Vẫn tiếp tục tiêm vaccine viêm gan B

Cập nhật, 06:45, Thứ Sáu, 26/07/2013 (GMT+7)

Vẫn tiếp tục tiêm vaccine viêm gan B cho trẻ sơ sinh theo lịch trong Dự án Tiêm chủng mở rộng để phòng bệnh cho trẻ và cộng đồng. Quyết định này của Bộ Y tế phát đi chiều 24/7 sau cuộc họp với Hội đồng tư vấn sử dụng vaccine, sinh phẩm y tế...


Tiêm vaccine viêm gan B cho trẻ sơ sinh tại BVĐK tỉnh Vĩnh Long (chụp tại phòng tiêm của Khoa Sản, chiều 25/7).

Sở Y tế Vĩnh Long cũng đã có công văn chỉ đạo các bệnh viện, các đơn vị trực thuộc thực hiện vấn đề này. Một trong nhiều nội dung được nêu là nghiêm cấm việc lợi dụng xảy ra sự cố sau tiêm 2 lô vaccine viêm gan B 020812E và 030812E (xảy ra tại huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị), để không tiếp tục tổ chức duy trì tiêm vaccine viêm gan B cho trẻ sơ sinh, làm ảnh hưởng chỉ tiêu kế hoạch Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia của địa phương...

Mũi tiêm ngừa quan trọng

Theo Sở Y tế, các đơn vị vẫn tiếp tục duy trì tiêm vaccine viêm gan B với các lô vaccine viêm gan B khác được sử dụng theo quy trình đã quy định trong Chương trình Tiêm chủng quốc gia.

Cụ thể: theo dõi chỉ số Apgar của bé từ 8 điểm trở lên, theo dõi 8-12h bé khỏe mạnh bình thường, khám không có chống chỉ định, sau tiêm theo dõi trẻ 30 phút tại phòng tiêm, dặn người nhà theo dõi trẻ 24h nếu có bất thường đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để y- bác sĩ chăm sóc.

Ngày 23/7, báo cáo của Trung tâm Y tế dự phòng Vĩnh Long: lô vaccine viêm gan B 020812E do Công ty Vaccine và Sinh phẩm số 1 sản xuất được trung tâm nhận 5.000 liều ngày 16/1/2013 (hạn sử dụng 1/7/2015).

Trong tổng số này, đã cấp cho các đơn vị trực thuộc, các bệnh viện là 2.790 liều, trong đó BVĐK tỉnh Vĩnh Long nhận 1.400 liều. Đến hiện tại, tổng liều vaccine thuộc lô này còn tồn kho là 3.265 liều, trong đó chủ yếu là tồn ở Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh 2.210 liều.

Với lô vaccine viêm gan B 030812E, trung tâm đã nhận 1.500 liều ngày 13/3/2013 (hạn sử dụng và nơi sản xuất như lô vaccine trên kia), và tổng số liều vaccine của lô này cũng đã cấp hết cho BVĐK tỉnh Vĩnh Long.

Với 2.900 liều cấp về BVĐK tỉnh Vĩnh Long, BVĐK tỉnh Vĩnh Long cho hay, đã sử dụng hết 2 lô vaccine đó và không có sự cố nào xảy ra.


Cán bộ Khoa Sản bệnh viện tỉnh tư vấn cho phụ huynh có trẻ sơ sinh trước khi tiêm ngừa viêm gan B và lao.

Với số liều còn lại, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Vĩnh Long hiện đã thông báo cho trung tâm y tế các địa phương ngưng sử dụng các lô vaccine trên và bảo quản theo nhiệt độ quy định 2- 80C ở kho.

Hiện ngành y tế dự phòng còn 1.000 liều vaccine viêm gan B lô 010213E (hạn sử dụng 1/1/2016) và 490 liều vaccine viêm gan B lô 010212E (hạn sử dụng 1/1/2015) và sẽ tiếp tục cấp theo nhu cầu của các địa phương.

Khoa Sản BVĐK tỉnh Vĩnh Long hiện đang sử dụng vaccine viêm gan B lô 010212E tiêm cho trẻ sơ sinh. “Chúng tôi còn 235 liều vaccine viêm gan B lô 010212E và sẽ tiêm lại cho trẻ sơ sinh bình thường từ chiều 25/7”- bác sĩ Nguyễn Thanh Vân, Trưởng khoa Sản bệnh viện, cho biết.
 
Theo bác sĩ Nguyễn Thanh Vân, khoa Sản bình quân mỗi ngày tiêm cho khoảng 15 trẻ sơ sinh và thực hiện tiêm trong vòng sau 6 giờ sau khi sinh đến trước 24 giờ sau khi sinh.

Ghi nhận tại Khoa Sản chiều 25/7, hầu hết người nhà bệnh nhân sẵn sàng cho việc tiêm vaccine viêm gan B và vaccine ngừa lao cho trẻ sơ sinh trong điều kiện đảm bảo quy trình tiêm chủng. Theo bác sĩ Khoa Sản, mũi tiêm vaccine viêm gan B sơ sinh rất quan trọng cho trẻ, tạo đề kháng tốt để phòng tránh các bệnh về gan sau này. Các mũi tiêm sau đó để củng cố kháng thể cho trẻ.

Nâng tỷ lệ tiêm chủng

Đến nay, toàn tỉnh Vĩnh Long đã triển khai được 8 loại vaccine miễn phí cho trẻ em trong chương trình tiêm chủng mở rộng thường xuyên gồm: lao, viêm gan B, bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, sởi, Hib.

Theo Chương trình tiêm chủng mở rộng trên địa bàn tỉnh, lịch tiêm chủng vaccine cụ thể như sau: sơ sinh (lao và viêm gan B), 2 tháng tuổi (bại liệt, bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm màng não mủ), 3 tháng tuổi và 4 tháng tuổi (tiêm tương tự như thời điểm 2 tháng tuổi), 9 tháng tuổi (sởi), 18 tháng tuổi (sởi 2, bạch hầu, ho gà, uốn ván 4).


Đây là lọ vaccine ký hiệu 010212E, bệnh viện tỉnh đang tiêm cho trẻ sơ sinh trong vòng 24 giờ sau sinh.

Từ năm 2001, vaccine viêm gan B được triển khai thí điểm tại 4 địa phương: TP Vĩnh Long, Long Hồ, Mang Thít, Vũng Liêm. Năm 2002, đã triển khai đồng loạt trên toàn tỉnh đến nay.

Bảng tổng hợp kết quả tỷ lệ tiêm chủng theo từng năm về vaccine này từ năm 2001 đến năm 2011 thể hiện: trong các năm 2004, 2008 và 2009 tỷ lệ tiêm vaccine viêm gan B đều đạt 100%.

Cũng khung thời gian trên, tỷ lệ tiêm vaccine này đạt từ thấp nhất 52% đến cao nhất là 88,8%. Trên địa bàn tỉnh, đã có 9 ca mắc viêm gan B từ năm 2001 đến năm 2005 và từ 2006 đến nay không ghi nhận ca mắc.

Dù vậy, một trong các kinh nghiệm của dự án tiêm chủng mở rộng cả tỉnh được nêu: Bệnh viêm gan B nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng còn rất cao do nhiều yếu tố chưa kiểm soát đồng bộ và hiệu quả, việc hạ thấp tỷ lệ nhiễm, mắc trong cộng đồng còn nhiều thách thức. Vì vậy việc nâng tỷ lệ tiêm vaccine viêm gan B đầy đủ cho trẻ rất cần quan tâm chú trọng, đặc biệt là mũi tiêm trước 24 giờ sau sinh.

Bài, ảnh: MINH THÁI