Sổ tay

Môn Lịch sử- phải phân biệt rõ các khía cạnh của sự việc

Cập nhật, 19:37, Thứ Tư, 09/06/2021 (GMT+7)

 

Cô Võ Thị Thủy.
Cô Võ Thị Thủy.

Trong các môn thuộc tổ hợp bài thi Khoa học xã hội, môn Lịch sử là môn “khó nuốt”, bằng chứng cụ thể là điểm thi trung bình môn này luôn thấp hơn môn Địa lý và Giáo dục công dân. Đối với nhiều thí sinh, môn Lịch sử là môn khó tìm điểm, đặc biệt là điểm cao.

Chia sẻ vấn đề ôn tập môn Lịch sử, cô Võ Thị Thủy- giáo viên Lịch sử, Trường THPT Vĩnh Xuân- cho rằng: “Để đạt 8 điểm trở lên, học sinh phải làm chủ kiến thức, nắm được kiến thức toàn bộ chương trình. Các em phải xác định được từng sự kiện lịch sử thuộc đơn vị kiến thức nào và thuộc giai đoạn lịch sử nào. Bên cạnh đó, cần có kỹ năng vững, so sánh, đối chiếu được các đơn vị kiến thức, các giai đoạn lịch sử. Từ đó có thể giải quyết tốt các yêu cầu của đề thi”.

Có nhiều phương pháp học môn Lịch sử, tuy nhiên với đề thi trắc nghiệm, yêu cầu học sinh phải hiểu vấn đề thì học bằng cách vẽ bảng đồ tư duy là một lựa chọn tốt. Song song đó, các em nên sắp xếp trình tự các thời gian của sự kiện, điều này sẽ giúp làm những câu hỏi khó hiểu, vượt qua bẫy trong đáp án.

Một điều học sinh “học vẹt” hay vấp phải là lẫn lộn “mục tiêu, chiến lược, hay ý nghĩa của các trận đánh” vì chúng “na ná nhau”. Các em phải phân biệt rõ các khía cạnh của sự việc, nắm nằm lòng những ý chính của khía cạnh đó.

Một trong những thuận lợi lớn trong công tác ôn thi tốt nghiệp THPT trong năm học 2020-2021 là Bộ GD- ĐT đã ra đề tham khảo- là cơ sở để giáo viên xây dựng kế hoạch ôn tập. Theo cô Thủy, đề tham khảo không quá khó, vừa sức học sinh và thể hiện rõ yêu cầu phân hóa.

“Đới với môn Lịch sử, học sinh thường mất điểm ở những câu hỏi có yêu cầu mốc thời gian, do đặc trưng của môn Lịch sử là có nhiều mốc thời gian, không gian, sự kiện, nhân vật lịch sử nên nếu học sinh chưa nắm chắc kiến thức thì thường chọn đáp án sai”- cô Thủy nói.

Bài, ảnh: CAO HUYỀN