Khoảng lặng

Cập nhật, 05:55, Thứ Năm, 12/07/2018 (GMT+7)

Trong tình yêu hay trong hôn nhân đều có lúc bị “bão hòa”, đó là một “khoảng lặng” trong mối quan hệ tình cảm. “Khoảng lặng” này sẽ giúp ngọn lửa tình yêu bùng cháy hơn khi được nhóm lại hay lụi tàn dần thì tùy thuộc vào tình cảm và cách giải quyết vấn đề của người trong cuộc.

Vượt qua “khoảng lặng”, tình cảm sẽ bước vào giai đoạn bền vững hơn. Ảnh minh họa
Vượt qua “khoảng lặng”, tình cảm sẽ bước vào giai đoạn bền vững hơn. Ảnh minh họa

Nghe cô bạn thân tâm sự “hình như mình hết yêu chồng rồi, mọi thứ trải qua mỗi ngày như là một thói quen, một điều cần thiết. Mọi cảm xúc đều tan biến và mình cảm nhận chồng cũng thế”; tôi liền liên tưởng đến vài trường hợp tương tự.

Có nhiều trường hợp người trong cuộc vượt qua được để tìm lại hạnh phúc nhưng có những trường hợp đáng tiếc, dẫn đến tan vỡ hoặc sống như “2 người xa lạ” trong cùng mái nhà. Đó chính là một “khoảng lặng” mà có thể cuộc tình nào cũng gặp phải trong đời.

Đôi vợ chồng trẻ T.T và N.Q cũng thế, yêu nhanh cưới vội, có con sớm khi chưa hết tuổi ham chơi. Họ cũng rơi vào khoảng lặng đáng sợ khi chỉ mới 3 năm chung sống.

“Mọi thứ trở nên chán ngán với hàng tá những việc phải lo, nó giết chết mọi cảm xúc bên nhau”- N.Q chán nản tâm sự.

Còn T.T cũng không hơn không kém khi thường than thở với bạn bè về kiểu trái tính trái nết của cô vợ trẻ khi nàng không còn nhẹ nhàng, không còn nũng nịu âu yếm thậm chí quên luôn việc chăm sóc bản thân để giờ trở thành người phụ nữ luộm thuộm, luôn cáu gắt với chồng và không muốn gần gũi chồng.

Tình hình của họ căng thẳng khi chẳng ai muốn tìm hiểu vấn đề để tìm cách giải quyết. Kết quả của “khoảng lặng” này là anh chồng trẻ “say nắng” cô gái khác và họ đang trong giai đoạn ly thân.

Các đôi uyên ương vẫn thường nghe nói khoảng lặng trong tình yêu có vai trò làm chất xúc tác để 2 người trong cuộc hiểu nhau hơn.

Thế nhưng, không phải ai cũng đủ can đảm để chấp nhận khoảng thời gian này và tìm ra cách tốt nhất giải quyết vấn đề êm đẹp.

Một đôi vợ chồng ngoài 40 tuổi chia sẻ rằng họ cũng từng trải qua một khoảng lặng rất đáng sợ. Đó là một giai đoạn rất căng thẳng, ảnh hưởng khá lớn đến tinh thần và công việc.

Nhưng họ không để nó tồn tại lâu vì họ không muốn phá vỡ gia đình với 2 con đang tuổi trưởng thành, họ phải mang lại mái ấm hạnh phúc để làm gương cho con.

Thế là họ chịu khó cùng nhìn nhận vấn đề, xác định tình cảm của bản thân dành cho đối phương, có lúc còn nhờ đến sự tư vấn của người thân và bạn bè, cả hai chịu nhường nhịn nhau và bỏ bớt cái tôi của mình, tìm ra khuyết điểm của bản thân để khắc phục.

Họ cùng xin nghỉ phép tổ chức một chuyến du lịch dài ngày thật ấm cúng để thư giãn, tìm lại những kỷ niệm đẹp, tìm lại cảm xúc của tình yêu.

Cuối cùng họ cũng thành công và nhận ra rằng chính khoảng lặng này trong hôn nhân đã giúp họ cởi mở được nhiều gút mắc, hiểu nhau hơn và có thể chấp nhận mọi thứ của nhau cùng tiếp tục xây dựng hạnh phúc.

Trong tình yêu cũng thế, các đôi trẻ cũng có lúc cần một khoảng thời gian để nhìn nhận lại tình cảm, mối quan hệ của 2 người cũng như kế hoạch tương lai của mình.

Khoảng lặng trong tình yêu có thể mang lại những suy nghĩ trưởng thành hơn về tình cảm của nhau. Nếu như đôi bên thực sự yêu thương, cảm thấy cần nhau thì có thể cùng ngồi lại giải quyết những vấn đề tồn tại trong mối quan hệ để hướng tới tương lai.

Còn nếu đôi bên không chủ động, tích cực tìm cách giải quyết mà tình cảm rơi vào cảnh “nước chảy bèo trôi” thì nên dừng lại.

Tuy nhiên trong hôn nhân không đơn giản như thế, vì còn nhiều ràng buộc, khoảng lặng phải có hướng giải quyết tích cực hơn. Bởi nếu duy trì quá lâu, quá trình này rất dễ có tác dụng tiêu cực khó xây dựng lại tình cảm.

Chuyên gia tâm lý cho rằng, không có cuộc tình nào luôn bằng phẳng, êm đềm mà sẽ có lúc gặp khó khăn, trắc trở.

Chính những lúc đó mỗi người đều cần một không gian và thời gian riêng để suy nghĩ về mọi chuyện, nhìn nhận tình cảm của bản thân, xác định lại mối quan hệ và mức độ quan trọng của đối phương với cuộc sống của mình.

Nhất là trong hôn nhân, cả 2 người phải thật bình tĩnh, tích cực tìm hiểu nguyên nhân và chịu nhìn nhận vấn đề mâu thuẫn để tìm cách tháo gỡ.

Người trong cuộc phải hướng suy nghĩ đến những điều tốt đẹp có với nhau, những kỷ niệm thời yêu nhau và hiện tại là những trách nhiệm cùng nhau.

Quan trọng là tình cảm cho nhau, muốn “hâm nóng” lại tình cảm thì cũng có nhiều cách như đi du lịch riêng, tạo một bất ngờ trong ngày kỷ niệm hay một bữa tiệc lãng mạn thay đổi không khí.

Cách gì cũng được miễn có thành ý, đừng để rơi vào trạng thái “mặc kệ”, cứ để tình cảm ngày càng lụi tàn thì cuộc hôn nhân rất có nguy cơ tan vỡ. Cần nhớ rằng nếu tình cảm cả 2 người đủ lớn thì sẽ vượt qua tất cả mọi khó khăn.

Bài, ảnh: ĐĂNG KHÔI