Sổ tay ôn tập

Ôn tập môn Địa lý- hệ thống lý thuyết bằng sơ đồ

Cập nhật, 10:03, Thứ Bảy, 12/06/2021 (GMT+7)

Theo cô Nguyễn Kim Tuyền- Tổ trưởng tổ Sử- Địa, Trường THPT Lưu Văn Liệt: Đề tham khảo tương đương năm 2020. Trong đó, có 2 câu rèn kỹ năng nằm trong chương trình lớp 11. Các câu hỏi vận dụng cao tập trung ở vùng kinh tế, đây là điểm khác biệt năm trước, chủ yếu là địa lý tự nhiên.

Đối với lý thuyết, cô Tuyền khuyên học sinh nên “hệ thống hóa kiến thức bằng sơ đồ, đồng thời kết bợp với Atlat Địa lý Việt Nam, đối chiếu với tài liệu ôn thi của giáo viên cung cấp và sách giáo khoa”.

Tập trả lời các câu hỏi ngắn và không quên xem “thật kỹ sách giáo khoa và tài liệu ôn để nắm chắc kiến thức lý thuyết. Sau khi nắm chắc kiến thức lý thuyết, các em tiến hành luyện tập trắc nghiệm”- cô Tuyền chia sẻ.

Trong 40 câu trắc nghiệm môn Địa lý thì có đến 15 câu cần sử dụng Atlat, cho nên việc rèn luyện khả năng sử dụng Atlat nhanh là việc rất cần thiết. Cô Tuyền cho rằng: “thường xuyên đọc Atlat là rất cần vì có những câu hỏi yêu cầu mở trang 19 nhưng ký hiệu cho trang đó lại nằm ở trang 3”. Thường xuyên xem Atlat sẽ giúp các em đọc hiểu nhanh và làm bài tập nhanh hơn.

Đối với dạng biểu bảng học sinh phải biết tính toán và có thao tác xử lý số liệu nhanh sau đó tính toán, so sánh nhanh kết quả so với yêu cầu câu hỏi. Nắm vững dấu hiệu nhận dạng các biểu đồ.

Câu hỏi khó là dạng câu hỏi có nhiều đáp án đúng và thí sinh phải “chọn đáp án đúng nhất”. Đối với dạng này nên làm phương pháp loại trừ chọn lựa ra 2 phương án loại trừ trước. Học sinh lưu ý từ khóa trên nội dung yêu cầu. Bên cạnh đó, học sinh cũng dễ bị mất điểm ở dạng câu hỏi phủ định.

Muốn đạt điểm cao thì cô Tuyền cho rằng kiến thức học là chưa đủ các em phải tập giải đề thường xuyên để nhanh hơn và không quên cập nhật tin tức thời sự qua báo đài.

CAO HUYỀN