Nếu bị đuổi, 7 học sinh Thanh Hóa còn dễ bị sa ngã hơn

Cập nhật, 17:09, Thứ Sáu, 02/11/2018 (GMT+7)

"Không thể tước đi quyền được học tập của các em học sinh, bởi điều này sẽ khiến các em học sinh dễ sa ngã, hư hỏng hơn. Đó là điều đáng buồn cho cả gia đình, xã hội", đại biểu chia sẻ bên lề Quốc hội.

ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan (đoàn TP.HCM) không đồng tính với việc đuổi học các em học sinh. Ảnh: TTXVN
ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan (đoàn TP.HCM) không đồng tính với việc đuổi học các em học sinh. Ảnh: TTXVN

Liên quan đến sự việc Trường Trung học Phổ thông Nguyễn Trãi (thành phố Thanh Hóa) ra quyết định đuổi học 7 học sinh do có hành vi xúc phạm thầy cô giáo và nhà trường trên mạng xã hội facebook và đến sáng 2/11, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hóa đã yêu cầu nhà trường thu hồi toàn bộ quyết định xử lý kỷ luật; bên lề Quốc hội, nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cho rằng, việc kỷ luật học sinh cần dựa nhiều yếu tố, đuổi học chỉ khiến các em dễ sa ngã, hư hỏng hơn.

Theo ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan (đoàn TP.HCM), việc xử lý như vậy là hoàn toàn sai, xâm phạm đời tư của các em. Vấn đề chính là giáo dục ý thức và tập thói quen cư xử văn hóa cho học sinh, bởi ở lứa tuổi này, các em còn rất trẻ và bồng bột. Đồng thời, nhà trường cũng nên "quen" với việc là không phải ai cũng nói tốt về mình. Nếu các em học sinh có hiểu không đúng về trường lớp, thày cô, thì phải giải thích, uốn nắn.

Đại biểu Lan cho biết,  bà rất chia sẻ với cô giáo cảm thấy bị xúc phạm khi học sinh nói  như vậy với mình, nhưng nên giải quyết vấn đề một cách sư phạm. "Chúng ta không thể tước đi quyền được học tập của các em khi đuổi ra khỏi trường. Điều đó sẽ khiến các em học sinh dễ sa ngã, hư hỏng hơn. Đó là điều đáng buồn cho cả gia đình, xã hội và bản thân các học sinh”, đại biểu Lan nhấn mạnh.

Cùng quan điểm trên, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng (đoàn Bến Tre) cho rằng, việc đuổi học sinh phải theo quy chế, quy định, không phải vì nói xấu trường trên mạng xã hội là đuổi học. 

"Việc xử lý một người nào đó phải dựa trên hậu quả, tính chất, mức độ và hành vi. Phải đối chiếu các quy định về nội quy, về pháp luật, chứ không phải thấy hiện tượng như vậy là đuổi học. Khi xử lý một vấn đề, đặc biệt là một mối quan hệ nào đó, phải hết sức thận trọng, áp dụng đúng quy định của pháp luật", đại biểu Nhưỡng chia sẻ.

Như tin đã đưa, trước đó, ngày 1/10, một nữ sinh lớp 10 sử dụng điện thoại trong giờ học, bị giáo viên bộ môn thu, giao cho cô chủ nhiệm. Chiều cùng ngày, tại phòng trực giám thị, điện thoại của nữ sinh không bị khóa, cô chủ nhiệm thấy trên màn hình hiện cuộc trò chuyện ở nhóm Facebook có tên “Động Cô Bích” - tên cô chủ nhiệm - với nội dung nói xấu thầy cô, nhà trường.

Việc này tiếp diễn vào tối cùng ngày. Nhà trường quyết định đuổi học một năm với 3 học sinh và đuổi học một tuần 4 em khác; một nữ sinh bị cảnh cáo trước toàn trường.

Sự việc trên đã tạo nhiều luồng ý kiến khác nhau trong dư luận, theo đó hình phạt đuổi học 7 học sinh lớp 10 ở Thanh Hóa vì nói xấu thầy cô trên mạng xã hội là quá nặng, không mang tính nhân văn và giáo dục.

Theo H.V/Báo Tin tức