"Cơm sôi nhỏ lửa"

Cập nhật, 16:33, Thứ Năm, 22/04/2021 (GMT+7)
Vợ chồng thấu hiểu tâm tính nhau, cảm thông, nhường nhịn để cuộc sống hôn nhân luôn hạnh phúc.Ảnh minh họa
Vợ chồng thấu hiểu tâm tính nhau, cảm thông, nhường nhịn để cuộc sống hôn nhân luôn hạnh phúc.Ảnh minh họa

Trong tình yêu và cuộc sống hôn nhân có rất nhiều cung bậc cảm xúc. Nóng nảy có thể là một trong những nguyên nhân phá vỡ hạnh phúc nếu người trong cuộc không có thiện chí xây dựng.

Quen nhau được hơn 1 năm, L.N. nhận thấy rõ ràng bản tính nóng nảy của bạn trai. Anh là người rất thương và lo lắng chu đáo cho L.N. nhưng khuyết điểm của anh chính là nóng tính. Thời gian đầu quen nhau, L.N. nhiều lần cảm thấy sốc, lo sợ và tự ái giận hờn nhau. Sau những cơn nóng nảy rồi thì bạn trai vẫn là người phải đi dỗ dành L.N. Nhưng giờ đây khi 2 người tính đến chuyện chung nhà thì L.N. có vẻ hơi ngán ngại.

Cô đem vấn đề này nói với mẹ mình thì được mẹ khuyên rằng, cái gì cũng có cách giải quyết ổn thỏa tùy vào tình cảm có sâu đậm hay không thôi. Và bà đã chỉ cho L.N. thấy trường hợp của người dì và dượng của cô. Ông dượng cũng là một người rất nóng tánh, nhiều lần gây gổ lớn tiếng đến đập phá đồ đạc trong nhà, mọi người ai cũng ái ngại cho người dì. Nhưng với tình yêu và sự thấu hiểu nhau đến tận cùng, cộng với cách cư xử khéo léo và tâm lý của người vợ, họ vẫn sống với nhau hạnh phúc, tìm thấy được những điểm tốt của nhau để tiếp tục bước chung đường, rồi dần dần người dượng ấy cũng giảm bớt nóng nảy để yêu thương chăm sóc gia đình. Theo lời của mẹ nói thì L.N. cảm thấy không phải dễ dàng để làm được điều đó, nếu muốn chung sống trăm năm với người tánh nóng thì cô phải học cách nhẫn nhịn, học cách “nhỏ lửa lại” khi “cơm sôi”.

Là con người ai cũng có lúc tức giận, đặc biệt là đàn ông. Với bản tính mạnh mẽ, cái tôi cá nhân cao, sự nóng giận của họ còn đáng sợ hơn gấp bội. Cộng thêm áp lực trong công việc và xã hội khiến họ cảm thấy mệt mỏi, tính tình cũng đổi thay, khó kiểm soát hơn trong hành động và lời nói. Người có bản tánh trầm lặng, hiền từ thì họ kiểm soát được những căng thẳng, nhưng có người khó kiềm chế được thì xảy ra những chuyện không hay, sau khi cơn nóng giận hạ nhiệt là sự tiếc nuối và hối hận.

Người phụ nữ bên cạnh có vai trò rất quan trọng, gia đình có giữ lửa được hay không là do sự “ứng phó” của chị em. Trong nhiều trường hợp, cách phản ứng của các bà vợ là xẵng giọng, đáp trả cực gắt hoặc thậm chí cãi nhau tay đôi. Nó như mồi lửa thổi bùng sự giận dữ nơi người chồng, trường hợp xấu có thể dẫn đến đánh nhau hoặc đôi bên chửi bới thậm tệ. Khi nóng giận, những lời nói tuông ra có sức ảnh hưởng đáng sợ, nó làm tổn thương những người thân yêu bên cạnh mà không cứu vãn được.

Sự nhẫn nhịn luôn là một bài học ứng xử trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống. Nó đặc biệt có ý nghĩa trong những tình huống làm nên hạnh phúc mái ấm gia đình. Ngay khi nhận thấy chồng có vẻ khó chịu, nóng giận, người vợ cần phải “điều hòa nhiệt độ” lại. Họ nhẹ nhàng, nhún nhường, bình tĩnh tìm cách gỡ, chứ tuyệt đối không phải chịu nhẫn nhục để bị mắng chửi thậm chí là bị đánh mà vẫn chịu đựng. Đó không chỉ là một thái độ mà là một bản lĩnh. Ngay những lúc ấy, người vợ cũng có thể im lặng đợi chồng hạ nhiệt, sau đó chọn thời điểm thích hợp dùng những lời lẽ dịu dàng, gợi mở để tạo cơ hội cho chồng nói ra những gì anh ấy đang suy nghĩ, làm dịu đi bao nỗi bất bình và sự nóng giận trong anh ấy.

“Lạt mềm buộc chặt”, sau những cơn nóng nảy của chồng thì một người vợ khéo léo vẫn nắm thế chủ động, nói gì chồng nghe nấy.

Bởi vậy, trong bất luận hoàn cảnh nào, giữ im lặng, chia sẻ và nói sao cho đúng lúc là cả một nghệ thuật trong giao tiếp. Sự hòa thuận không dành cho những ai thích lý sự, hiếu thắng, càng không có chỗ cho những ai “hổ báo”. Thay vì “đá thúng đụng nia” các bà vợ nên giữ sự bình tĩnh. Khi chồng đã nóng thì vợ phải kiềm chế, phải tìm cách giảm sự bực tức nơi người chồng, dù có đang mệt mỏi. Tất cả những sự cố gắng này của người vợ sẽ tạo nên một bầu không khí dễ chịu, thoải mái hơn trong gia đình và phần nào giảm bớt sự ngột ngạt cũng như những căng thẳng đáng tiếc có thể xảy ra. Đó mới là cách xử lý thông minh và khôn ngoan.

Một vài lời nói động viên, vài lời khuyên hữu ích, sự phân tích nhẹ nhàng hợp lý, thậm chí chỉ là một cái ôm đầy xúc cảm cũng được coi là phương thức hữu hiệu giảm bớt sự giận dữ của chồng. Một người vợ lý tưởng khi là hậu phương vững chắc cho chồng, hiểu được tính cách và công việc của chồng.

Do đó, tùy từng trường hợp xảy ra mà người vợ có cách ứng phó cho phù hợp và êm thấm. Nghệ thuật giữ lửa hôn nhân rất quan trọng mà phái đẹp cần học hỏi để luôn mang đến cuộc sống ấm êm, hạnh phúc.

Bài, ảnh: LAM NGỌC