Sau đổ vỡ

Cập nhật, 06:50, Thứ Năm, 04/07/2019 (GMT+7)

 

Cuộc sống luôn thú vị và đáng sống nếu biết vượt qua nỗi bất hạnh và thay đổi để sống tốt hơn.  Ảnh minh họa
Cuộc sống luôn thú vị và đáng sống nếu biết vượt qua nỗi bất hạnh và thay đổi để sống tốt hơn. Ảnh minh họa

Sau ly hôn, có người nhanh chóng vượt qua sóng gió tìm được hạnh phúc mới, có người âm thầm lặng lẽ nếm nỗi đau và đóng cửa lòng, lại có người như rơi vào trầm cảm. Vực dậy sau đổ vỡ không dễ dàng bởi không phải ai cũng đủ mạnh mẽ để đối diện với thất bại trong hôn nhân.

Người phụ nữ sau ly hôn phải đối mặt với nhiều vấn đề như tài chính, nuôi dưỡng con cái và danh dự gia đình. Thông thường, họ là phái chịu đựng giỏi, cam chịu để gìn giữ gia đình nhưng khi đã quyết định ly hôn thì dĩ nhiên mâu thuẫn đã không thể giải quyết, họ đã hết sức chịu đựng, nhất là khi bị người chồng phản bội.

Như trường hợp chị M.D. (40 tuổi), biết chồng có tính trăng hoa, chị đã từng tha thứ vì 2 con, nhưng khi anh ta ngoại tình lộ liễu đến mức không thể chịu đựng nữa, chị quyết định ly hôn và giành quyền nuôi con. Sau ly hôn, chị và 2 con dọn về nhà cha mẹ sống, nhờ có ông bà ngoại an ủi, lo lắng, cận kề chăm sóc cháu nên chị cũng đỡ phần nào.

Nhưng gần một năm rồi, chị vẫn chưa thể lấy lại tinh thần phấn chấn, ngoài giờ làm chị về nhà với con, sinh hoạt trong ngày một cách mệt mỏi và ít khi trò chuyện dạy dỗ con như trước đây. Chị vẫn rất buồn và mất niềm tin vào cuộc sống. Chị tâm sự rằng “nếu không có cha mẹ và 2 đứa con thì chắc chị trầm cảm mất, giờ nghe nói tới chữ “đàn ông” là thấy sợ”.

Không chỉ phụ nữ mà đàn ông sau đổ vỡ hôn nhân cũng gặp những bất ổn không kém. Anh M.T. là người hiền lành, yêu vợ thương con nhưng lại gặp phải cô vợ quá quắt, xem thường và bắt nạt anh suốt ngày lại còn hỗn hào, gây gổ với cả mẹ chồng khiến cuộc sống gia đình không thể cứu vãn.

Sau khi ly hôn, anh thay đổi như một người khác. Anh không còn vui vẻ, hay cười như trước, suốt ngày đi làm về là anh nhốt mình trong nhà, không muốn tiếp xúc với ai. Với những người hàng xóm quanh nhà, anh cũng không còn chào hỏi trò chuyện vui vẻ như trước. Ở công ty, anh cũng lầm lũi làm hết việc thì thôi, ngay cả con trai còn nhỏ anh cũng phó thác cho mẹ mình chăm sóc.

Không phải ai sau khi ly hôn cũng dễ dàng vượt qua, nhiều người thường thu hẹp cuộc sống của mình lại, không gặp gỡ, tiếp xúc với ai vì sợ mọi người chê cười, dị nghị. Điều này rất dễ dẫn đến những suy nghĩ và hành động tiêu cực gây hại cho bản thân. Nếu cuộc sống lứa đôi không mang lại hạnh phúc như mong muốn thì chia tay là một giải pháp.

Tuy nhiên, hậu ly hôn không tránh khỏi cảm giác hụt hẫng, chông chênh. Vì thế để ổn định tâm lý, vực dậy niềm tin sau những gì đã xảy ra, cả người đàn ông và phụ nữ phải thay đổi cách nhìn và có thái độ sống tích cực hơn, học cách buông bỏ quá khứ, cân bằng lại cuộc sống hiện tại sẽ thấy cuộc đời đáng sống và có ý nghĩa hơn.

Trước hết, hãy chấp nhận rằng bản thân đã ly hôn. Đừng cố kìm nén những cảm xúc trong lòng. Nếu quá buồn hoặc đau khổ thì hãy khóc lóc, kể lể với mọi người xung quanh. Đây là những phản ứng tất yếu và trong nhiều trường hợp nó cần thiết để bạn xả bớt sự giận dữ, bực dọc, khó chịu. 

Việc quan trọng nhất để lấy lại thăng bằng trong cuộc sống là dành thời gian chăm sóc bản thân hơn, tập trung cho công việc, hoàn thành những ước mơ đang dang dở, chăm sóc cha mẹ, con cái, đi du lịch, gặp gỡ bạn bè để những cảm giác tiêu cực sẽ nhanh qua, thời gian sẽ làm xóa mờ tất cả. Nếu đã cố gắng vẫn không thoát ra được cảm giác buồn chán thì nên tìm đến bác sĩ tâm lý để nhận được lời khuyên và sự hỗ trợ tốt nhất.

Sau ly hôn, dù người trong cuộc biết cách buông bỏ quá khứ và yêu bản thân mình hơn nhưng vết thương lòng chưa lành hẳn sẽ khiến họ như con chim gãy cánh sợ cành cong. Trong hành trình cuộc sống, mỗi trải nghiệm là một bài học và dù nếm vị đắng cay, ngậm ngùi nhưng nó giúp ta trưởng thành hơn, vững vàng hơn. Đừng vội tìm kiếm tình yêu mới.

Một tình yêu thật sự sẽ chờ đợi cho đến khi bạn sẵn sàng cho một mối quan hệ khác. Nếu may mắn gặp được người tốt yêu thương thật lòng thì hãy suy nghĩ thật kỹ, rút kinh nghiệm lần thất bại vừa qua để suy xét và quan trọng là lắng nghe trái tim mình để quyết định đúng đắn nhất.

Chuyên gia hôn nhân gia đình cho rằng, ngày nay, chuyện tái hôn sớm không còn bị xã hội nhìn nhận quá khắt khe. Tuy nhiên vấn đề không ở chỗ là tái hôn sớm hay muộn mà là cần biết rút ra kinh nghiệm của lần thất bại trước để tìm thấy hạnh phúc thật sự trong cuộc hôn nhân sau.

Người ta hay nói “đi bước nữa” là làm lại cuộc đời nhưng có lẽ chỉ nên coi như kết thúc một chặng đường đời để bước vào đoạn đường tiếp theo. Người đã ly hôn hoàn toàn có thể tìm thấy hạnh phúc một lần nữa và với kinh nghiệm của lần đầu, họ có nhiều hy vọng để thành công hơn.

Bài, ảnh: ĐĂNG KHÔI