Vụ đuổi học vì xúc phạm thầy cô: Giáo viên có quyền tịch thu điện thoại của học sinh?

Cập nhật, 09:11, Chủ Nhật, 04/11/2018 (GMT+7)

Những giờ qua đã có nhiều tranh luận liên quan đến việc 'tịch thu điện thoại và đọc tin nhắn trên Facebook của học sinh' mà giáo viên của Trường THPT Nguyễn Trãi (Thanh Hóa) đã làm.

Trường THPT Nguyễn Trãi, Thanh Hóa, nơi xảy ra vụ việc 7 học sinh suýt bị đuổi học vì nói xấu giáo viên trên Facebook. Ảnh: ĐẶNG TRUNG/PLO
Trường THPT Nguyễn Trãi, Thanh Hóa, nơi xảy ra vụ việc 7 học sinh suýt bị đuổi học vì nói xấu giáo viên trên Facebook. Ảnh: ĐẶNG TRUNG/PLO

Giáo viên không có quyền tự ý mở điện thoại của học sinh

Theo quy định của Hiến pháp, mọi người đều có quyền bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác. Không ai được bóc mở, kiểm soát, thu giữ trái luật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư của người khác.

Bộ luật Dân sự 2015 cũng quy định thư tín, điện thoại, điện tín, cơ sở dữ liệu điện tử và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của cá nhân được bảo đảm an toàn và bí mật. Việc bóc mở, kiểm soát, thu giữ thư tín, điện thoại, điện tín, cơ sở dữ liệu điện tử và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư của người khác chỉ được thực hiện trong trường hợp luật quy định.

Tuy nhiên, theo các quy định khác, trách nhiệm của học sinh phải chấp hành nội quy, điều lệ nhà trường ban hành.

Trường hợp nội quy nhà trường không cho phép học sinh sử dụng điện thoại trong lớp, giáo viên có thể yêu cầu học sinh cất giữ điện thoại, không sử dụng trong giờ học hoặc giáo viên yêu cầu học sinh để lên bàn giáo viên và cuối giờ học trả lại điện thoại đó cho học sinh.

Trong bất kỳ trường hợp nào, giáo viên đều không được phép tự ý mở điện thoại của học sinh để xem, đọc các thông tin cá nhân nếu không được các em đồng ý hoặc không thuộc tình huống, trường hợp khẩn cấp (ví dụ cần liên lạc với người nhà học sinh trong trường hợp các em bị ốm, gặp nguy cấp…).

 Luật sư Đặng Văn Cường.
Luật sư Đặng Văn Cường.

Giáo dục không phải là nơi “kết tội” học sinh

Tôn sư trọng đạo là truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta từ xưa đến nay. Ngoài thực hiện nhiệm vụ học tập, rèn luyện theo chương trình, kế hoạch giáo dục của nhà trường, người học còn có nhiệm vụ tôn trọng nhà giáo, cán bộ và nhân viên của nhà trường.

Về phía nhà giáo, ngoài nhiệm vụ giáo dục, giảng dạy còn phải gương mẫu thực hiện nghĩa vụ công dân, giữ gìn phẩm chất, uy tín, danh dự của nhà giáo; tôn trọng nhân cách của người học, đối xử công bằng với người học, bảo vệ các quyền, lợi ích chính đáng của người học...

Cũng cần phải nói thêm rằng, giáo dục không chỉ là cung cấp kiến thức mà còn giáo dục, định hướng nhân cách cho người học. Do đó, việc để xảy ra tình trạng học sinh bất mãn, “nói xấu” giáo viên ở Trường THPT Nguyễn Trãi thì cần phải xem xét lại liệu việc giảng dạy đã thật sự đạt hiệu quả hay chưa.

Quan trọng nhất của giáo dục là định hướng các ứng xử, cách sống cho học sinh và giúp các em tiến bộ hơn chứ không phải là nơi kết tội các em.

Khi sự việc xảy ra, gia đình và nhà trường nên tìm hiểu rõ nguyên nhân trước chứ không nên vội kết tội.

Giáo viên có thể chưa hoàn toàn hiểu học sinh, nắm bắt được thái độ, tâm lý, tính cách của các em và học sinh chưa hoàn toàn hiểu, thông cảm cho giáo viên. Khi các bên có sự cảm thông, chia sẻ cho nhau thì có thể sẽ thống nhất được cách giải quyết, giữ gìn mối quan hệ thầy trò, hơn là việc đuổi học các em.

Sự tôn trọng luôn phải xuất phát từ cả 2 phía mới đạt kết quả tốt. Học tập, giáo dục là quyền của trẻ em, là quyền của mỗi công dân được nêu rõ trong Hiến pháp, Luật trẻ em và các văn bản pháp luật có liên quan. Do đó, cần hạn chế tối đa những hình thức kỷ luật như đuổi học, “loại bỏ” học sinh ra khỏi môi trường giáo dục trong nhà trường.

Luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội)

Theo Lao Động