Dạy học trực tuyến- trong cái khó ló cái hay

Cập nhật, 07:49, Thứ Tư, 15/09/2021 (GMT+7)

 

Học sinh sẽ học trực tuyến tốt hơn khi có sự phối hợp giữa gia đình.
Học sinh sẽ học trực tuyến tốt hơn khi có sự phối hợp giữa gia đình.

(VLO) Sau 1 tuần dạy học trực tuyến cho khối 12 và khối 9, Sở GD- ĐT Vĩnh Long cùng các phòng GD- ĐT, các trường đã đúc kết chia sẻ kinh nghiệm. Bên cạnh những khó khăn khách quan và chủ quan thì nhiều sáng kiến được thực hiện, có thể áp dụng rộng rãi để nâng cao chất lượng dạy học trực tuyến.

Kinh nghiệm dạy- học trực tuyến

Theo báo cáo của Sở GD- ĐT Vĩnh Long, đến ngày 9/9 khối 9 có 14.300 học sinh tham gia học trực tuyến và từ xa, chiếm 97,85%; trong đó có 90,41% học trực tuyến.

Đến ngày 8/9, khối 12 có hơn 9.400 học sinh học trực tuyến và từ xa (99,6%); trong đó có 97,65% học trực tuyến.

Có thể thấy, phụ huynh và học sinh đã cố gắng tạo điều kiện thuận lợi nhất cho con em có thiết bị học tập. Tuy nhiên, hình thức học mới vẫn còn nhiều bỡ ngỡ, chất lượng mạng kém, tính tự chủ của học sinh chưa cao, bài giảng chưa phù hợp,… là không thể tránh khỏi.

Điểm khó khăn chung được phản ánh nhiều nhất khi học trực tuyến là “mạng chập chờn không ổn định” nên một số học sinh và giáo viên bị “out” ra khỏi chương trình học.

Bên cạnh đó, một số học sinh không có điện thoại thông minh, mượn điện thoại người thân học nên bị gián đoạn do có cuộc gọi đến.

Không chỉ riêng ở gia đình học sinh hay giáo viên mà đường truyền một số trường học hiện nay chưa ổn định và cần được nâng cấp. Bởi lẽ, việc học trực tuyến sẽ chất lượng hơn giao bài về nhà cho học sinh tự nghiên cứu.

Tại Trường THPT Võ Văn Kiệt, cô Hiệu trưởng Nguyễn Thị Diễm Trang cho biết: “Cán bộ giáo viên tiếp cận kỹ năng trong xây dựng thiết kế bài dạy chưa được như mong muốn, ứng dụng thông tin chưa thành thạo.

Hệ thống mạng của trường thì tốt, nhưng học sinh học ở nhà học bằng 3G, 4G thì bị rớt mạng. Bên cạnh đó, khả năng tự học của học sinh chưa cao, trong khi chất lượng tiếp thu dựa vào khả năng tự học là chính”.

Rút kinh nghiệm khối 12, Trường THPT Võ Văn Kiệt chuẩn bị việc học của khối 10, 11 chất lượng hơn. Cô Hiệu trưởng cho biết: “Kinh nghiệm của chúng tôi là 1 buổi học 3 tiết thôi, không học liên tục 5 tiết như buổi sáng, học giãn ra và chỉ dạy nội dung trọng tâm, hạn chế thời gian các em ngồi trên máy nhiều”.

Giáo viên Trường THPT Võ Văn Kiệt thiết kế bài giảng tự học, tự xử lý tài liệu bài tập nhiều hơn. Ngoài ra, trường này còn tập huấn giáo viên sử dụng các thiết bị công nghệ để dạy học trực tuyến.

Chủ động chuẩn bị và sáng tạo

Là trường có đông học sinh nhất nhì tỉnh, một số học sinh vùng sâu sóng yếu, Trường THPT Vĩnh Long đã mua gói Zoom 2000 user góp phần dạy trực tuyến đi vào ổn định. Cô Hiệu trưởng Đỗ Thị Kim Loan cho biết: “Có tổ kỹ thuật tập huấn cho giáo viên, trên 90% học sinh học tốt”.

