Lời nói dối "ngọt ngào"

Cập nhật, 15:35, Thứ Năm, 14/06/2018 (GMT+7)

Trong đời sống hôn nhân, nếu những lời nói dối mang tính lừa gạt thì rất dễ dẫn đến nguy cơ tan vỡ hạnh phúc gia đình khi sự thật được phơi bày. Nhưng đôi lúc, cũng có những lời nói dối vô hại, vợ hoặc chồng cần nói để tránh những chuyện cãi vã vụn vặt không đáng.

Trong tình yêu, những lời nói dối ngọt ngào vô hại có thể giúp tránh những mâu thuẫn không đáng có.  Ảnh minh họa
Trong tình yêu, những lời nói dối ngọt ngào vô hại có thể giúp tránh những mâu thuẫn không đáng có. Ảnh minh họa

Anh H.Q. (38 tuổi) có tiếng là chuẩn mực và thẳng tính nhưng khi cưới vợ về được một thời gian, anh phát hiện ở vợ có tính hay nói không đúng sự thật, sai vấn đề ở mọi hoàn cảnh trong cuộc sống hàng ngày.

Mặc dù phải công nhận rằng vợ không có nói dối điều gì nghiêm trọng, gây tác hại hay nói xấu ai điều gì nhưng với bản tính chính trực và thẳng thắn, anh cảm thấy khó chịu và hơi thất vọng. Chẳng hạn như vài lần anh nhắc vợ đi làm lại giấy tờ nhà đất nhưng vì bận việc nên vợ chưa đi mà lại nói đi rồi.

Đến khi anh phát hiện thì vợ nói rằng vì sợ anh nổi giận rồi cãi vã nên nói thế cho anh yên tâm và khi rảnh việc sẽ đi liền.

Hay con trai lớn thi giữa học kỳ bị điểm kém, chị sợ anh la mắng con mà nói thằng bé làm bài tốt rồi âm thầm rèn lại cho con… và còn nhiều chuyện vặt vãnh trong sinh hoạt chị cũng hay nói không đúng bản chất vấn đề, cũng vì sợ tính anh hay nổi nóng.

Anh H.Q. bực bội vì thói quen này của vợ, anh đã tâm sự hỏi ý kiến người bạn thân về vấn đề này và được bạn khuyên rằng đừng chấp nhất những chuyện nhỏ nhặt, những lời nói dối của vợ anh không có ý xấu, cũng bởi vì tính anh nóng nảy nên chị phải làm vậy để tránh xung đột.

Nếu anh không chấp nhận được thì có thể thẳng thắn trao đổi góp ý với vợ để cả hai cùng sửa đổi.

Trường hợp anh H.T. thì gặp cô vợ quá ghen, suốt ngày cứ hay soi mói ghen bóng ghen gió.

Vì tính chất công việc thường xuyên phải đi giao tiếp mà cũng thường xuyên gặp đối tác là nữ, nên mỗi lần ra ngoài anh lại phải kiếm cớ nói đi với anh bạn thân này hay đi với ông anh họ kia để cho cô vợ trẻ an tâm mà không phải gọi điện thoại liên tục trong lúc anh làm việc, rồi về nhà thì tra khảo đủ thứ khiến anh mệt mỏi.

Bản tính anh không phải dạng lăng nhăng, anh yêu vợ nhưng vì muốn vợ yên tâm, vui vẻ không phải bận tâm suy nghĩ mông lung anh đành phải nói dối “ngọt ngào” như thế.

Vẫn biết, điều quý giá nhất trong cuộc sống là sự chân thật. Tai hại lớn nhất của những lời nói dối trong tình yêu là sự đổ vỡ. Nhưng có nhiều lúc, lời nói dối lại trở nên đáng yêu. Đôi khi không phải sự thật mà là những lời nói dối chân thành đã giúp ta sống tốt hơn...

Nói dối cũng chỉ là một công cụ, biết dùng đúng lúc thì nó sẽ trở nên hữu ích. Ví dụ như những lời nói dối êm dịu của những vị bác sĩ khi muốn trấn an bệnh nhân hay những lời nói dối ngọt ngào, những lời khen có cánh của phái mạnh dành tặng người yêu để họ thêm vui, hạnh phúc.

Nói dối không hẳn là xấu hoàn toàn, đôi khi ở nhiều trường hợp trong cuộc sống, những lời nói dối là rất cần thiết để giữ hòa khí trong mối quan hệ tình cảm con người, những lời nói dối chân thành cũng là một giải pháp để có một kết cục tốt đẹp hơn, giúp ta thêm tin yêu cuộc sống hơn. Lời nói dối chỉ thật sự xấu khi người ta sử dụng vào mục đích xấu. Chúng ta chỉ nên nói “không đúng sự thật” khi nó mang lại lợi ích cho bản thân và mọi người.

Trong cuộc sống, ở từng hoàn cảnh cụ thể, lời nói dối lại có tác dụng giải quyết vấn đề theo chiều hướng tích cực. Nếu để làm đẹp lòng nhau, để mang lại niềm vui cho nhau, để giảm bớt khổ đau cho nhau… thì lời nói dối một cách ngọt ngào là có thể.

Chuyên viên tâm lý khuyến cáo rằng, đôi khi người ta có thể mất mát vì nói lên sự thật và được một cái gì đó khi không nói lên sự thật.

Tuy nhiên, nên nhớ rằng, nói dối thực chất là một sự lừa gạt và những sự lừa gạt lặp đi lặp lại sẽ phá vỡ tình cảm giữa vợ chồng. Sự tin tưởng chỉ có khi chúng ta nói thật những gì đang làm và đang cảm nhận.

Nếu người vợ hoặc chồng phát hiện ra rằng từ lâu mình đã nghe quá nhiều lời nói dối thì cần phải có cuộc thảo luận thực sự nghiêm túc với nhau để chấm dứt tình trạng này.

Đôi lúc thẳng thắn ngồi lại nói chuyện hay tâm sự với nhau cũng là một cách hay để hạn chế tật hay nói dối của đối phương. Dù lời nói dối đó không xấu nhưng cũng không nên nói dối quá thường xuyên.

Bài, ảnh: ĐĂNG KHÔI