HỘI CHỨNG RUỘT KÍCH THÍCH

Không nguy hiểm nhưng chớ xem thường

Cập nhật, 12:51, Thứ Sáu, 29/08/2014 (GMT+7)


Điều chỉnh chế độ ăn uống khoa học, uống nhiều nước, thường xuyên vận động, sống lạc quan để giảm căng thẳng là biện pháp phòng và điều trị HCRKT hiệu quả. Ảnh: Internet

Theo bác sĩ chuyên khoa II Lê Thanh Đức- Phó Khoa Nội tim mạch (Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Long): Hội chứng ruột kích thích (HCRKT) là bệnh tương đối phổ biến trên thế giới, là tình trạng rối loạn chức năng đường tiêu hóa không kèm theo rối loạn về cấu trúc và sinh hóa.
 
Đây là một rối loạn thường xuyên tái phát, gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Vì vậy, trong điều trị dễ làm nản lòng cả bệnh nhân và thầy thuốc. Đặc biệt, giới văn phòng ngồi nhiều, ít vận động, công việc căng thẳng thì dễ mắc bệnh này.

Đau bụng quặn thắt từng cơn

Chị Hạ Nhi (Phường 2- TP Vĩnh Long) thường xuyên bị đau bụng ở vùng hạ vị, tập trung ở vùng dưới rốn. Đau âm âm, có khi quặn thắt đau nhói từng cơn. Mỗi lần như vậy chị đi đại tiện thì cơn đau dịu lại nhưng cảm giác đau âm ỉ rất khó chịu.

Chị đi siêu âm tổng quát vùng bụng thì được bác sĩ chẩn đoán bình thường, do ăn khó tiêu nên bị đau bụng. Dù uống thuốc nhưng tình trạng đau bụng từng cơn vẫn còn, chị đến bác sĩ chuyên khoa khám thì được bác sĩ nói mình bị HCRKT.

“Hơn tuần nay tôi ăn sáng xong thấy khó chịu vùng bụng, phải đi đại tiện xong bụng mới ổn. Tôi thấy vậy không ổn, đi khám thì biết bệnh HCRKT. Bác sĩ nói bệnh này làm việc stress quá cũng ảnh hưởng, điều trị phải kéo dài 3 tháng.

Công việc thường xuyên căng thẳng với lại đi công tác xa nên tôi ráng trị, chứ bụng đau hoài khó làm gì được”- chị Nam An (Phường 9- TP Vĩnh Long) cho biết.

Ngoài triệu chứng đau quặn bụng, một số bệnh nhân cũng hay bị tiêu chảy, phân lỏng như nước hoặc phân sền sệt. Một số trường hợp đi đại tiện vài lần trong ngày, mỗi lần đi đại tiện không hết phân và vừa đi đại tiện xong lại muốn đi tiếp.
 
Song, có một số trường hợp bị táo bón thường xuyên, có một số trường hợp thỉnh thoảng bị tiêu chảy từng lúc xen kẽ với táo bón.

Điều trị bệnh HCRKT

Bác sĩ chuyên khoa II Lê Thanh Đức cho rằng, HCRKT có liên quan rất nhiều đến yếu tố tâm lý, thần kinh. Khi bị căng thẳng, stress hoặc buồn lo quá mức, thường làm cho triệu chứng khởi phát hoặc tăng lên rất nhiều.

Muốn điều trị bệnh, cần chú ý đến việc bình ổn về tâm lý, phải biết trấn an và tập kiểm soát, kiềm chế bớt các cảm xúc, nghỉ ngơi thư giãn, đồng thời phải uống thêm các thuốc giải lo âu, chống trầm cảm (nếu cần) kết hợp với các thuốc giảm co thắt ở ruột theo sự chỉ định của bác sĩ chuyên khoa thì mới giải quyết triệt để được bệnh.

Đồng thời, cần thay chế độ ăn để điều trị cho bệnh nhân tiêu chảy, đau bụng, trướng bụng và đầy hơi sẽ đáp ứng hiệu quả từ 50- 70%. Tránh các kích thích trên đường tiêu hóa (tránh ăn những thức ăn mà hệ tiêu hóa nhạy cảm như cà phê, sữa, bia rượu, thức ăn cay, nhiều dầu mỡ,...).

Song song đó, bệnh nhân cần có chế độ làm việc điều độ, cố gắng tạo được giấc ngủ sâu, ngủ đủ, tránh lo âu, căng thẳng... Mọi người cần tăng cường vận động, tạo một cuộc sống nhẹ nhàng, thanh thản, luyện tập thói quen đại tiện mỗi ngày một lần, tập khí công, yoga cùng với các phương pháp thư giãn... cũng góp phần đáng kể vào việc phòng bệnh và làm giảm các triệu chứng của bệnh HCRKT.

Theo các bác sĩ chuyên khoa ghi nhận có 1 số yếu tố được xem là các tác nhân gây kích thích trên đường tiêu hóa, cụ thể là ở ruột dẫn đến các rối loạn tiêu hóa, chẳng hạn như thức ăn, tâm lý, nhiễm trùng và có khi liên quan đến sự thay đổi về cảm nhận đau và tùy thuộc vào yếu tố di truyền.

Việc điều trị chủ yếu là điều trị triệu chứng và thay đổi các lối sống, nếp sinh hoạt sao cho phù hợp để hạn chế bớt các triệu chứng xảy ra.

Nghiên cứu thống kê cho thấy, trong số những người bị đau quặn bụng thì có khoảng 50% bị HCRKT. Hội chứng này tuy không nguy hiểm nhưng thường xuyên làm ảnh hưởng đến sinh hoạt thường ngày và gây khó khăn cho đời sống của bệnh nhân.

THÚY QUYÊN