Các trường CĐ: Khó khăn trong giải bài toán tuyển sinh

Cập nhật, 16:27, Thứ Tư, 24/10/2018 (GMT+7)

 

Các trường CĐ đã và đang nỗ lực hết sức để tồn tại, phát triển. Trong ảnh: Sinh viên CĐ Kinh tế- Tài chính Vĩnh Long giao lưu với doanh nghiệp.
Các trường CĐ đã và đang nỗ lực hết sức để tồn tại, phát triển. Trong ảnh: Sinh viên CĐ Kinh tế- Tài chính Vĩnh Long giao lưu với doanh nghiệp.

Dù chưa hết thời gian tuyển sinh ở các trường CĐ nhưng lượng thí sinh đã “bão hòa” và con số học sinh chọn vào CĐ “mỗi năm mỗi vắng”. Đặc biệt ở Vĩnh Long, nơi có dân số ít trong top 3 ĐBSCL nhưng có đến 3 trường ĐH, 5 trường CĐ, do đó bài toán tuyển sinh mà các trường CĐ phải giải quyết càng khốc liệt hơn.

Khổ lâu năm

Trường CĐ Cộng đồng Vĩnh Long đang khó chồng khó bởi “tuyển sinh không đạt chỉ tiêu nhiều năm liền”. ThS. Nguyễn Quang Sang- Hiệu trưởng Trường CĐ Cộng đồng Vĩnh Long- cho biết: Tuyển sinh năm 2018 cực kỳ khó khăn với hệ CĐ chính quy vì mới có 65 sinh viên làm thủ tục nhập học.

Trong đó, các ngành thủy sản, hành chính văn phòng, pháp luật mấy năm rồi không mở được lớp”. Hệ trung cấp tuyển sinh được 460 em. Tổng số sinh viên chính quy toàn trường khoảng 1.000 em.

Hiện tại, Trường CĐ Cộng đồng Vĩnh Long có 167 cán bộ, giảng viên, công nhân viên; trong đó 153 người là viên chức. Khó khăn lớn nhất của Trường CĐ Cộng đồng Vĩnh Long là “thu không đủ chi”.

ThS. Nguyễn Quang Sang giải thích: Các trường được cấp kinh phí đào tạo theo cơ chế đặt hàng dựa trên số học sinh thực học.

Nghĩa là tỉnh sẽ cấp kinh phí đào tạo dựa trên số học sinh- sinh viên tuyển được. “Nếu số học sinh- sinh viên thực học ít thì số tiền được cấp cũng ít. Với số tiền được cấp thì Trường CĐ Cộng đồng Vĩnh Long chỉ đủ trả lương cho khoảng 90 người”.

Phát biểu tại buổi lễ khai giảng năm học mới 2018- 2019, ThS Ngô Thanh Trúc- Hiệu trưởng Trường CĐ Sư phạm Vĩnh Long- khẳng định khó khăn lớn nhất là không biết trường sẽ “tồn tại thế nào, phát triển ra sao”.

Dù kết quả tuyển sinh năm 2018, trường này đạt trên 109% chỉ tiêu tỉnh giao. Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Sư phạm Vĩnh Long Nguyễn Văn Mười Ba cho biết: “Chỉ tiêu tỉnh giao cho trường là 80 cho ngành giáo dục mầm non và 30 ngành giáo dục tiểu học.

Tổng số học sinh- sinh viên toàn trường hiện nay khoảng 700, đã bao gồm các hệ đào tạo vừa học vừa làm, trung cấp, liên thông. Số cán bộ, giảng viên, nhân viên toàn trường là 59 người, khả năng đào tạo còn rất lớn”.

Nhờ biên chế gọn nhẹ và mở được nhiều khóa đào tạo ngắn hạn, tình hình Trường CĐ Kinh tế- Tài chính Vĩnh Long có ổn định hơn những năm trước.

ThS. Nguyễn Thị Thúy Liễu- Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Kinh tế- Tài chính Vĩnh Long- cho biết: “Toàn trường hiện có 90 cán bộ, giảng viên, công nhân viên, tạm đủ sống với số học sinh sinh viên thường xuyên hơn 800 em”. Trường CĐ Kinh tế- Tài chính Vĩnh Long còn tổ chức các lớp liên thông, nhiều giải pháp hỗ trợ kịp thời, lớp kỹ năng mềm, lớp đào tạo ngắn hạn để tăng thu nhập.

