Trường Đại học An Giang chính thức thuộc Đại học Quốc gia TP. HCM

Cập nhật, 20:51, Thứ Năm, 12/09/2019 (GMT+7)

Trường đã cung cấp một nguồn lao động lớn có trình độ cao cho xã hội, đặc biệt là vùng Đồng bằng sông Cửu Long với 19.400 cử nhân, kỹ sư đại học và hơn 10.000 sinh viên cao đẳng.

Phó giáo sư Huỳnh Thành Đạt, Giám đốc Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh trao các quyết định bổ nhiệm lại hiệu trưởng, phó hiệu trưởng Trường Đại học An Giang. (Ảnh: Thanh Sang/TTXVN)
Phó giáo sư Huỳnh Thành Đạt, Giám đốc Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh trao các quyết định bổ nhiệm lại hiệu trưởng, phó hiệu trưởng Trường Đại học An Giang. (Ảnh: Thanh Sang/TTXVN)

Sáng 12/9, tại Trường Đại học An Giang, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức lễ công bố Quyết định số 1007/QĐ-TTg ngày 13/8/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc chuyển Trường Đại học An Giang là trường đại học thành viên của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh và khai giảng năm học mới 2019-2020.

Trường Đại học An Giang là cơ sở giáo dục đại học công lập được thành lập theo Quyết định số 241/1999/QĐ-TTg ngày 30/12/1999 của Thủ tướng Chính phủ nhằm giải quyết nhu cầu đào tạo nhân lực ở các tỉnh An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp, cũng như các tỉnh trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long trước thực trạng nguồn nhân lực chưa qua đào tạo ở vùng cao nhất cả nước.

Thời điểm Trường Đại học An Giang mới thành lập, cả vùng chỉ có Trường Đại học Cần Thơ là một trong 64 trường đại học công lập trong cả nước. Việc thành lập Trường Đại học An Giang thật sự cần thiết và bức xúc để góp phần giải quyết nhu cầu đào tạo nhân lực phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao dân trí và là giải pháp tích cực để ngăn chặn sự tụt hậu về trình độ văn hóa, xã hội của tiểu vùng An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang nói riêng, Đồng bằng sông Cửu Long nói chung so với cả nước.

Qua 20 năm thành lập và phát triển, Trường Đại học An Giang đã góp phần tích cực vào sự nghiệp đào tạo nguồn nhân lực gắn với chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của địa phương trong quá trình hội nhập quốc tế. Trường đã cung cấp một nguồn lao động lớn có trình độ cao cho xã hội, đặc biệt là vùng Đồng bằng sông Cửu Long với 19.400 cử nhân, kỹ sư đại học và hơn 10.000 sinh viên cao đẳng.

Bên cạnh hoạt động đào tạo, trường đã tổ chức thực hiện các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học-kỹ thuật phù hợp với đặc điểm địa phương, theo ngành nghề đào tạo, các hoạt động văn hóa-khoa học góp phần phát triển cộng đồng.

Với mong muốn Trường Đại học An Giang ngày càng nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu, chuyển giao khoa học và công nghệ, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản, từng bước trở thành một trung tâm đào tạo mới về nguồn nhân lực chất lượng cao của vùng Đồng bằng sông Cửu Long phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập quốc tế của vùng, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1007/QĐ-TTg chuyển Trường Đại học An Giang là trường đại học thành viên của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.

Phát biểu tại lễ công bố, ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh An Giang đề nghị Trường Đại học An Giang nhanh chóng hội nhập vào hệ thống Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh; hòa nhập với xu thế cùng phát triển chung của các trường đại học thành viên, để Trường Đại học An Giang là địa chỉ tin cậy trong công tác giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội cho khu vực và cả nước.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh An Giang cũng yêu cầu Trường Đại học An Giang tập trung nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ để xây dựng thương hiệu Trường Đại học An Giang xứng tầm khu vực; tiếp tục mở rộng quy mô đào tạo sau đại học, nghiên cứu thị trường lao động, việc làm để công tác đào tạo gắn với nhu cầu xã hội. Trường Đại học An Giang phải thể hiện được vị trí, vai trò đối với các Chương trình mục tiêu hiện nay của tỉnh và của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.

Theo đánh giá của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng bằng sông Cửu Long được xác định là vùng trọng điểm sản xuất lương thực, thủy sản, hoa quả của cả nước; địa bàn đảm bảo vững chắc an ninh chính trị, quốc phòng và trật tự an toàn xã hội….

Tuy nhiên, đến nay vùng vẫn đang khó khăn trong việc nâng cao đời sống và trình độ học vấn cho nhân dân, đang đứng trước nguy cơ phát triển chậm lại. Nguyên nhân chủ yếu do thu nhập chính là từ nông nghiệp, nhưng giá trị gia tăng không cao, giáo dục đào tạo vẫn còn nhiều hạn chế; quy hoạch và phát triển đội ngũ nhân lực trình độ đại học, sau đại học chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Thêm vào đó, vùng đang đối mặt với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, xâm nhập mặn ngày càng gay gắt, diện tích nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp...

Phó giáo sư-tiến sỹ Huỳnh Thành Đạt, Giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết trước yêu cầu bức thiết về phát triển của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, cùng với sứ mệnh phục vụ cộng đồng, thực hiện vai trò nòng cốt trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh đã và đang hướng đến vùng Đồng bằng sông Cửu Long, đẩy mạnh phát triển hợp tác và liên kết với trường đại học, viện nghiên cứu có thế mạnh về lĩnh vực nông nghiệp và sư phạm để phục vụ tốt hơn, đồng thời hoàn thiện tính đa ngành, đa lĩnh vực và phát huy sức mạnh hệ thống của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.

Giám đốc Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh việc kết nạp thêm một trường đại học thành viên như Đại học An Giang vào hệ thống Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh là một dấu mốc quan trọng trong quá trình phát triển Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh thành tập hợp của nhiều trường đại học mạnh nhất phía Nam Tổ quốc và thúc đẩy phát triển giáo dục đại học tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Phó giáo sư-tiến sỹ Huỳnh Thành Đạt khẳng định việc chuyển Trường Đại học An Giang là trường đại học thành viên của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh sẽ góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, tạo ra các công trình nghiên cứu khoa học thiết thực cho sự phát triển kinh tế, xã hội không chỉ cho tỉnh An Giang, mà cho cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long với nhiều tiềm năng, lợi thế, nhưng đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách…

Tại buổi lễ, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đã công bố các quyết định bổ nhiệm lại Ban giám hiệu Trường Đại học An Giang. Theo đó, Giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh bổ nhiệm lại phó giáo sư-tiến sỹ Võ Văn Thắng giữ chức vụ Hiệu trưởng Trường Đại học An Giang thời hạn năm năm; bổ nhiệm lại phó giáo sư-tiến sỹ Trần Văn Đạt giữ chức vụ Phó Hiệu trưởng Trường Đại học An Giang thời hạn năm năm và bổ nhiệm lại thạc sỹ Nguyễn Thanh Hải, giữ chức vụ Phó Hiệu trưởng Trường Đại học An Giang thời hạn năm năm./.

Theo Thanh Sang (TTXVN/Vietnam+)