Vĩnh Long đảm bảo thực hiện chương trình lớp 1

Cập nhật, 09:45, Thứ Tư, 28/10/2020 (GMT+7)

 

Đoàn đánh giá về điều kiện triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 lớp 1 kiểm tra các điểm trường.
Đoàn đánh giá về điều kiện triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 lớp 1 kiểm tra các điểm trường.

Để triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 1, ngành giáo dục Vĩnh Long đã có bước chuẩn bị khá sớm. Đội ngũ, cơ sở vật chất, mua sắm bổ sung thiết bị dạy học, đảm bảo hạ tầng công nghệ thông tin đến việc tổ chức lựa chọn và cung ứng sách giáo khoa và công tác truyền thông về cơ bản thực hiện tốt.

Cơ bản đảm bảo các điều kiện

Đánh giá về điều kiện triển khai thực hiện Chương trình GDPT 2018, theo Sở GD- ĐT, nhìn chung số lượng, cơ cấu, trình độ đào tạo, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục ở các trường được kiểm tra cơ bản đảm bảo đáp ứng tổ chức thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 1.

Đối với công tác chuẩn bị cơ sở vật chất, mua sắm bổ sung thiết bị dạy học, việc đảm bảo hạ tầng công nghệ thông tin để tham gia bồi dưỡng trực tuyến sử dụng sách giáo khoa đối với lớp 1: Hầu hết các trường thực hiện tốt việc rà soát, sắp xếp, bố trí phòng học, ưu tiên dạy 2 buổi/ngày đối với lớp 1. Trong số các trường được kiểm tra, có 22/24 trường đảm bảo phòng học thực hiện dạy học 2 buổi/ngày.

Phòng GD- ĐT các huyện- thị- thành đã tham mưu với UBND cấp huyện để bố trí kinh phí mua sắm thiết bị dạy học tối thiểu lớp 1. Hiệu trưởng các trường quan tâm chỉ đạo giáo viên khai thác, sử dụng hiệu quả thiết bị dạy học đang có, nhiều giáo viên làm thêm đồ dùng dạy học tự làm để phục vụ cho hoạt động giảng dạy.

Riêng đối với huyện Tam Bình, ông Trịnh Thanh Sơn- Phó Phòng GD- ĐT huyện cho biết: “Tất cả các trường tiểu học trong huyện đều đủ điều kiện thực hiện dạy tiếng Anh tự chọn đối với lớp 1, chương trình này được nhiều phụ huynh đồng tình ủng hộ”.

Hạ tầng công nghệ thông tin tại các trường cơ bản đảm bảo cho giáo viên bồi dưỡng trực tuyến sử dụng sách giáo khoa lớp 1. Các huyện Long Hồ, Mang Thít, Vũng Liêm, Trà Ôn đã trang bị phòng học trực tuyến cho tất cả các trường tiểu học trên địa bàn.

Tuy nhiên, một vài đơn vị chưa đảm bảo phòng học bộ môn để phục vụ cho công tác giảng dạy, một số điểm trường cơ sở vật chất xuống cấp, chưa có phòng máy vi tính ở điểm lẻ,… Thầy Huỳnh Ngọc Ẩn- Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phú Thịnh A (Tam Bình)- cho biết: “Trường chúng tôi còn thiếu phòng học cho lớp 1 nên không đảm bảo cho mỗi lớp 1 phòng. Cơ sở vật chất cũ kỹ do xây dựng nhiều năm lại thiếu diện tích đất xây dựng”.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Bích- Phó Giám đốc Sở GD- ĐT cho biết: “Ngành đang chỉ đạo phòng GD- ĐT các huyện- thị- thành tiếp tục rà soát thực trạng, nhu cầu đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học đối với các trường tiểu học trên địa bàn.

Xác định quy mô những năm tiếp theo để có lộ trình chỉ đạo các trường bố trí đủ phòng học tổ chức dạy 2 buổi/ngày đối với lớp 1 và chuẩn bị cho lớp 2 trong năm học 2021- 2022; tích cực tham mưu UBND cấp huyện đảm bảo kinh phí để cấp trang thiết bị dạy học tối thiểu lớp 1 năm học 2020- 2021, lớp 2 năm học 2021- 2022 và những năm tiếp theo”.

