Chuẩn bị để đến trường

Cập nhật, 15:11, Thứ Tư, 03/11/2021 (GMT+7)
Được đến trường là mong ước của học sinh.Ảnh: Tư liệu
Được đến trường là mong ước của học sinh.Ảnh: Tư liệu

Tuy chưa thể xác định ngày học sinh có thể đến trường học trực tiếp nhưng ngành giáo dục tỉnh Vĩnh Long đã chuẩn bị các điều kiện cần thiết để triển khai nhiều phương án đón học sinh, bảo đảm phòng chống dịch an toàn. Song song đó, cố gắng nâng cao chất lượng dạy và học trực tuyến.

Chuyện học trực tuyến

Theo ông Đỗ Ý Ly- Trưởng Phòng Giáo dục trung học- Giáo dục thường xuyên, Sở GD- ĐT Vĩnh Long: Số học sinh tham gia học trực tuyến tăng lên tính đến ngày 23/10/2021, có 93,6% học sinh THCS và 99,1% học sinh THPT tham gia học trực tuyến. Tuy nhiên có 56 học sinh khối THCS, THPT chưa liên hệ được. Đây là con số đáng quan tâm, làm sao liên lạc với các em để “các em không phải bỏ học”.

Theo thầy Trần Công Danh- Hiệu trưởng Trường THPT Phan Văn Hòa (Tam Bình) dạy trực tuyến thuận lợi phù hợp xu thế xã hội, đa số phụ huynh ủng hộ cho cách dạy này. Qua việc dạy trực tuyến, rèn cho giáo viên học sinh kinh nghiệm, kỹ năng công nghệ số. Đa số giáo viên học sinh khá thích thú cách dạy này. Trường THPT Phan Văn Hòa đã xếp thời khóa biểu giảm tiết, giảm căng thẳng cho học sinh. Tuy nhiên, khó khăn của trường là một số giáo viên chưa mặn mà với cách dạy này và một vài học sinh chưa ý thức chỉ “mở lên cho có”. Đó là chưa kể có khoảng 10% giáo viên, học sinh của trường không đủ phương tiện dạy và học; phần mềm không ổn định, chập chờn…

Thầy Nguyễn Vĩnh Ca- Hiệu trưởng Trường THCS- THPT Phú Quới cho hay, trường đã tổ chức thời khóa biểu giãn cách theo 2 buổi sáng chiều, học sinh có thời gian giải lao sau mỗi tiết. Trường có 139 em chưa có điều kiện học trực tuyến. Thầy Ca cho biết, điểm thuận lợi của nhà trường là được phụ huynh đồng lòng, giáo viên trong tổ chuyên môn giúp đỡ nhau hoàn thành nhiệm vụ. Một số giáo viên lớn tuổi, khó khăn tương tác học trò được các đồng nghiệp khác hỗ trợ trực tuyến hoặc trực tiếp để hoàn thành tiết dạy.

“Tuy nhiên, khó khăn hiện nay của trường là thiết bị cũ, cấu hình yếu, ghi âm lại khó khăn. Cơ sở vật chất nhà trường không hỗ trợ được, chỉ có 2 laptop. Học sinh lệ thuộc vào thiết bị của người thân, đường truyền yếu”- thầy Ca nói. Bên cạnh, trăn trở lớn nhất của thầy Ca là “Học sinh lớp 6 có 209 em, các em tham gia học trực tuyến rất hạn chế công nghệ thông tin trong khi học chương trình mới”.

Sẵn sàng nhưng chưa thể đến trường

Để đón học sinh trở lại, các trường đã thành lập BCĐ phòng chống dịch COVID-19 năm học 2021- 2022. Xây dựng đầy đủ các phương án đối với từng vụ việc, từng vị trí cụ thể. Có kế hoạch và tiến hành vệ sinh trường lớp, vệ sinh đồ dùng dạy học, trang bị dụng cụ sát khuẩn, bồn rửa tay, máy đo thân nhiệt, khẩu trang… tiến hành sửa chữa, vệ sinh phòng học.

Trường THPT Phan Văn Hòa đã xây dựng phương án đón học sinh trở lại trường. Thầy Danh băn khoăn: “Hiện tại dịch diễn biến phức tạp, lây nhiễm cộng đồng chúng ta không lường được. Học sinh chưa được tiêm vắc xin. Ý thức phòng dịch của học sinh chưa cao”. Trước tình hình này, thầy Danh đề xuất: “Khẩn trương tiêm vắc xin cho học sinh lớp 12 trước. Ban đầu chỉ có 1 khối học, dạy cách phòng đảm bảo khoảng cách. Và “mỗi lớp được xem là một vùng xanh”, không cho học sinh di chuyển sang lớp lân cận”.

Nhiều trường cũng đã đề nghị với Sở GD- ĐT Vĩnh Long về việc tiêm vắc xin cho học sinh theo cấp học từ khối 12, đến khối 9 và khối 6. Việc tiêm vắc xin theo cấp học sẽ phù hợp hơn với tình hình, tiến độ khi các em trở lại trường. Đồng thời, cần đảm bảo để các em tiêm mũi 1 được tiếp tục tiêm mũi 2 đầy đủ, đúng lịch trình.

Học sinh học trực tuyến là phương pháp thích ứng tình hình hiện tại.
Học sinh học trực tuyến là phương pháp thích ứng tình hình hiện tại.

Theo thầy Ngô Thanh Sơn- Trưởng phòng GD- ĐT TP Vĩnh Long, tình hình dịch bệnh trong thành phố hiện nay khá phức tạp, số lượng giáo viên, học sinh thuộc các đối tượng F0, F1, F2 tăng lên. Các trường sử dụng làm khu cách ly, chưa xác định rõ thời gian hoàn thành. Thời gian tới, thầy Sơn kiến nghị: “Tùy cấp độ dịch ở địa phương mà quyết định chuyện các em đến trường học trực tiếp thời gian nào. Tôi nghĩ tiêm vắc xin nên ưu tiên cho khối 12, khối 9 và khối 6 là những khối chuẩn bị cho kỳ thi sắp tới và học chương trình mới”.

Với phương châm “Tạm dừng đến trường nhưng không dừng học”, ông Trịnh Văn Ngoãn- Phó Giám đốc Sở GD- ĐT Vĩnh Long cho rằng, trong tình hình dịch phức tạp, nếu cho học sinh nghỉ học hoàn toàn sẽ là thiệt thòi rất lớn. “Người lớn chúng ta phải mày mò thay đổi phương pháp, các trường phải mua sắm thiết bị tốt nâng cao chất lượng giờ giảng cho học sinh. Sở GD- ĐT Vĩnh Long sẽ xây dựng phương án trình UBND tỉnh để có phương án khả thi nhất cho học sinh đến trường. Trên tinh thần đặt sức khỏe của học sinh lên trên hết, không để phát sinh ổ dịch trong nhà trường”.

Ông Trịnh Văn Ngoãn cho biết: “Nhiều khả năng hết tháng 11 mới đưa học sinh trở lại học trực tiếp. Phương án kết hợp trực tiếp và trực tuyến cho học sinh là khả dĩ có thể áp dụng đồng bộ. Ưu tiên học sinh có nhiệm vụ nặng nề hơn, đặc biệt học sinh cuối cấp, học sinh học chương trình mới”.

Bài, ảnh: CAO HUYỀN