KỲ THI THPT QUỐC GIA NĂM 2019

Giảm áp lực, an toàn, công bằng và khách quan

Cập nhật, 06:01, Thứ Năm, 16/05/2019 (GMT+7)

Về đề thi THPT quốc gia năm nay, nội dung nằm chủ yếu chương trình lớp 12, bám sát đề thi tham khảo. Mục đích của kỳ thi là kiểm tra, đánh giá năng lực người học sau 12 năm, nhưng sẽ “nhẹ nhàng, không gây áp lực”. 

Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác chuẩn bị tổ chức kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2019 với đại diện 63 tỉnh- thành do Bộ GD-ĐT tổ chức vào sáng 14/5/2019.

Tại Vĩnh Long, hiện có trên 10.311 thí sinh đăng ký dự thi kỳ thi THPT quốc gia 2019. Trong ảnh: Học sinh ôn tập.
Tại Vĩnh Long, hiện có trên 10.311 thí sinh đăng ký dự thi kỳ thi THPT quốc gia 2019. Trong ảnh: Học sinh ôn tập.

Tăng hơn 10.000 chỉ tiêu các ngành sư phạm

Điểm mới đáng chú ý của kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH, CĐ năm nay là tăng tỷ lệ kết quả thi trong xét công nhận tốt nghiệp THPT, cụ thể là 70% điểm trung bình các bài thi THPT quốc gia dùng để xét tốt nghiệp THPT, 30% điểm trung bình cả năm lớp 12. Trước đây, tỷ lệ để xét tốt nghiệp là 50:50.

Để đảm bảo an toàn cho kỳ thi, Bộ GD-ĐT cũng có một số điều chỉnh: yêu cầu khu vực lưu trữ đề thi phải có camera an ninh giám sát, có công an trực 24/24 giờ.

Về chấm thi, Bộ GD-ĐT trực tiếp chỉ đạo tổ chức chấm bài thi trắc nghiệm, giao nhiệm vụ cho các trường ĐH chủ trì, đặt camera giám sát phòng chấm thi.

Ở các bài thi tự luận, quy định chặt chẽ việc cách ly trong làm phách, bảo mật số phách, thực hiện nghiêm túc việc chấm 2 vòng độc lập.

TS Nguyễn Thị Kim Phụng- Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT) đề nghị các tỉnh- thành cần truyền thông cho xã hội hiểu và tăng cường tuyên truyền về các tổ hợp xét tuyển để tuyển sinh các ngành sư phạm bởi chỉ tiêu sư phạm năm nay tăng hơn 10.000 em so với năm 2018, trong khi đó số thí sinh đăng ký xét tuyển vào ngành sư phạm thấp hơn năm trước.

“Năm 2018, các trường sư phạm và trường có tuyển ngành sư phạm chỉ tuyển được khoảng 44% nhưng điểm sàn vẫn giữ để không ảnh hưởng chất lượng. Cả nước hiện thiếu hơn 75.000 giáo viên, chủ yếu là giáo viên mầm non và tiểu học”- TS Nguyễn Thị Kim Phụng cho biết.

Tại Hà Giang, sau sự cố gian lận điểm thi năm 2018, ông Trần Đức Quý- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang- thể hiện quyết tâm hoàn thành tốt kỳ thi THPT quốc gia năm 2010.

“Chúng tôi thành lập cả BCĐ cấp tỉnh và cấp huyện. Với 11 huyện, địa bàn phức tạp, tỉnh đã chuẩn bị phương án, giao nhiệm vụ cho từng thành viên trong BCĐ, không đưa vào BCĐ những thành viên có liên quan đến tiêu cực thi cử năm 2018.

Với bài học của năm 2018, Hà Giang chắc chắn không để tồn tại của năm trước xảy ra”- ông Trần Đức Quý cho biết. Đây cũng là tinh thần của những địa phương đã để xảy ra tiêu cực trong thi cử như Sơn La, Hòa Bình.

Đảm bảo kỳ thi diễn ra an toàn

Thí sinh Vĩnh Long tham dự kỳ thi THPT quốc gia năm 2018.
Thí sinh Vĩnh Long tham dự kỳ thi THPT quốc gia năm 2018.

Theo ông Nguyễn Bạch Đằng- Phó Cục trưởng Cục An ninh chính trị nội bộ (Bộ Công an), do năm nay siết chặt khâu chấm thi nên dự báo gian lận thi cử sẽ diễn biến phức tạp trong phòng thi.

Chính vì vậy, ngành GD-ĐT cần phối hợp với công an để tổ chức tập huấn các phương thức phát hiện gian lận thi cử, đặc biệt là gian lận công nghệ cao. Không vì giảm áp lực cho thí sinh mà buông lỏng các nguyên tắc đảm bảo kỷ luật trường thi.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ GĐ-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho rằng kỳ thi này là hoạt động chuyên môn nhưng có tính nhạy cảm rất cao, cần có sự phối hợp giữa BCĐ thi cấp Trung ương và địa phương. Công tác chuẩn bị không được chủ quan bởi một sai sót nhỏ cũng có thể ảnh hưởng tới toàn quốc.

“Công tác coi thi là một trong những khâu quan trọng của kỳ thi, các địa phương cần chọn ra những thầy cô có đầy đủ phẩm chất để thực hiện công tác này”- Bộ trưởng đề nghị. Việc chấm thi sẽ nghiêm túc, có camera giám sát, song vai trò của con người là quan trọng nhất.

Công tác thanh- kiểm tra phải thường xuyên. Việc đảm bảo an ninh, an toàn cho kỳ thi, kể cả đảm bảo tinh thần cho thí sinh cũng rất quan trọng.

Về đề thi THPT quốc gia năm nay, nội dung nằm chủ yếu ở chương trình lớp 12, bám sát đề thi tham khảo. Mục đích của kỳ thi là kiểm tra, đánh giá năng lực người học sau 12 năm, song phải đạt mục tiêu là kỳ thi nhẹ nhàng, giảm áp lực, an toàn, công bằng, khách quan, tạo được niềm tin trong xã hội; tuyệt đối không chủ quan, dù là khâu nhỏ nhất.

“Hơn ai hết, mỗi thầy cô là một kênh truyền thông tốt nhất đến với học sinh và phụ huynh để họ hiểu kỳ thi không quá nặng nề, tránh tâm lý áp lực và những lo lắng thái quá”- Bộ trưởng nhấn mạnh.

Tính đến ngày 10/5, cả nước có 887.143 thí sinh đăng ký dự thi; trong đó, có 234.008 hồ sơ đăng ký dự thi chỉ xét công nhận tốt nghiệp, chiếm 26,3%; 30.205 hồ sơ đăng ký dự thi chỉ xét tuyển sinh ĐH, CĐ, chiếm 3,4% với 2.575.305 nguyện vọng.

Bài, ảnh: QUYÊN HUYỀN