Phụ huynh xin hãy yên tâm

Liên quan đến dư luận hiện nay về chương trình môn Tiếng Việt theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 nặng so với Chương trình 2006, bà Nguyễn Thị Ngọc Bích cho hay: “Nhìn từ góc độ thời lượng học môn Tiếng Việt cấp Tiểu học theo Chương trình 2018, tổng số tiết học môn Tiếng Việt cho cả cấp tiểu học trong Chương trình năm 2000 và chương trình năm 2018 không thay đổi (1.505 tiết).

Tuy nhiên, số tiết cho lớp 1 và lớp 2 trong Chương trình 2018 có tăng (2 tiết/tuần cho lớp 1 và 1 tiết/tuần cho lớp 2) so với Chương trình 2000. Việc tăng số tiết cho lớp 1 và 2 nhằm giúp học sinh phát triển kỹ năng đọc, viết, nói và nghe tiếng Việt, nhờ đó có được công cụ để học tốt các môn học khác”.

Bà Ngọc Bích thông tin thêm: “Bộ GD- ĐT đã xây dựng các video gửi về các địa phương, trường học để giáo viên, phụ huynh hiểu rõ và yên tâm về thực hiện đổi mới chương trình và sách giáo khoa”.

Về nội dung liên quan đến sách giáo khoa Tiếng Việt 1, bộ sách Cánh Diều có các ngữ liệu chưa phù hợp, hiện nay Bộ trưởng Bộ GD- ĐT đã yêu cầu Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa môn Tiếng Việt lớp 1 rà soát, báo cáo. Trên tinh thần cầu thị, trách nhiệm, Hội đồng thẩm định và tác giả đã thống nhất tiếp thu tối đa các ý kiến góp ý để chỉnh sửa sách giáo khoa cho phù hợp hơn.

Đối với ngành giáo dục, Sở GD- ĐT chỉ đạo nhà trường hướng dẫn, hỗ trợ giáo viên chủ động lựa chọn ngữ liệu khác phù hợp để tổ chức dạy học cho học sinh căn cứ vào yêu cầu của ngữ liệu được quy định trong chương trình.

Chương trình lớp 1, nhiều phụ huynh cho rằng áp lực với học sinh. Trong ảnh: Học sinh lớp 1 Trường Tiểu học Chu Văn An (TP Vĩnh Long).
Chương trình lớp 1, nhiều phụ huynh cho rằng áp lực với học sinh. Trong ảnh: Học sinh lớp 1 Trường Tiểu học Chu Văn An (TP Vĩnh Long).

Trên cơ sở căn cứ vào trình độ học sinh, căn cứ vào mục tiêu của hoạt động dạy học đúng theo quy định của chương trình và các văn bản hướng dẫn của Bộ GD- ĐT. “Phòng GD- ĐT tăng cường tổ chức hiệu quả các lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn cho giáo viên.

Phát huy vai trò của Hội đồng bộ môn cấp huyện để giúp cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên trong thực hiện giảng dạy theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và bộ sách giáo khoa đã chọn” - bà Nguyễn Thị Ngọc Bích nói.

Sở GD- ĐT Vĩnh Long lưu ý các trường tiểu học: Cần xây dựng kế hoạch giáo dục thực hiện chương trình lớp 1 theo hướng phân bổ hợp lý về nội dung và thời lượng dạy học giữa các môn. Kế hoạch xây dựng theo hướng mở, không gây quá tải, áp lực cho học sinh; giúp học sinh hoàn thành nhiệm vụ học tập ngay tại lớp học, đặc biệt “không giao thêm bài tập về nhà cho học sinh”.

Thông tư số 27/2020/TT-BGDĐT về đánh giá học sinh tiểu học có những điểm mới cần quan tâm: giáo viên được chấm 0 điểm bài kiểm tra; trong đánh giá định kỳ, bài kiểm tra được giáo viên sửa lỗi, nhận xét, cho điểm theo thang điểm 10, không cho điểm thập phân và được trả lại cho học sinh; đề kiểm tra của học sinh tiểu học chỉ còn 3 mức độ là nhận biết, kết nối và vận dụng. Đặc biệt, bà Nguyễn Thị Ngọc Bích lưu ý: “Giáo viên sử dụng linh hoạt, phù hợp các phương pháp đánh giá và vai trò của phụ huynh trong đánh giá thường xuyên được thể hiện rõ”.


Bài, ảnh: CAO HUYỀN