Trường THPT Vĩnh Long cũng tạo điều kiện cho giáo viên thiếu cơ sở vật chất vào trường dạy, dạy theo thời khóa biểu và phụ huynh học sinh biết được thời khóa biểu này để có tâm thế đồng hành cùng con. “Ban giám hiệu trường cũng phân công dự giờ các tiết học online để kiểm tra chất lượng tiết dạy”- cô nói.

“Buổi học trực tuyến đầu tiên thường là buổi khó khăn nhất vì học sinh thường tốn nhiều thời gian để đăng nhập, còn nhiều lúng túng. Vì vậy, để chuẩn bị cho đợt 2 nhập học, Trường THCS- THPT Hòa Bình (Trà Ôn) đã cho học sinh đăng nhập hệ thống học online từ ngày 12/9.

Chúng tôi sẽ kiểm tra kết nối của học sinh, hướng dẫn vào học và sinh hoạt chủ nhiệm”- thầy Hiệu trưởng Nguyễn Hồng Bảo cho biết.

Thầy Hiệu trưởng Nguyễn Ngọc Khương- Trường THPT Lưu Văn Liệt- cho biết: “Trong tuần lễ vừa qua, chúng tôi dạy bằng nhiều hình thức, tuy nhiên có một số hạn chế như một số trường khác.

Do vậy, chúng tôi không chỉ dạy mà còn đăng bài giảng lên web của trường và trong mấy ngày đã có 6.000 lượt truy cập vào xem. Giáo viên quay clip dạy học sinh, chúng tôi sẽ tiếp tục đến 18/9”.

Trường này còn thành lập tổ hỗ trợ cho giáo viên giúp giáo viên trong quá trình dạy trực tuyến, dạy trực tiếp ở nhà hoặc đến trường.

Năm học 2021- 2022 diễn ra trong bối cảnh đặc biệt nhưng bằng tất cả sự cố gắng của phụ huynh, tỷ lệ học sinh tiếp cận những cách học tiệm cận là 100%.

Hiện nay, các đơn vị giáo dục tiếp tục xây dựng kịch bản dạy học từ xa đến 2/10. Sở GD- ĐT đã nhắc nhở các trường về việc huy động học sinh còn khoảng 700 em chưa liên lạc được, liên hệ với phụ huynh học sinh để vận động các em ra lớp nhằm đảm bảo quyền học tập của các em.

Ông Trịnh Văn Ngoãn- Phó Giám đốc Sở GD- ĐT Vĩnh Long cho rằng: “Tiết học đầu tiên rất quan trọng, tạo ấn tượng tốt hay không tốt cho học sinh, giáo viên. Bằng biện pháp phù hợp liên hệ hướng dẫn trước cho học sinh, tiết đầu tiên dành ra 1 tiết hướng dẫn kỹ năng cần thiết”.

Ông cho biết thêm, các trường cần liên lạc với phụ huynh để cho phụ huynh hiểu học sinh học từ xa là cần thiết trong tình hình hiện nay. Nhà trường và phụ huynh cùng nhìn về một hướng vì đều mong muốn những điều tốt đẹp nhất cho học sinh, quan trọng là gắn kết lâu dài trong đôn đốc động viên học sinh học tập.

Phó Giám đốc Sở GD- ĐT Vĩnh Long Trịnh Văn Ngoãn cho biết: Các trường, trung tâm xây dựng kịch bản dạy học từ xa đến hết ngày 2/10/2021. Từ ngày 4/10, nếu Vĩnh Long trở lại trạng thái bình thường mới, không còn áp dụng Chỉ thị 15, 16 và sự đồng ý của UBND tỉnh thì sẽ tiến hành dạy trực tiếp. Các trường, đơn vị chủ động xây dựng các kế hoạch của nhà trường để cụ thể hóa các hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục trung học. Một số thầy cô bị kẹt ở địa phương khác không thể về trường làm nhiệm vụ thì phải có kế hoạch dự phòng phân công. Lãnh đạo các trường chỉ đạo cho giáo viên hướng dẫn học sinh thành thạo các kỹ năng cần thiết trong quá trình tham gia học trực tuyến.

Bài, ảnh: CAO HUYỀN