Giáo dục đạo đức cho học sinh- sinh viên

Cần hình thức phù hợp, thực hiện nhẹ nhàng sáng tạo

Cập nhật, 05:02, Thứ Tư, 11/10/2017 (GMT+7)

 

Giáo dục đạo đức, chính trị tư tưởng cho học sinh thông qua những hình thức vui tươi, nhẹ nhàng.
Giáo dục đạo đức, chính trị tư tưởng cho học sinh thông qua những hình thức vui tươi, nhẹ nhàng.

Giáo dục đạo đức cho học sinh- sinh viên (HS- SV) không phải là quá khó nhưng cũng không đơn giản. Nhất là khi đối tượng HS- SV phạm tội ngày càng tăng lên, đòi hỏi công tác phối hợp quản lý và sự chung tay giáo dục để các em hoàn thiện hơn, tránh các tệ nạn, trở thành công dân có ích.

Dạy chữ kết hợp dạy người

Trước sự phát triển nhanh chóng của xã hội, ngành giáo dục cần đổi mới về nội dung để nâng cao chất lượng, nhằm giáo dục đạo đức, lối sống cho HS. Nói như thầy Phạm Văn Hồng- Phó Giám đốc Sở GD- ĐT Vĩnh Long- thì việc giáo dục tư tưởng, đạo đức cho HS- SV quan trọng không kém dạy chữ.

Thầy Huỳnh Văn Tuấn- Phó Bí thư Đoàn Trường THCS- THPT Phú Quới (Long Hồ) cho biết: Tình hình giao thông trước cổng trường rất lộn xộn, HS sử dụng xe phân khối lớn nhưng các em không gửi xe trong trường nên trường không xử lý được.

Một số HS cho biết, có những HS vào quán trà sữa để sử dụng “tem giấy” nữa (một loại ma túy khiến loạn thần, hoang tưởng).

Xác định việc giáo dục đạo đức, tư tưởng HS là rất cần thiết nhưng giáo dục thế nào, ai giáo dục là vấn đề cần quan tâm.

Thầy Nguyễn Bá Khương- Phó Hiệu trưởng Trường THPT Phan Văn Hòa (Tam Bình)- cho rằng Đoàn trường là nơi nắm tư tưởng, tình cảm của HS. Thầy Khương làm công tác Đoàn trường đã 17 năm.

Theo thầy, thay vì trách phạt học trò, hãy đưa ra một hình thức khen thưởng khích lệ, các em sẽ phối hợp rất nhịp nhàng.

“Ví dụ ngay đầu năm học, thầy nói các em chấp hành tốt nội quy, nghiêm túc, thầy xin trường cho cắm trại thì năm đó ngon lành”- thầy Khương nói thêm- “Những năm gần đây, bạo lực học đường không còn, nhưng quan trọng là giờ cao điểm như đầu giờ, ra chơi, tan học phải có Đoàn trường giám sát”.

Đối với Trường THPT Vĩnh Long, trường học thân thiện nhiều năm liền thì được thầy Hiệu trưởng Đặng Hoàng Dũng chia sẻ kinh nghiệm: “Đối với HS, chúng ta không thể cấm vì càng ngăn cản các em càng muốn thực hiện. Giống như mũi tên đã bắn ra chúng ta không cản lại mà phải điều chỉnh hướng mũi tên cho phù hợp”. Uốn nắn kịp thời và nhẹ nhàng khuyên nhủ là cách mà trường vận động, giáo dục HS.

Những cách làm hay

Từ những phong trào hữu ích, HS thấy được hiệu quả việc mình làm và dần chuyển biến trong nhận thức. Đó là những gì mà Trường THPT Nguyễn Văn Thiệt (Mang Thít) làm trong những năm gần đây.

Anh Huỳnh Đại Nghĩa- Bí thư Đoàn trường cho biết thường áp dụng biện pháp cứng: “Ngay từ đầu năm, chúng tôi đã cho HS cam kết nói không với bạo lực học đường”.

Trong đó, có 10 quy định cụ thể và HS cam kết “Nếu bản thân không chấp hành thì sẽ chịu các hình thức xử lý theo quy định của trường, hình thức cao nhất là đình chỉ học 1 năm”.

Học sinh cần được giáo dục để trở thành người tốt.
Học sinh cần được giáo dục để trở thành người tốt.

Mềm dẻo trong cách tiếp cận HS, để các em tự nguyện tham gia các phong trào có ích như nuôi heo đất gây quỹ vì bạn nghèo thu được hơn 7 triệu đồng.

Trường phối hợp với Công an huyện Mang Thít tổ chức tuyên truyền, hỏi đáp có quà về an toàn giao thông. “Đoàn trường còn thực hiện nhiều công trình thanh niên cho HS tham gia. Đồng thời, tổ chức các hội thao, giao lưu văn nghệ, hoạt động về nguồn…”- anh Nghĩa nói thêm.

Cuối năm 2016- 2017, kết quả học tập của HS toàn trường tăng, số vụ đánh nhau giảm và đặc biệt là 100% HS đậu tốt nghiệp.

Trong khi đó, Trường THPT Nguyễn Thông (TP Vĩnh Long) có mô hình “5 biết 5 không”. Theo thống kê năm học 2015- 2016 trường này có 45 lượt HS bỏ học; gian lận trong kiểm tra, thi cử 7 lượt; đánh nhau 2 vụ với 13 HS ra hội đồng kỷ luật. Về hút thuốc lá có 27 em, 26 HS vi phạm an toàn giao thông.

Qua thực tế tìm hiểu HS, BCH Đoàn Trường THPT Nguyễn Thông đã tìm ra những nguyên nhân từ tâm lý lứa tuổi, gia đình và xã hội. Từ đó, đề ra mô hình “5 biết, 5 không”.

Theo đó, Trường THPT Nguyễn Thông thành lập BCĐ cho mô hình này, đồng thời treo các biểu bảng và lập quỹ khen thưởng. Đoàn trường ngoài nhiệm vụ tuyên truyền cho HS còn quan tâm, động viên và khen thưởng kịp thời.

Đặc biệt, giáo viên chủ nhiệm lập danh sách HS nói tục, chửi thề hay bỏ học chơi game, hút thuốc để trực tiếp trao đổi. Qua một năm thực hiện có đánh giá, kiểm tra, khen thưởng mô hình “5 biết, 5 không”, thái độ học tập, tư tưởng chính trị của HS đã có chuyển biến tích cực.

 

Mô hình “5 biết, 5 không”

 

“5 biết” là biết chào hỏi; biết nói lời cảm ơn, xin lỗi; biết tự hào; biết xấu hổ và biết cảm nhận cái đẹp.

 

“5 không” là không nói tục, chửi thề; không hút thuốc; không bạo lực; không bỏ học chơi game; không xả rác.

 

Trong năm học 2016- 2017, Trường THPT Nguyễn Văn Thiệt có HS Nguyễn Thanh Nhựt, hiện đang học lớp 11 nhặt được sợi dây chuyền 3 chỉ vàng đã đến công an trình báo, trả lại cho người bị mất.

 

  • Bài, ảnh: CAO HUYỀN