Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể

Phải chuẩn bị tốt để tạo sự kế thừa và khác biệt

Cập nhật, 13:24, Thứ Tư, 29/11/2017 (GMT+7)

Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) tổng thể chính thức được thông qua bởi BCĐ đổi mới chương trình sách giáo khoa giáo dục. Qua đó, đã có nhiều đổi mới nhưng cũng cần có những bước chuẩn bị để có sự kế thừa và phát huy những cái khác biệt…

Cần quan tâm đến cơ sở vật chất, nâng tỷ lệ trường chuẩn phù hợp, đáp ứng nhu cầu cho Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể.
Cần quan tâm đến cơ sở vật chất, nâng tỷ lệ trường chuẩn phù hợp, đáp ứng nhu cầu cho Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể.

Hướng đến chất lượng cốt lõi

Chương trình GDPT tổng thể nêu lên 5 phẩm chất và 10 năng lực chủ yếu cốt lõi để tạo nên sự kế thừa và khác biệt so với chương trình trước đó.

Theo đó, 5 phẩm chất chủ yếu cần hình thành, phát triển ở học sinh là: yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực và trách nhiệm.

Về năng lực, Chương trình GDPT tổng thể mới hướng đến 10 năng lực cốt lõi gồm những năng lực chung được tất cả các môn học và hoạt động giáo dục để hình thành và phát triển tự chủ và tự học, năng lực giao tiếp và hợp tác, năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo, năng lực ngôn ngữ, năng lực tính toán, năng lực tìm hiểu tự nhiên và xã hội, năng lực công nghệ tin học, thẩm mỹ, thể chất,…

Theo Ban chủ biên, sẽ có 4 khác biệt cơ bản so với chương trình cũ là Chương trình GDPT tổng thể mới được xây dựng theo mô hình phát triển năng lực, thông qua những kiến thức cơ bản, thiết thực, hiện đại và các phương pháp tích cực hóa hoạt động của người học, giúp học sinh hình thành và phát triển những phẩm chất và năng lực.

Chương trình GDPT tổng thể mới phân biệt rõ hai giai đoạn gồm giai đoạn giáo dục cơ bản (từ lớp 1- 9), giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (từ lớp 10- 12).

Chương trình mới chú ý hơn đến tính kết nối giữa chương trình của các lớp học, cấp học trong từng môn và giữa chương trình của các môn học trong từng lớp học, cấp học.

Bên cạnh đó, Chương trình GDPT tổng thể mới đảm bảo định hướng thống nhất và những nội dung giáo dục cốt lõi, bắt buộc đối với học sinh toàn quốc.

Đồng thời trao quyền chủ động, trách nhiệm cho địa phương và nhà trường trong việc lựa chọn, bổ sung một số nội dung giáo dục và triển khai kế hoạch giáo dục phù hợp với đối tượng, điều kiện địa phương, nhà trường, góp phần bảo đảm kết nối hoạt động của nhà trường với gia đình, chính quyền và xã hội.

Trao đổi với báo giới, GS Nguyễn Minh Thuyết- Tổng Chủ biên thì Chương trình GDPT tổng thể mới sẽ có một số tính kế thừa.

Trong đó thể hiện rõ một số điểm như: tiếp tục được xây dựng trên quan điểm xem mục tiêu GDPT là giáo dục con người toàn diện, giúp học sinh phát triển về “Đức, Trí, Thể, Mỹ”; kế thừa các phương châm giáo dục “Học đi đôi với hành”, “Lý luận gắn liền thực tiễn”; tiếp tục tập trung vào những giá trị cơ bản của văn hóa dân tộc.

Bên cạnh đó, thời lượng dạy học có giảm với chương trình hiện hành, phương pháp giáo dục mới phát huy tính tích cực của học sinh, khắc phục nhược điểm của phương pháp truyền thụ một chiều…

Chuẩn bị tốt cho nâng chất khác biệt

Tuy đã được thông qua nhưng mới đây, Chính phủ thống nhất với đề xuất của Bộ GD- ĐT về việc lùi thời gian triển khai Chương trình GDPT tổng thể 1 năm so với kế hoạch, thay vì triển khai từ năm học 2018- 2019.

Do còn nhiều ý kiến về các điều kiện đảm bảo triển khai như: đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất vẫn còn nhiều khó khăn và đặc thù riêng của từng địa phương.

Bà Nguyễn Thị Quyên Thanh- Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở GD- ĐT Vĩnh Long- cho rằng, sách giáo khoa là công cụ của sự đổi mới và cần phải được chuẩn bị thật tốt để có tính ổn định và lâu dài.

Nhưng nếu có chương trình tốt nhưng đội ngũ nhà giáo chưa sẵn sàng, không tích cực hoàn thiện để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ thì mọi quá trình đổi mới đều không đạt hiệu quả mong muốn.

Bên cạnh đó, bà Nguyễn Thị Quyên Thanh cho rằng, về các điều kiện cơ sở vật chất, việc thay đổi lộ trình thực hiện chỉ áp dụng với lớp 1 của năm đầu tiên thay vì lớp 1, 6 và lớp 10 đã giảm áp lực nhưng vẫn nhiều khó khăn khi các địa phương còn phải cân đối ngân sách để xây dựng cơ sở vật chất ngoài chương trình mục tiêu quốc gia nông thôn mới.

Do đó, với phương án lùi lại một năm là hợp lý nhằm sắp xếp lại quy mô trường lớp, tạo nền tảng về cơ sở vật chất tương xứng, đồng bộ giữa các yếu tố cho đổi mới…

Nói về các giải pháp để triển khai tốt Chương trình GDPT tổng thể một cách có hiệu quả và tạo sự khác biệt, thì cần một số giải pháp cụ thể để thực hiện.

Theo đó, bà Nguyễn Thị Quyên Thanh cho rằng cần quan tâm đầu tư nâng tỷ lệ và chất lượng trường đạt chuẩn quốc gia (trong khi hiện cả nước chỉ có khoảng 57% trường đạt chuẩn, tỷ lệ thấp so với mục tiêu cần đạt của lộ trình đổi mới);

Chính phủ sớm phê duyệt đề án đảm bảo cơ sở vật chật cho chương trình giáo dục mầm non, phổ thông phù hợp lộ trình áp dụng chương trình sách giáo khoa mới, đảm bảo bố trí kinh phí cho địa phương đầu tư cơ sở vật chất, bồi dưỡng giáo viên một cách đồng bộ.

Tuy nhiên, một trong những vấn đề quan trọng, theo bà Nguyễn Thị Quyên Thanh là Bộ GD- ĐT cần sớm hoàn thành đồng bộ các chương trình đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý trường phổ thông song song với việc ban hành chương trình, sách giáo khoa để việc tổ chức tập huấn, bồi dưỡng giáo viên đảm bảo kịp thời với lộ trình…

Con người là yếu tố quan trọng nhất để triển khai Chương trình GDPT tổng thể mới, do đó, nhiều ý kiến chú trọng đến vấn đề này. Giám đốc Sở GD- ĐT Vĩnh Long Nguyễn Thị Quyên Thanh nhấn mạnh, hiện nay, cả nước giáo viên THCS và THPT thừa thiếu cục bộ, do đó, Bộ GD-ĐT sớm quy định cụ thể để địa phương xây dựng phương án rà soát… Đồng thời cần sớm ban hành chính sách cải cách tiền lương sao cho vừa sức cống kiến của nhà giáo, phải tạo động lực cho nhà giáo an tâm công tác và thực hiện đổi mới…

Bài, ảnh: KHÁNH DUY