Hai Đại học Quốc gia liên tiếp 4 năm đứng trong nhóm 1.000 trường ĐH hàng đầu thế giới của QS

Cập nhật, 15:32, Thứ Tư, 09/06/2021 (GMT+7)

 

Sáng 9/6, tổ chức xếp hạng QS (Quacquarelli Symonds - Anh) vừa công bố bảng xếp hạng đại học thế giới cho năm 2022. Hai cơ sở giáo dục đại học có mặt 4 năm liên tiếp trong bảng xếp hạng này là Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh.

Trong kỳ xếp hạng này, QS World University Rankings 2022 (QS WUR 2022 ) xếp hạng cho 1.300 trường thuộc 93 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong số này, có 145 trường lần đầu tiên tham gia xếp hạng.

Theo kết quả xếp hạng, Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh lần thứ 4 liên tiếp đứng trong nhóm 801-1.000 các trường đại học tốt nhất toàn cầu.  

Mặc dù liên tục duy trì ở nhóm thứ hạng này trên bảng xếp hạng, nhưng điểm xếp hạng của Đại học Quốc gia Hà Nội ngày càng gia tăng, dẫn tới thứ hạng tuyệt đối trong bảng xếp hạng cũng dần được nâng cao.

Cụ thể, trong ba lần xếp hạng trước, Đại học Quốc gia Hà Nội đứng trong nhóm 78,5% (2019), 74,9% (2020), 67,5% (2021) các trường đại học hàng đầu.

Ở lần xếp hạng lần này, Đại học Quốc gia Hà Nội vươn lên đứng trong nhóm 61,6% các trường đại học hàng đầu thế giới. Đối với các tiêu chí xếp hạng, năm nay tiêu chí về uy tín học thuật của Đại học Quốc gia Hà Nội tăng điểm đáng kể, trở thành tiêu chí có điểm số cao nhất của Đại học Quốc gia Hà Nội (16,6 điểm và tăng 6,4% so với QS WUR 2021) và đứng thứ 499 thế giới (tăng 25 bậc so với QS WUR 2021). Ngoài ra, tiêu chí uy tín nhà tuyển dụng Đại học Quốc gia Hà Nội cũng có sự tăng điểm so với kỳ xếp hạng trước (tăng 8%).

QS WUR xếp hạng các trường đại học theo 6 tiêu chí, bao gồm: đánh giá của học giả (40%), đánh giá của nhà tuyển dụng, số trích dẫn/giảng viên, tỷ lệ giảng viên/sinh viên, tỷ lệ giảng viên quốc tế và tỷ lệ sinh viên quốc tế. Tiêu chí xếp hạng của QS nhấn mạnh vào đóng góp và tác động của chất lượng đào tạo và nghiên cứu của trường đại học đối với xã hội (thông qua đánh giá của doanh nghiệp, học giả trong và ngoài nước) và các đóng góp cho hoạt động nghiên cứu khoa học (thông qua số trích dẫn/giảng viên).

Theo Lê Vân/Báo Tin tức