Ôn thi chủ động, phù hợp đối tượng

Cập nhật, 08:06, Thứ Tư, 16/05/2018 (GMT+7)

Đang ở giữa mùa cao điểm ôn thi THPT quốc gia, các trường THPT trong tỉnh Vĩnh Long đảm bảo tiến độ ôn thi, nhờ phân hóa đối tượng sớm. Đề thi có thay đổi khi thêm chương trình lớp 11 nhưng nhờ chủ động, kịp thời nên không lúng túng trong ôn tập.

Nhiều giáo viên còn lo lắng về vấn đề quản lý học sinh khi thi khác điểm trường. Trong ảnh: Giáo viên Trường THPT Phan Văn Hòa đón học sinh trường mình sau giờ thi năm 2017.
Nhiều giáo viên còn lo lắng về vấn đề quản lý học sinh khi thi khác điểm trường. Trong ảnh: Giáo viên Trường THPT Phan Văn Hòa đón học sinh trường mình sau giờ thi năm 2017.

Ôn tập theo đối tượng

Do kỳ thi THPT quốc gia năm nay không thay đổi nhiều so với năm 2017 nên các trường cũng chủ động hơn trong khâu ôn tập và phân loại học sinh. Đa phần các trường ôn thi theo đối tượng.

Thầy Trần Hoàng Phong- Phó Hiệu trưởng Trường THPT Vĩnh Xuân (Trà Ôn)- cho biết, trường tiếp tục phát huy những ưu điểm của cách ôn tập năm trước, bên cạnh cũng có những điểm mới trong ôn luyện và quản lý học sinh.

Về kết quả học tập của học sinh, “có khá hơn” năm trước do lượng học sinh diện “nguy cơ” giảm khoảng 60%, còn khoảng 10 em/385 em. Các học sinh yếu được phân tích cụ thể là yếu môn nào, do đâu mà yếu để có hướng ôn luyện thích hợp.

“Có học sinh chỉ vô tư vấn để được trải lòng với giáo viên, còn giáo viên thì nhẹ nhàng khuyên nhủ…”- thầy Phong nói thêm- “chúng tôi cố bắt đúng mạch để chữa đúng bệnh”.

Điểm đặc biệt ở Trường THPT Vĩnh Xuân là có khoảng 66% học sinh chọn thi tổ hợp môn xã hội. Đây cũng là tổ hợp thế mạnh của trường nhiều năm nay. Thầy Phong cho rằng: “Đây là vùng đất cách mạng nên đa phần các em được tiếp thu truyền thống đó, thích học các môn xã hội.

Tổ hợp này rộng đường xét tuyển hơn thì học sinh cũng chọn nhiều hơn”. Năm 2017, có 61,5% học sinh lớp 12 của trường này trúng tuyển nguyện vọng 1 vào các trường ĐH, CĐ.

Năm học này, Trường THPT Nguyễn Thông có đến 473 học sinh lớp 12, trong đó 439 em dùng kết quả để xét tuyển tốt nghiệp THPT và ĐH, CĐ; 34 em chỉ xét tuyển tốt nghiệp THPT. “Học sinh thuộc dạng “nguy cơ” của trường có khoảng 20 em, tương đương năm 2017. Những học sinh này được giáo viên dò bài các buổi chiều trong tuần”- thầy Phạm Văn Quân- Phó Hiệu trưởng cho biết.

Một điểm khác biệt nữa của trường này là phân loại học sinh theo tổ hợp môn từ đầu năm, đồng thời, phân loại theo học lực.

Trong mỗi lớp, học sinh có học lực đồng đều nhau để giúp giáo viên dễ ôn tập hơn. Khi các em đã chọn tổ hợp tự nhiên hay xã hội thì trường cũng dựa vào đó mà dạy “đậm đà” hơn. “Từ đầu năm, chúng tôi đã lên kế hoạch vừa học vừa ôn cho các em học sinh 12 nên rất chủ động trong ôn tập”- thầy Phạm Văn Quân nói.

Học sinh lớp 12A5, Trường THPT Vĩnh Xuân trong giờ ôn tập.
Học sinh lớp 12A5, Trường THPT Vĩnh Xuân trong giờ ôn tập.

