Chung tay phòng, chống COVID-19 trong trường học

Cập nhật, 07:00, Thứ Ba, 22/03/2022 (GMT+7)

Dịch COVID-19 lây lan nhanh trong cộng đồng và trường học, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe người dân, nhất là học sinh và cán bộ giáo viên khi dạy và học trực tiếp. Để hạn chế ca nhiễm trong trường học, bên cạnh sự nỗ lực của quý thầy cô giáo, phụ huynh học sinh cần chung tay, phối hợp tốt với nhà trường để đảm bảo an toàn cho các em.

Bà Nguyễn Thị Quyên Thanh- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long: “Căn cứ vào mức độ dịch bệnh trên từng địa bàn để điều chỉnh dạy học trực tiếp kịp thời và chuẩn bị các điều kiện sẵn sàng khi dịch bệnh diễn biến phức tạp...”
Bà Nguyễn Thị Quyên Thanh- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long: “Căn cứ vào mức độ dịch bệnh trên từng địa bàn để điều chỉnh dạy học trực tiếp kịp thời và chuẩn bị các điều kiện sẵn sàng khi dịch bệnh diễn biến phức tạp...”

Tăng cường phòng chống dịch

Là địa phương có số học sinh đông ở 20 xã, thị trấn nên số ca mắc COVID-19 trong trường học tại huyện Vũng Liêm khá nhiều. Sau hơn 1 tháng dạy học trực tiếp, huyện ghi nhận trên 600 học sinh và hơn 100 cán bộ, giáo viên, nhân viên dương tính với SARS-CoV-2. Đến ngày 15/3 số giáo viên học sinh F0 chiếm hơn 22% tổng số giáo viên học sinh F0 trong toàn tỉnh. Để hạn chế F0 phát sinh trong trường học, huyện đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục tăng cường hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh.

Ông Trần Công Thành- Trưởng Phòng GD- ĐT huyện Vũng Liêm, cho biết: “Tất cả các biện pháp phòng, chống dịch đã được triển khai một cách đồng bộ. Các cơ sở giáo dục cập nhật các hướng dẫn, văn bản mới nhất của Bộ Y tế, Sở Y tế và ngành giáo dục. Trên cơ sở đó các trường cập nhật, hướng dẫn cho toàn thể nhân viên nhà trường cũng như thông báo đến phụ huynh để cùng nhà trường thực hiện công tác phòng, chống dịch”.

Cùng với sự chỉ đạo sâu sát của các phòng GD- ĐT, các trường học thường xuyên vệ sinh, khử khuẩn trường lớp, xây dựng phương án xử lý kịp thời khi phát hiện ca nhiễm. Đồng thời, các trường cũng tích cực tuyên truyền nâng cao nhận thức học sinh, phụ huynh để chung tay cùng với nhà trường quản lý, theo dõi, chăm sóc sức khỏe để học sinh an toàn khi đến trường.

Cô Nguyễn Thị Phỉ- Hiệu trưởng Trường Mầm non Thiện Mỹ (Trà Ôn) chia sẻ: “Trường nhờ UBND xã phát loa thường xuyên. Nhà trường thì sáng chiều mở phát thanh học đường để phụ huynh nắm được tình hình của nhà trường. Bố trí nơi ăn cho trẻ an toàn”.

Học sinh mầm non và tiểu học dễ bị ảnh hưởng bởi dịch nên sẽ có kế hoạch học thích ứng với tình hình dịch từng địa phương.
Học sinh mầm non và tiểu học dễ bị ảnh hưởng bởi dịch nên sẽ có kế hoạch học thích ứng với tình hình dịch từng địa phương.

Để trẻ an toàn khi đến trường và khi ở nhà, cần có sự phối hợp chặt chẽ từ phụ huynh học sinh. Chị Thạch Thị Dàng- xã Tân Mỹ (Trà Ôn) vừa đưa con đến trường, nói: “Để đảm bảo cho các bé đi học được an toàn, tôi đo thân nhiệt, quan sát con khi bé ở nhà, sát khuẩn tay trước khi đến trường và cho các bé thường xuyên đeo và thay khẩu trang. Khi về nhà thì hạn chế không cho bé đến nơi đông người”.

Linh hoạt thích ứng

Nhà trường, gia đình phối hợp chặt chẽ, trang bị đầy đủ các điều kiện và thực hiện nghiêm các biện pháp, hướng dẫn phòng, chống dịch COVID-19 trong trường học. Bên cạnh, các cơ sở giáo dục cần tăng cường tuyên truyền, nâng cao ý thức cán bộ, giáo viên, học sinh, theo dõi chặt chẽ hoạt động vui chơi, học tập của các em.

Anh Nguyễn Văn Khoa- phụ huynh học sinh lớp 3, Trường Tiểu học Hiếu Phụng (Vũng Liêm) đang dõi theo con sau khi bé đã vào cổng trường. Anh Khoa nói: “Con còn nhỏ thì mình phải hướng dẫn cho nó kỹ càng một chút, cho con mình giữ khoảng cách, đeo khẩu trang, sát khuẩn, rửa tay phải thực hiện 5 bước để con được an toàn. Vợ chồng tôi cũng cho cháu ăn uống những thức ăn bổ dưỡng để tăng cường sức đề kháng”.

Phát biểu chỉ đạo trong cuộc họp trực tuyến về đánh giá tình hình học sinh đến trường vừa qua, Bà Nguyễn Thị Quyên Thanh- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long đề nghị: “BCĐ các cấp quan tâm tổ chức triển khai thực hiện với mục tiêu lấy sức khỏe, an toàn của học sinh, giáo viên lên trên hết, nhưng vẫn đảm bảo chất lượng giáo dục. Ngành giáo dục tiếp tục triển khai đầy đủ các văn bản hướng dẫn của Bộ GD- ĐT, của Bộ Y tế liên quan công tác dạy học trực tiếp. Tập trung xây dựng kế hoạch, phương án đảm bảo công tác phòng chống dịch trong quá trình tổ chức dạy học; căn cứ vào mức độ dịch bệnh trên từng địa bàn để điều chỉnh dạy học trực tiếp kịp thời và chuẩn bị các điều kiện sẵn sàng khi dịch bệnh diễn biến phức tạp”.

Nhà trường và gia đình cần phối hợp chăm sóc, cố gắng thực hiện các biện pháp an toàn cho trẻ.
Nhà trường và gia đình cần phối hợp chăm sóc, cố gắng thực hiện các biện pháp an toàn cho trẻ.

Dự kiến, tùy theo cấp độ dịch ở địa phương các trường linh hoạt tổ chức các hình thức dạy học trực tuyến hoặc vừa trực tiếp vừa trực tuyến cho học sinh F0, F1. Đó là những nhiệm vụ mà các nhà trường cần nỗ lực thực hiện để đảm bảo an toàn cho học sinh. Cần lắm sự thấu hiểu, đồng hành của phụ huynh để phối hợp tốt với nhà trường trong việc chăm lo, bảo vệ học sinh ngay từ gia đình để các em an tâm, khỏe mạnh đến trường học tập tốt.

Bài, ảnh: CAO HUYỀN