Giải bài toán tồn tại, phát triển

Với những khó khăn trước mắt, khi mà nhiều ngành không tuyển sinh được, dôi dư giảng viên, Trường CĐ Cộng đồng Vĩnh Long sắp xếp cho những giảng viên không đủ tiết dạy coi thi, làm công tác chủ nhiệm, nghiên cứu khoa học.

ThS. Nguyễn Quang Sang cho biết: “Chúng tôi sẽ sắp xếp, tinh gọn bộ máy còn 120 cán bộ, công chức, viên chức”- thầy Sang thở dài, nói tiếp: “Đây là bài toán đau đầu và đau lòng nhưng chúng tôi sẽ cố gắng thực hiện tốt nhất có thể để trường này tồn tại và phát triển”.

Song song đó, Trường CĐ Cộng đồng Vĩnh Long sẽ mở thêm ngành mới là nông nghiệp công nghệ cao. Bên cạnh, phối hợp với doanh nghiệp đào tạo theo địa chỉ đang được quan tâm, cho các em thực tập tại doanh nghiệp và được tuyển dụng ngay sau khi ra trường.

ThS. Nguyễn Thị Thúy Liễu cho biết: “Cũng nhờ sự quan tâm thực hiện tốt đề án phân luồng học sinh sau THCS mà tuyển sinh của trường chúng tôi trong năm học này phấn khởi hơn. Trước mắt, chúng tôi mong đề án được thực hiện tốt hơn nữa”.

Kết quả tuyển sinh năm 2018 Trường CĐ Kinh tế- Tài chính Vĩnh Long, hệ CĐ tuyển sinh được 163/200 em đạt 81,15% chỉ tiêu tỉnh giao, cao hơn 15,5% so với cùng kỳ; hệ TC tuyển sinh được 307 em, đạt 122,8% chỉ tiêu tỉnh giao. Liên kết đào tạo 9 đơn vị, tăng 4 đơn vị so với năm 2017 để đào tạo hệ TC.

Nói về tương lai xa hơn, Trường CĐ Kinh tế- Tài chính Vĩnh Long mong muốn sớm hoàn tất các thủ tục để trở thành Phân hiệu của Trường ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh ở Vĩnh Long.

ThS. Nguyễn Thị Thúy Liễu cho biết: “Mới nhất là tháng 5/2018 UBND tỉnh đã gửi công văn cho Bộ GD- ĐT về việc Trường ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh mở phân hiệu tại tỉnh Vĩnh Long”. Cô cũng thống nhất sắp xếp tinh gọn bộ máy, riêng về vấn đề thống nhất các trường CĐ: “nếu có hợp nhất cần có những bước chuẩn bị cẩn thận, có lộ trình cụ thể”.

Riêng ThS. Nguyễn Quang Sang đồng ý với việc sáp nhập các trường CĐ ở Vĩnh Long. Thầy giải thích: “Tôi ủng hộ thôi, vì các trường hiện đang khó khăn, đoàn kết sẽ tạo nên sức mạnh. Ít ra khi hợp nhất thì tuyển sinh không bị chồng chéo, manh mún giữa các ngành nghề như hiện nay”.

Lối đi nào cho các trường CĐ đã khó khăn nhiều năm liền, giải bài toán này không ngoài những cố gắng từ tập thể sư phạm với những nỗ lực nâng cao uy tín để tuyển sinh. Bên cạnh đó, các trường CĐ khó khăn rất cần những “lối thoát vĩ mô” ở tầm xa hơn để tận dụng cơ sở vật chất, con người; đào tạo đi đôi với chất lượng đáp ứng nhu cầu nhân lực tỉnh nhà, khu vực hay cả nước.

Học sinh quay lại với CĐ nghề

Trong vài năm trở lại đây, tình hình tuyển sinh của Trường CĐ Nghề Vĩnh Long có những bước phát triển đáng kể. Năm 2018, trường này tuyển được 675 học sinh sinh viên, đạt tỷ lệ 112% chỉ tiêu tỉnh giao.

Bài, ảnh: CAO HUYỀN