Câu chuyện giáo dục

Giá của một ly nước chanh

Cập nhật, 12:21, Thứ Tư, 11/07/2018 (GMT+7)

Mỗi ngày đi học, cậu bé 9 tuổi được mẹ cho 2.000đ, chỉ đủ để uống một ly nước chanh. Lần nọ, cậu rụt rè xin mẹ thêm 2.000đ nữa để đãi bạn cùng uống nước vì lý do rất chính đáng:

- Hôm qua, bạn mời con ăn bánh!

- Khi ăn bánh của bạn, con có nghĩ ra được cách nào để có tiền đãi bạn, ngoài cách xin mẹ tiền không?

- Dạ không ạ!- cậu bé hồn nhiên trả lời.

- Thế sao con lại ăn bánh của bạn? Đúng ra, con nên suy nghĩ trước rồi hãy nhận lời. Ta sẽ giải quyết thế này vậy: “Hôm nay con mang nước lọc đi học, để dành 2.000đ lại, cộng với 2.000đ của ngày mai, con sẽ đủ tiền đãi bạn cùng uống nước”.

Bạn có nghĩ là bà mẹ quá nghiêm khắc không? 

Rõ ràng là cho con tiền thì dễ, dạy con cách tiêu tiền mới khó! Khó hơn nữa là không có công thức chung trong việc dạy trẻ chi tiêu bởi mỗi nhà mỗi cảnh, mỗi đứa trẻ mỗi tính nết.

Quan trọng hơn cả, phụ huynh cần làm gương cho trẻ trong việc lập kế hoạch chi tiêu và thực hành tiết kiệm.

Qua những câu chuyện trong bữa cơm, nên thường xuyên chia sẻ với trẻ các khoản chi tiêu trong gia đình. Rủ con đi chợ, đi siêu thị… cũng là một cách hay để giúp trẻ biết cân nhắc trong việc tiêu xài.

Hãy hướng dẫn con kỹ năng quản lý tài chính thay vì cằn nhằn khi con xin tiền hoặc soi mói, lục lọi túi để tìm hiểu tiền để dành của con.

Ly nước chanh trong câu chuyện trên đâu phải chỉ có giá 2.000đ. Nó vô giá, bởi bài học giáo dục tài chính ấy ứng dụng trong suốt cả cuộc đời.

Nguyễn Thị Thu