Đảm bảo sĩ số, tiến độ

Vấn đề cơ bản cốt lõi, theo thầy Trần Hoàng Phong là việc duy trì sĩ số vì ôn thi có hiệu quả đến mấy mà học sinh bỏ ôn thì “coi như xong”. Phối hợp chặt chẽ với phụ huynh, các em nghỉ học phải có đơn xin phép do phụ huynh mang vào, các em nghỉ học không phép là liên lạc ngay với gia đình.

Điều thầy lo lắng là năm nay học sinh của trường sẽ chia làm 2 điểm thi: một nửa thi tại Trường THPT Vĩnh Xuân và một nửa thi THPT Hựu Thành (Trà Ôn) cách trường khoảng 10km.

“Bởi vì thi 2 nơi nên việc quản lý học sinh sẽ khó khăn hơn nhiều. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ cố gắng hết sức để đảm bảo cho học trò mình dự thi đầy đủ, tinh thần thoải mái để có kết quả cao nhất”.

Do nội dung thi có chương trình lớp 11, nên giáo viên bộ môn lớp 12 Trường THPT Vĩnh Xuân trong quá trình dạy phải tích hợp liên hệ chương trình này vào.

Trong tuần cao điểm như hiện nay các trường sẽ đưa kiến thức lớp 11 và dung lượng ôn tập tùy đối tượng. Thầy Phong giải thích: Tức là đối với từng đối tượng học sinh là giỏi, khá hay trung bình mà có hàm lượng lớp 11 khác nhau, bởi các em đã yếu thì cần nắm chắc kiến thức 12 trước, không ôm đồm.

Trường THPT Nguyễn Thông vẫn tuân thủ ôn tập theo khung thời gian chung của Sở GD- ĐT. Điểm khác của trường, theo thầy Phạm Văn Quân là “tiết học nhiều hơn”. Trường tổ chức ôn tập cho học sinh suốt từ sáng đến chiều từ thứ 2 đến thứ 7.

Trong đó, các ngày thứ 2, thứ 6 và thứ 7 sẽ kiểm tra đánh giá học sinh hàng tuần và giáo viên bộ môn họp rút kinh nghiệm, đánh giá. Ngày 16/5, trường tổ chức cho học sinh thi thử, “đây là lần thi thử duy nhất trong quá trình ôn” để đánh giá năng lực học sinh khi tiếp xúc đề và kịp thời ôn tập.

Học sinh Tô Chí Hải (lớp 12A3, Trường THPT Nguyễn Thông) đã đăng ký xét tuyển vào Trường Sĩ quan chính trị ngành Xây dựng Đảng chính quyền và nhà nước, đang cố gắng hết sức cho việc ôn luyện để đạt được mục tiêu của mình. Hải cho biết: “Em thích học Sử, Địa nên về cơ bản 2 môn này em khá tự tin rồi”.

Theo bà Nguyễn Thị Quyên Thanh- Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở GD- ĐT Vĩnh Long, công tác chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia của tỉnh đang diễn ra đúng tiến độ. Việc ôn thi được chủ động thực hiện, phù hợp với từng đối tượng học sinh.

Lịch thi THPT quốc gia 2018

Ngày

Buổi

Bài thi/ Môn thi thành phần của bài thi tổ hợp

Thời gian làm bài

Giờ phát đề thi cho thí sinh

Giờ bắt đầu làm bài

24/6/2018

SÁNG

8 giờ 00: Họp cán bộ làm công tác coi thi tại điểm thi

CHIỀU

14 giờ 00: Thí sinh đến phòng thi làm thủ tục dự thi, đính chính sai sót thông tin ĐKDT (nếu có) và nghe phổ biến quy chế thi, lịch thi

25/6/2018

SÁNG

Ngữ văn

120 phút

7 giờ 30

7 giờ 35

CHIỀU

Toán

90 phút

14 giờ 20

14 giờ 30

26/6/2018

SÁNG

Bài thi KHTN

Vật lý

50 phút

7 giờ 30

7 giờ 35

Hóa học

50 phút

8 giờ 30

8 giờ 35

Sinh học

50 phút

9 giờ 30

9 giờ 35

CHIỀU

Ngoại ngữ

60 phút

14 giờ 20

14 giờ 30

27/6/2018

SÁNG

Bài thi KHXH

Lịch sử

50 phút

7 giờ 30

7 giờ 35

Địa lý

50 phút

8 giờ 30

8 giờ 35

Giáo dục công dân

50 phút

9 giờ 30

9 giờ 35

CHIỀU

Dự phòng

 

Bài, ảnh: VĨNH PHÚC