Sui gia cách trở

Cập nhật, 06:11, Thứ Năm, 25/07/2019 (GMT+7)

Cưới dâu, gả con, ai cũng muốn cưới, gả gần nhưng mấy ai tính được chữ “duyên nợ”, vẫn rất nhiều trường hợp “Yêu nhau mấy núi cũng trèo, mấy sông cũng lội…”

Khoảng cách địa lý, bất đồng vùng miền không phải là yếu tố cản trở hôn nhân hạnh phúc.Ảnh minh họa
Khoảng cách địa lý, bất đồng vùng miền không phải là yếu tố cản trở hôn nhân hạnh phúc.Ảnh minh họa

Đã hơn 1 tuần kể từ ngày đám cưới bé Vy hàng xóm. Nhớ ngày bé Vy đang học năm cuối ĐH ở TP Hồ Chí Minh, khi đưa bạn trai về ra mắt gia đình, thì vợ chồng chú H.L. đã thấy ngán ngại, bởi vì nhà chú ở An Giang, còn nhà trai thì tận Bình Định.

Chỉ nghĩ đến cảnh sau này cưới hỏi, đưa dâu, rồi nhớ con muốn thăm con là phải trải qua bao nhiêu là xa xôi, chú ngán ngẫm. Lúc đó, chú phản đối, phân tích cho con nghe những vấn đề khó khăn, về phong tục, nếp sống...

“Gia đình chúng tôi ở miền Tây sông nước và quen với lối sống phong tục của người miền Tây. Khi con gái yêu và quyết lấy chồng miền Trung, tôi rất ái ngại và lo lắng, nhất là bất đồng về quan điểm, thói quen sinh hoạt và giọng nói cũng rất khó nghe, sợ sui gia không có tiếng nói chung.

Con gái tôi lại không phải giỏi giang tề gia nội trợ gì, sợ về làm dâu lỡ có chuyện gì mình không ở gần để chia sẻ, phụ giúp con”- chú H.L. chia sẻ.

Nhưng cuối cùng vì tình yêu của đôi trẻ mà vợ chồng chú cũng phải gật đầu. Khi đến gần kề ngày cưới thì cũng gặp rất nhiều khó khăn như đám cưới xa nên tổ chức hơi tốn kém, khó nhọc hơn, nhất là dàn đưa dâu chưa quá 5 người, khiến cô dâu trẻ buồn tủi.

Ông bà ta có câu “anh em mỗi ngày một xa, sui gia mỗi ngày một gần”. Mối quan hệ sui gia “gần” hay “xa” không tùy thuộc vào khoảng cách mà là tùy thuộc vào tình cảm và cách cư xử của những người trong cuộc.

Dù thông gia có ở cách nhau hàng ngàn cây số cũng chẳng ngại gì một khi tấm lòng vẫn gần nhau. Xã hội hiện đại, có đường cao tốc, đường bay mở ra ngày càng nhiều, nối gần hai nơi tưởng chừng rất xa nhau.

Còn nữa đây là thời đại của internet, hai bên thông gia muốn trò chuyện thăm hỏi lẫn nhau thì có ngay hàng loạt những kết nối có thể nhìn thấy rõ mặt từng thành viên.

Vì thế thông gia thời nay dù có ở hai nước khác nhau thì vẫn có thể giao lưu gặp mặt nhau như hàng xóm thường ngày.

Không những thế thông gia ở cách xa nhau nhiều khi lại tránh được những xích mích không đáng có. Điều thú vị khi hai thông gia ở xa cách nhau đó là sự khác nhau về vùng miền, hai bên gia đình có thêm “một nhà” nữa để mỗi khi rảnh rỗi có thể ra thăm con tiện thể đi du lịch, thăm hỏi thông gia, con cháu,

thăm thú những phong cảnh đẹp, thay đổi khí hậu, được thưởng thức những món ngon vùng miền; rồi mỗi khi thông gia ra vào thăm nhau lại được dịp tận hưởng những đặc sản được nhà sui làm quà biếu.

Tuy xa cách về địa lý nhưng nếu tình cảm luôn hướng về nhau thì mối giao tình giữa hai bên không có lý do gì lại không thắm thiết. Nếu thông gia ở gần mà luôn xét nét, không thông cảm, cứ chấp nhặt, bắt bẻ lẫn nhau thì cũng không thể nào qua lại bền chặt.

Xa xôi cách trở mà biết cảm thông, thấu hiểu, chia sẻ thì mối quan hệ càng trở nên gần gũi, gắn bó. Nhất là khi cha mẹ hai bên đặt hạnh phúc của các con lên trên hết, biết thấu hiếu và khoan dung với nhau thì khoảng cách địa lý sẽ là càng xa càng nhớ, càng xa càng thương.

“Thấy con hạnh phúc, ngại gì cách trở”- là câu nói đầy mãn nguyện của chú H.L. sau ngày đưa con gái về nhà chồng tận ngoài Bình Định.

Chuyên gia tư vấn hôn nhân gia đình cho rằng, trong thời buổi hiện đại, hôn nhân xa cách ngàn dặm, thậm chí là xuyên biên giới ngày càng nhiều. Vì vậy không thể lấy lý do khoảng cách địa lý cách trở, ngôn ngữ, văn hóa khác nhau để sui gia không thể hiểu nhau.

Với sự thấu hiểu, sẻ chia, bao dung và nhất là vì con cái mình mà phải có thành tâm để dẹp bỏ cái tôi, dẹp bỏ hết mọi rào cản tìm hiểu nhau về lối sống, tính cách, quan điểm để có cách ứng xử và hòa hợp cho tốt.

Sui gia mỗi bên cũng phải mở lòng đón nhận một cách chân tình giúp người bạn đời của con mình hòa nhập với gia đình mới. Nên nghĩ rằng cả hai bên đều có một mục tiêu chung đó là vun đắp cho hạnh phúc của con cái.

Bài, ảnh: ĐĂNG KHÔI