Khi đàn ông "tám" chuyện

Cập nhật, 16:32, Thứ Năm, 11/07/2019 (GMT+7)

Dân gian có câu “Hai người đàn bà và một con vịt sẽ trở thành một cái chợ”. Buôn chuyện luôn là đặc tính của phụ nữ, nhưng không phải đàn ông luôn “im lặng” đâu, họ cũng thích buôn chuyện lắm và có khi còn mang tính “sát thương” cao.

   Đàn ông hay phụ nữ đều có nhu cầu chia sẻ, trao đổi với nhau để hỗ trợ nhau và xả stress hiệu quả.  Ảnh minh họa
Đàn ông hay phụ nữ đều có nhu cầu chia sẻ, trao đổi với nhau để hỗ trợ nhau và xả stress hiệu quả. Ảnh minh họa

Vợ chồng chị M.T vừa mới cãi nhau một trận dữ dội cũng vì anh chồng đi làm về lôi vợ ra hạch sách, nói mỉa mai rằng chắc chị nhậu dữ lắm, tửu lượng cao lắm. Cãi qua lại thì chị mới biết rằng cũng vì cuộc tán chuyện lúc sáng của hội bạn cà phê, bạn nhậu của anh có người rôm rả nói rằng vừa rồi gặp chị đi cùng bạn ăn tiệc ở một nhà hàng, cả nhóm cụng bia “dzô dzô” dữ lắm.

“Vợ anh cũng chịu chơi thiệt”, chỉ câu đó thôi làm anh nổi nóng cả buổi, chỉ đợi hết giờ làm về để “hỏi tội” vợ. Thế là không biết sự vụ, sự việc như thế nào, thực chất chị có đúng như “lời méc lại” không, mà vợ chồng chị M.T có một cuộc cãi vã không hề nhẹ và rồi giận nhau hết mấy ngày.

Cũng giống như phụ nữ, các chàng có thể tốn hàng giờ để ngồi trò chuyện, tâm sự dù là bên bàn nhậu, trong công ty, ngoài quán nước, qua điện thoại hay chat trên Internet. Đàn ông ngồi với nhau, họ vui vẻ lắm, họ cũng không phải nói chuyện gì cao xa, vĩ mô gì nhiều, mà câu chuyện thường ngày của họ là nói chuyện bóng đá, bàn chuyện thời sự, nói về công việc, dự định làm ăn trong tương lai và phần nhiều cũng là chuyện của phái đẹp…

“Tám” chuyện không phải xấu, thậm chí nó có nhiều mặt tích cực của nó chẳng hạn như khi chia sẻ tin tức về sự thành công của một người nào đó để cùng nhau học hỏi hay chia sẻ, góp ý với nhau về một vấn đề nào đó đang gặp khó khăn, cần tham khảo ý kiến của nhiều người, thông tin cho nhau cập nhật những kiến thức mới trong xã hội...

Tuy nhiên, bên cạnh nhiều lợi ích, bạn cũng đừng quên là nó có nhiều tác hại nếu quá lạm dụng hành vi này, “tám” chuyện một cách tiêu cực, cố tình hay vô tư nói những chuyện ảnh hưởng không tốt đến người khác, gây mất đoàn kết.

Vì thế trước khi “nói” ta cần cân nhắc xem liệu việc này tạm thời có thể mang lại cảm giác thoải mái, vui vẻ cho mình nhưng có khiến một người nào đó gặp bất hạnh hay không. Những “lời qua tiếng lại” không hay có thể làm sứt mẻ tình cảm hàng xóm láng giềng, đồng nghiệp, làm tổn hại tình cảm của người khác, làm xói mòn niềm tin và tàn phá tình bạn.

“Buôn chuyện” còn là một cách xả stress rất hay, giúp các chàng giải tỏa những căng thẳng, bức xúc trong công việc hàng ngày hay những bức bối trong các mối quan hệ gia đình và xã hội.

Nếu những câu chuyện bàn luận chỉ dừng ở mức có giới hạn, tránh xâm nhập quá nhiều về những vấn đề riêng tư và góp ý với nhau một cách chân thành, có thiện ý xây dựng tốt đẹp thì những cuộc “tám” chuyện như thế thật hiệu quả biết bao.

Theo các chuyên gia tâm lý, cũng như phụ nữ, đàn ông cũng cần “tám” bởi đấng mày râu vẫn cần có nhu cầu để luận bàn, xả stress về những gì xảy ra quanh họ. Điều quan trọng là đừng để việc tán gẫu trở thành “chém gió, chém bão” một cách thái quá.

Nhất là lúc trò chuyện, do cao hứng lại thêu dệt câu chuyện vượt quá sự thật làm ảnh hưởng đến danh dự hoặc hạnh phúc của người khác. Vì thế, đàn ông hay phụ nữ cũng vậy, tụ hội bạn bè trao đổi, bàn luận với nhau một cách vui vẻ, theo chiều hướng tích cực sẽ mang đến hiệu quả tốt đẹp, còn ngược lại sớm muộn cũng sẽ ảnh hưởng đến các mối quan hệ. 

Bài, ảnh: ĐĂNG KHÔI