Sổ tay

Bỏ điểm ngưỡng chất lượng- đừng quên chất lượng

Cập nhật, 06:05, Chủ Nhật, 10/06/2018 (GMT+7)

Quy chế tuyển sinh ĐH 2018 do Bộ GD- ĐT vừa công bố thì điểm sàn là một quy định “mở” giúp các trường chủ động hơn trong việc tuyển đầu vào. Điều này không chỉ tăng nỗi lo tuyển sinh ở các trường CĐ có thể càng khó khăn hơn mà còn kèm theo băn khoăn về chất lượng đầu ra khi đầu vào được thả lỏng.

Thực tế tuyển sinh từ các năm trước cho thấy, điểm sàn Bộ GD-ĐT đặt ra đều ở mức không cao (14-15 điểm), nghĩa là đạt ở mức trung bình mỗi môn 5 điểm. Đây cũng là hướng đi hợp lý khi các trường thực hiện quyền tự chủ ĐH.

Khi các trường chính thức được tự chịu trách nhiệm về những quyết định trong tuyển sinh của mình. Không ít người lo lắng rằng, trong thời gian tới sẽ có trường “vơ vét thí sinh”, bất chấp năng lực, nền tảng của thí sinh để tuyển sinh ồ ạt nhằm tạo nguồn thu, ... Thí sinh có thể dễ dàng chọn cho mình một trường ĐH, dù điểm thi 1 môn chỉ ở mức dưới trung bình.

Việc bỏ điểm sàn cũng sẽ khiến cuộc đua giữa các trường trở nên căng thẳng. Những bài toán về số lượng và chất lượng sẽ trở nên khó khăn hơn cho các trường.

Điểm sàn là điểm ngưỡng chất lượng để quy định “thí sinh này được vào ĐH thí sinh kia thì không”. Do đó, những băn khoăn kiểu chất lượng sẽ đi về đâu khi một số trường tận dụng thời cơ để tuyển sinh ồ ạt là có thể hiểu được.

Thiết nghĩ, Bộ GD- ĐT bỏ điểm sàn chung nhưng các trường phải tự đặt ngưỡng cho mình để đảm bảo chất lượng, giữ uy tín cho chính mình.

Trường phải công bố tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm. Bộ GD- ĐT cũng cần đẩy mạnh khâu kiểm định chất lượng của các trường. Và có phải trường nào kiểm định đạt chuẩn cũng có chất lượng thực sự.

VĨNH PHÚC