Giáo dục kỹ năng sống cho học sinh tiểu học

Cập nhật, 20:49, Thứ Tư, 19/12/2018 (GMT+7)

 

Tổ chức các hoạt động ngoài trời, hoạt động nhóm sẽ giúp các em hình thành một số kỹ năng nhất định.
Tổ chức các hoạt động ngoài trời, hoạt động nhóm sẽ giúp các em hình thành một số kỹ năng nhất định.

Lứa tuổi tiểu học được xem là khoảng thời gian tốt để xây dựng nền tảng cho học sinh (HS) những kỹ năng sống cần thiết. Qua đó, giúp các em trang bị những kiến thức phù hợp với lứa tuổi, sống tốt hơn trong tương lai…

Các em cần gì?

Có thể phân tích các quy tắc vàng trong cuộc sống đối với các HS lứa tuổi tiểu học gồm hành vi, thói quen, tính cách. Ở mỗi quy tắc, sẽ có những thành tố tích cực như mỉm cười, kết bạn, học hỏi, chăm sóc giúp đỡ, tự động viên, lạc quan, vui tính, ham học hỏi, khiêm tốn,… Và kết quả cuối cùng là sự thành công của con người ở mỗi HS.

Theo thầy Trần Hoàng Túy- Giám đốc Trung tâm Sáng tạo và kết nối cộng đồng Vĩnh Long, ở lứa tuổi này, các em cần được trang bị các kỹ năng như an toàn giao thông, tự bảo vệ bản thân, các kỹ năng giúp hoàn thiện bản thân, chuẩn bị vào đời… Ở mỗi kỹ năng được chia làm nhiều kỹ năng nhỏ hơn để giúp giáo viên, phụ huynh trang bị cho con em mình một cách đầy đủ.

Ví dụ, đối với HS lớp 1, ở kỹ năng tự bảo vệ mình, sẽ chia thành các kỹ năng nhỏ hơn như: phòng chống ngã, phòng chống đuối nước, phòng tránh nguy hiểm từ điện, xử lý các tình huống có nguy cơ bắt cóc.

Hay đối với HS lớp 5, các em cần trang bị các kỹ năng hoàn thiện bản thân chuẩn bị vào đời qua các kỹ năng như: tình yêu gia đình, tình yêu môi trường thiên nhiên, yêu môi trường xã hội, sự ân cần, tính kiên nhẫn, sự mãn nguyện, sự trong sáng, sự cân nhắc, niềm tin,…

Theo thầy Trần Hoàng Túy, ở lứa tuổi này, các em cần có một số nguyên tắc giáo dục kỹ năng sống từ môi trường giáo dục. Trong đó, áp dụng phương pháp dạy học tích cực sẽ giúp các em hình thành kỹ năng học nhóm, nghiên cứu trường hợp điển hình, giải quyết vấn đề trò chơi,…

Trong khi đó, cũng có thể đưa vào các hoạt động trải nghiệm sáng tạo. Tuy nhiên, thầy Hoàng Túy cho rằng nên coi trọng các hoạt động thực tiễn mang tính tự chủ của HS. Do đó, khi tổ chức nên cho các em tham gia bàn bạc, nêu ý kiến hoặc tự HS xây dựng kế hoạch và phân chia công việc, nhiệm vụ.

Chị Nguyễn Thị Mỹ Hạnh (Phường 1- TP Vĩnh Long) cho biết, con chị mới học hết lớp 2 nhưng hầu hết các công việc, các tình huống cần xử lý chị đều hướng dẫn cho con gái, khi đã hướng dẫn 1 hoặc 2 lần thì bản thân bé có thể vận dụng được tốt hơn để ứng phó với một vài trường hợp trong đời sống thường ngày.

“Theo tôi, các bậc phụ huynh cần rèn luyện tính tự lập cho con mình ngay từ khi còn nhỏ, hướng dẫn những tình huống từ trong thực tế để bé thích ứng và có cảm nhận tốt hơn những vấn đề đang xảy ra xung quanh”- chị Mỹ Hạnh chia sẻ.

Cần thống nhất cách dạy kỹ năng sống

Những kỹ năng sống để HS cần học ở lứa tuổi tiểu học là hết sức cần thiết, song việc giảng dạy tuy đã triển khai từ lâu nhưng bộ môn đặc biệt này hiện còn nhiều bất cập. Cụ thể, các nội dung giáo dục kỹ năng sống có từ năm học 2011- 2012, nhưng hiện vẫn còn một số khó khăn cần giải quyết, nhất là trong điều kiện mỗi trường mỗi khác.

Do đó, hiện các trường vẫn “tự bơi” giáo dục kỹ năng sống theo năng lực, điều kiện của mình. Ở bậc tiểu học, hiện nay, giáo dục kỹ năng sống chỉ thông qua môn Tiếng Việt và Đạo đức.

Tuy nhiên, việc giảng dạy cũng gặp khó khăn khi điều kiện từng trường học khác nhau, học sinh cũng khác nhau, và đặc biệt là năng lực của giáo viên khác nhau, làm cho giáo dục kỹ năng sống không đồng đều.

Thông qua các trò chơi dân gian, các em cũng sẽ cảm nhận tốt hơn về môi trường sống.
Thông qua các trò chơi dân gian, các em cũng sẽ cảm nhận tốt hơn về môi trường sống.

Giáo viên một trường tiểu học trên địa bàn TP Vĩnh Long cho biết, việc giáo dục kỹ năng sống chủ yếu dựa vào các nội dung kiến thức trong các môn Đạo đức, Tiếng Việt. Giáo viên vận dụng được những kiến thức này cũng đã được xem là “vừa đủ” để truyền tải cho các em HS.

Tuy nhiên, đứng trước cuộc sống ngày càng phát triển, luôn biến đổi thì giáo viên cũng cần cập nhật kiến thức liên tục, phù hợp với điều kiện thực tế. Do đó, rất cần có một hệ thống giáo dục kỹ năng sống mà các trường và giáo viên đều có thể áp dụng được.

Trong khi đó, thầy Trần Hoàng Túy cũng chia sẻ thêm, ngoài những kiến thức, nội dung trong sách giáo khoa, mỗi trường cần xây dựng trường lớp xanh- sạch- đẹp- an toàn và thân thiện.

Phối hợp với gia đình, các tổ chức xã hội để cùng góp phần giáo dục kỹ năng sống cho các em. Song song đó là nên tổ chức các hoạt động ngoài trời để các em cảm nhận rõ hơn về cuộc sống, những điều cần thiết để các em có thể tự trang bị cho bản thân.

Bài, ảnh: KHÁNH NGUYỄN