trong rất nhiều nguyên nhân, bệnh lý này hình thành từ một phần nguyên nhân ăn uống, vận động và “chuyển động của đời sống sinh hoạt hàng ngày”.

DĨ HIÊN